Hướng tới tương lai

Những trọng tâm chính sách và định hướng phát triển đã mở ra lộ trình mới hướng tới tương lai tươi sáng.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc kêu gọi các nước phê chuẩn Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc kêu gọi các nước phê chuẩn Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện.

1. Hướng tới Ngày Quốc tế chống thử hạt nhân (29/8), Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi các nước trên thế giới cấm vĩnh viễn hoạt động thử hạt nhân. Theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc, trong gần 80 năm qua, hơn 2.000 vụ thử hạt nhân đã được tiến hành tại hơn 60 địa điểm trên khắp thế giới, để lại một “di sản hủy diệt” khiến nhiều khu vực không thể sinh sống và gây ra nhiều hệ lụy lâu dài đối với sức khỏe con người. Ông Guterres cảnh báo rằng thời gian gần đây xuất hiện những động thái kêu gọi nối lại việc thử hạt nhân, cho thấy những bài học khủng khiếp trong quá khứ đang bị phớt lờ hoặc lãng quên. Bên cạnh đó, ông cũng kêu gọi các nước phê chuẩn Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT) - một thỏa thuận đa phương cấm tất cả các vụ thử hạt nhân, bất kể phục vụ mục đích hòa bình hay quân sự. Hiệp ước này được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua vào năm 1996 và đã được 187 quốc gia ký kết, nhưng vẫn chưa có hiệu lực.

2. Thủ tướng Singapore Lawrence Wong đã có bài phát biểu quan trọng tại cuộc mít-tinh kỷ niệm Ngày Quốc khánh. Bài phát biểu của ông Wong tập trung vào vấn đề việc làm và nền kinh tế, hỗ trợ các gia đình, vấn đề nhà ở và giáo dục. Cụ thể, Chính phủ Singapore đặt mục tiêu tăng cường mạng lưới an sinh xã hội, bao gồm duy trì chi phí sinh hoạt ở mức ổn định, tăng cường hỗ trợ các gia đình và giúp đỡ những người gặp khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm. Chính phủ Singapore cam kết tiếp tục giảm tác động của lạm phát, đặc biệt là đối với các gia đình có thu nhập thấp và trung bình. Thủ tướng cũng lưu ý rằng đất nước sẽ phải tìm kiếm các giải pháp mới để xây dựng một Singapore tốt đẹp hơn, nhằm hiện thực hóa những tham vọng mới được nêu trong lộ trình Forward Singapore - được Thủ tướng Wong và các nhà lãnh đạo thế hệ thứ tư khác công bố vào tháng 10/2023.

3. Tại Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến Tiếng nói nam bán cầu lần thứ ba, các nhà lãnh đạo đã kêu gọi đặt nền tảng cho việc hướng tới tương lai với sự hiểu biết lẫn nhau. Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đề xuất “Hiệp ước Phát triển Toàn cầu” phù hợp ưu tiên của các nước đang phát triển, lấy con người làm trung tâm, đa chiều cho phát triển và sẽ thúc đẩy cách tiếp cận đa ngành. Hiệp ước sẽ không gây gánh nặng nợ nần cho các quốc gia đang cần vốn tài trợ phát triển, giúp các nước đối tác phát triển cân bằng và bền vững. Hiệp ước sẽ tập trung vào thương mại để phát triển, xây dựng năng lực cho tăng trưởng bền vững, chia sẻ công nghệ, tài chính ưu đãi và tài trợ cho từng dự án cụ thể. Để tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, Ấn Độ sẽ khởi động một quỹ đặc biệt trị giá 2,5 triệu USD giúp đào tạo về chính sách thương mại và đàm phán thương mại nhằm xây dựng năng lực trong lĩnh vực này. Hiệp ước hướng tới quản trị toàn cầu công bằng và toàn diện, các nước phát triển thực hiện trách nhiệm và cam kết của mình, với mục tiêu thu hẹp khoảng cách giữa Bắc bán cầu và Nam bán cầu.

4. Là Thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử Thái Lan và là thành viên thứ ba trong gia tộc Shinawatra nắm giữ cương vị đứng đầu chính phủ, bà Paetongtarn Shinawatra cam kết đưa đất nước trở thành miền đất của cơ hội, hy vọng và hạnh phúc. Nhấn mạnh sứ mệnh này là không thể chỉ do một mình Thủ tướng hoàn thành, bà cam kết sẽ đoàn kết mọi người dân từ mọi thế hệ và thành phần, bao gồm chính phủ, các đảng liên minh, giới công chức, khu vực tư nhân và người dân. Tân Thủ tướng cũng tuyên bố thúc đẩy phát triển kỹ năng của người Thái nhằm bảo đảm “mỗi tấc đất của Thái Lan là không gian nơi mọi người có thể mơ ước, sáng tạo và định hình tương lai của mình”.

Hướng tới tương lai ảnh 1

Tân Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra.