Tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2022

Giữa "ma trận" phương thức và lựa chọn

Theo kế hoạch, ngày 24/7 mới là thời điểm Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố điểm thi tốt nghiệp Trung học phổ thông-một căn cứ quan trọng để lựa chọn và đăng ký ngành học, trường học của các thí sinh; dù vậy, không khí mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng năm nay đã rất nóng, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
0:00 / 0:00
0:00
Trong phòng thi đánh giá năng lực Trường đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh năm 2022. Ảnh: Phương Nam
Trong phòng thi đánh giá năng lực Trường đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh năm 2022. Ảnh: Phương Nam

SAU hai năm triển khai cơ chế tự chủ, nhất là tự chủ về tuyển sinh đối với các cơ sở giáo dục đại học, theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2022 này, thống kê các trường trên cả nước đã có đến 20 phương thức tuyển sinh được áp dụng. Cũng giống như mùa tuyển sinh năm ngoái, phương thức được nhiều trường lựa chọn và tiến hành sớm là xét học bạ. Trên thực tế, phương án này đang cho thấy những kết quả gây băn khoăn, khó hiểu cho không chỉ dư luận mà cả các chuyên gia. Số liệu từ một số trường vừa công bố phương thức xét học bạ cho thấy điểm chuẩn bỗng dưng cao chót vót, vượt hẳn điểm chuẩn bằng phương thức thi tốt nghiệp trung học phổ thông (hay điểm thi đánh giá năng lực). Theo đó, ba ngành của Trường đại học Văn hóa Hà Nội là Báo chí, Luật và Quản trị dịch vụ du lịch-lữ hành có mức điểm lên tới 30,5. So năm 2021, điểm chuẩn trúng tuyển của trường này theo phương thức lấy điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông cao nhất thuộc về ngành Quản trị dịch vụ du lịch-lữ hành với 27,3 điểm (khối C) và 26,3 điểm (khối D).

Trong khi đó, cùng phương thức xét học bạ, điểm chuẩn ở không ít trường chỉ ở mức trung bình. Nhiều ngành học của Trường đại học Điện lực, Trường đại học Công nghệ giao thông vận tải hay Trường đại học Kiến trúc Hà Nội điểm chuẩn học bạ được lấy trung bình 18-19 điểm.

Đáng chú ý trong quy chế tuyển sinh năm nay, phương thức xét học bạ và xét nguyện vọng là độc lập. Vì thế, trường hợp nếu thí sinh xét học bạ vào một trường thì vẫn có thể đăng ký nguyện vọng vào một trường khác, hoặc có thể đăng ký hai ngành cùng cơ sở đào tạo. Hoặc các thí sinh cũng có thể đăng ký xét tuyển học bạ vào một trường kể cả khi không đăng ký nguyện vọng vào trường đó. Về điểm này, lưu ý thí sinh cần phải tham khảo kỹ thông tin của từng trường trước khi đưa ra quyết định bởi mỗi trường từng năm lại có cách tính điểm xét học bạ riêng.

NGOÀI phương thức xét học bạ, năm nay các trường đại học trên cả nước duy trì khoảng 20 phương thức xét tuyển khác nhau. Tuy nhiên, theo PGS, TS Nguyễn Thu Thủy-Vụ trưởng Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), mặc dù kết hợp các phương thức xét tuyển đang là xu hướng trong các trường đại học tại Việt Nam nhưng vẫn có đến 90% số thí sinh được xét tuyển vào đại học trên cả nước vẫn sử dụng phương thức truyền thống là điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông và xét học bạ. Riêng một số trường đã giảm xuống dưới 50% chỉ tiêu sử dụng phương thức tuyển sinh dựa trên kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông như Trường đại học: Bách khoa Hà Nội, Kinh tế quốc dân, Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội),...

Không ít ý kiến cho rằng, từ năm 2020, sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đổi tên từ thi Trung học phổ thông quốc gia sang thi Tốt nghiệp trung học phổ thông, kỳ thi này đã không còn thể hiện rõ mục tiêu "2 trong 1" (vừa làm căn cứ xét tốt nghiệp, vừa để tuyển sinh đại học). Trên thực tế, đã có một số cơ sở giáo dục đại học thay vì xét tuyển dựa trên học bạ hay điểm thi tốt nghiệp Trung học phổ thông - đã tổ chức thi tuyển theo phương án riêng. Mới đây nhất, ngày 17/7, đã có gần 9.000 thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá tuyển sinh Công an Nhân dân lần đầu được tổ chức nhằm phục vụ xét tuyển đại học. Nếu tính cả một số đợt thi sắp tới, thì ngoài kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông vừa diễn ra, đã, đang và sẽ có bảy kỳ thi Đánh giá năng lực của các trường khối ngành Công an, Trường đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, kỳ thi Đánh giá tư duy của Trường đại học Bách khoa Hà Nội và Đánh giá năng lực chuyên biệt của Trường đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh.

Giữa "ma trận" phương thức tuyển sinh, lời khuyên của các chuyên gia dành cho mỗi thí sinh là phải tỉnh táo, nắm chắc các điểm mới của quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng năm nay. Đáng chú ý, khác với năm ngoái, dù đã đạt mức điểm chuẩn, để chính thức trúng tuyển, thí sinh phải được công nhận tốt nghiệp Trung học phổ thông, đồng thời đăng ký nguyện vọng xét tuyển bằng học bạ lên hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo từ ngày 22/7 đến 20/8, cùng với nguyện vọng xét bằng các phương thức khác. Đây cũng là điểm lưu ý mà mọi cơ sở đào tạo đều nhấn mạnh với thí sinh, bởi thiếu một trong hai điều kiện này đồng nghĩa thí sinh từ bỏ quyền trúng tuyển. Trong trường hợp nhiều nguyện vọng đủ điều kiện trúng tuyển, thí sinh chỉ được công nhận trúng tuyển và gọi nhập học theo nguyện vọng cao nhất. Theo kế hoạch, kết quả chính thức sẽ được các trường đại học công bố trước 17 giờ ngày 17/9.

"Trong bối cảnh đa dạng phương thức tuyển sinh, có sự chênh lệch cao về điểm chuẩn giữa các ngành như năm nay, các thí sinh sau khi có kết quả điểm thi nên tỉnh táo đánh giá đúng năng lực bản thân, chọn chương trình, ngành học phù hợp và có mức học phí trong khả năng của gia đình."-ThS Nguyễn Viết Hiền (Trường đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ.

Nhìn lại quá trình đổi mới thi cử, trong hai thập niên qua, ngành giáo dục đã chuyển từ tổ chức kỳ thi "ba chung" (chung đề, chung đợt và dùng chung kết quả), tiếp đó là kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia, rồi sau là kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông, và hiện nay đang áp dụng cơ chế "tự chủ tuyển sinh" với nhiều đợt thi, đánh giá năng lực... tuyển sinh đại học, sau rất nhiều những "thí điểm", lại đang quay về tình trạng "bình mới rượu cũ".