Khơi nguồn đầu tư cho R&D

Không thể phủ nhận, những năm gần đây, chỉ số "đổi mới, sáng tạo" của Việt Nam đã có sự cải thiện đáng kể. Năm 2020, Việt Nam đứng thứ 42/131 quốc gia, vùng lãnh thổ, đứng đầu nhóm 29 quốc gia, nền kinh tế cùng mức thu nhập về lĩnh vực này. Năm 2021, Việt Nam xếp thứ 44 sau khi cập nhật số liệu GDP (tăng khoảng 36% so năm 2020). Tuy vậy, bức tranh không chỉ có gam mầu sáng.

Nghiên cứu khoa học trong phòng thí nghiệm tại Viện Nghiên cứu dữ liệu lớn VinBigData (Tập đoàn Vingroup). Ảnh: VINGROUP
Nghiên cứu khoa học trong phòng thí nghiệm tại Viện Nghiên cứu dữ liệu lớn VinBigData (Tập đoàn Vingroup). Ảnh: VINGROUP

Khoảng trống trong cơ chế, chính sách

Theo số liệu khảo sát vừa được Bộ Khoa học và Công nghệ công bố, phần lớn các doanh nghiệp thực hiện đổi mới-sáng tạo thông qua việc "đầu tư vào công nghệ mới được gắn liền với hàng hóa, máy móc, thiết bị" hoặc "nâng cấp/chỉnh sửa công nghệ, thiết bị hiện tại", mà rất ít đầu tư cho nghiên cứu và phát triển. Các doanh nghiệp Việt Nam chỉ chi 1,6% doanh thu hằng năm cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), thấp hơn nhiều quốc gia trong khu vực, như Philippines (3,6%), Malaysia (2,6%) và đặc biệt là Lào (14,5%). Về phía Nhà nước, tỷ lệ chi cho khoa học công nghệ (cả khu vực Nhà nước và tư nhân) cũng chỉ khoảng 0,44% GDP, đứng sau Singapore (2,22%), Malaysia (1,44%) và Thái Lan (0,78%)...

TS Chử Đức Hoàng (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết: Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia hiện có vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng, được giao thực hiện các chính sách hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo. Thế nhưng, do nhiều doanh nghiệp còn hạn chế trong nhận thức về vai trò của công nghệ và đổi mới công nghệ, chưa có nhiều kinh nghiệm xây dựng, triển khai các đề tài, dự án đầu tư đổi mới công nghệ hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, nên việc hoàn thiện hồ sơ trong quá trình xét chọn, phê duyệt nhiệm vụ thường bị kéo dài, không đáp ứng được tiến độ thực hiện dự án của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các quy định pháp luật đã ban hành hướng dẫn mới chỉ tập trung cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, mà chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trong hoạt động đổi mới sáng tạo. Một thí dụ điển hình là chưa có nội dung chi cho đổi mới quy trình quản trị doanh nghiệp. Các dự án có hoạt động chuyển giao công nghệ, mua bí quyết công nghệ… cũng gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện các quy định của Luật Đấu thầu đối với việc mua sắm tài sản, vì việc mua sắm liên quan đến công nghệ có sự khác biệt so với việc mua sắm các hàng hóa thông thường khác.

Quả thực, thiết kế và thực thi chính sách nhằm thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp là lĩnh vực còn rất mới đối với các cơ quan ban hành chính sách nói riêng và quản lý nhà nước nói chung. Tận dụng tối đa sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế có thể là một phần lời giải.

Sẵn sàng "ngã về phía trước"

Có một thực tế, nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm việc trích lập Quỹ Phát triển Khoa học-Công nghệ. Với mức trích tối đa 10% thu nhập tính thuế, số trích lập quỹ của các doanh nghiệp nhỏ và vừa rất thấp, không đủ để thực hiện các hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới-sáng tạo, trong khi các nguồn vốn tín dụng, hỗ trợ tín dụng để bổ sung lại không có, hoặc khó tiếp cận. Hơn nữa, một số nội dung chi của Quỹ được bổ sung, vẫn chưa được quy định cụ thể, gây khó khăn cho doanh nghiệp khi giải ngân.

Bởi vậy, những cái bắt tay thật chặt giữa các tổ chức được lập ra để hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới-sáng tạo với các ngân hàng, các quỹ đầu tư… cũng là yếu tố không thể thiếu. Được biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số (trong doanh nghiệp, Hợp tác xã và hộ kinh doanh giai đoạn 2021-2025) để áp dụng trên phạm vi toàn quốc. Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa ra đời theo Luật Hỗ trợ DNNVV cũng đang thực hiện hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, tham gia chuỗi giá trị với mức cho vay tối đa không quá 80% tổng mức vốn đầu tư của từng dự án, phương án sản xuất, kinh doanh với lãi suất ưu đãi, thời gian vay tối đa không quá bảy năm…

Thế nhưng, làm thế nào để những thông tin này đến được với doanh nghiệp và nhất là làm sao để những quả "trứng mồi" từ ngân sách nhà nước thu hút được thêm nguồn lực từ xã hội-từ các quỹ đầu tư, sàn chứng khoán…? Đây đều là những câu hỏi mà nhà nước cần chung sức với doanh nghiệp tìm ra lời giải đúng.

Để khép lại bài viết, xin dẫn lại lời chia sẻ của bà Trần Uyên Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát: "Quá trình hiện thực hóa các nỗ lực đổi mới-sáng tạo vào sản xuất, kinh doanh gặp không ít thách thức, khi mà ngay trong giai đoạn hình thành ý tưởng đã phải đối mặt đòi hỏi phải chứng minh tính hiệu quả và khả thi của ý tưởng đó, trong khi "đổi mới-sáng tạo" đã hàm ý khác với những giá trị hiện tại. "Đổi mới-sáng tạo phải bắt nguồn từ lãnh đạo doanh nghiệp, với tư tưởng nhất quán, với tinh thần sẵn sàng… ngã, chỉ là phải ngã về phía trước!"-nữ doanh nhân này quả quyết.

ÔNG NGUYỄN TUẤN LƯƠNG, TRƯỞNG PHÒNG ĐỔI MỚI SÁNG TẠO
CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN LIÊN HỢP QUỐC (UNDP) TẠI VIỆT NAM:

Hiện nay, UNDP có mạng lưới 90 phòng thí nghiệm đổi mới sáng tạo "phủ sóng" 114 nước trên toàn cầu. Các đơn vị này có nhiệm vụ thúc đẩy khám phá và thử nghiệm các giải pháp sáng tạo mang tính bền vững; phân tích chia sẻ kiến thức; tạo ra cơ sở, bằng chứng để hành động sát với nhu cầu của người dân hơn; dẫn dắt, gắn kết và cộng hưởng các thành viên, nguồn lực trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, nắm bắt xu hướng giúp hoạch định chiến lược.

Đặc biệt, tổ chức này luôn xác định rõ mục tiêu kết hợp đổi mới sáng tạo với phát triển bền vững, từ đó khuyến khích, hỗ trợ khu vực công và doanh nghiệp trong việc chuyển đổi sang mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn; đồng thời xây dựng hệ sinh thái để lan tỏa những giá trị sáng tạo, bền vững.