Tháng 6 đặc biệt
Chàng sinh viên Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam Phạm Anh Tú chọn đúng sinh nhật tròn 19 tuổi để đến Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, với một mong muốn "làm việc gì đó để giúp đỡ mọi người" - và em chọn hiến máu.
Tháng 6, bệnh viện đang khan máu ở mức báo động. Dịch bệnh khiến cho số lượng người hiến máu giảm sút, vậy nên, ở sảnh chờ, ngay khi một tình nguyện viên hiến máu xuất hiện là nụ cười lấp lánh hiện trên mắt của những điều dưỡng viên chịu trách nhiệm đón tiếp. Ở đây, có một ngôn ngữ riêng, ngôn ngữ của tình người, lời nói đôi khi không cần thiết.
Ðiều dưỡng viên đeo tấm chắn giọt bắn tận tình hướng dẫn cho từng tình nguyện viên đến hiến máu tải app Bluezone hoặc Ncovi để khai báo y tế và quét mã check-in đã tới bệnh viện. Biết chàng trai 19 tuổi đang muốn có một "sinh nhật đặc biệt", chị điều dưỡng điền thông tin hiến máu cho Tú còn nhắc: "Chút hiến máu xong nhớ lấy quà sinh nhật nhé!". Tú òa lên bất ngờ. Duyên làm sao, bệnh viện chọn tháng 6 - tháng có ngày Quốc tế Người hiến máu 14-6 để tổ chức chuỗi hoạt động vừa tri ân tình nguyện viên, vừa để vận động mọi người tham gia hiến máu. Ðặc biệt, bệnh viện sẽ tặng quà cho người hiến có sinh nhật trong tháng này.
Xét nghiệm máu xong, Tú được bác sĩ tư vấn hiến tiểu cầu. Cậu được đánh giá có thể trạng và tình hình sức khỏe tốt, đủ điều kiện để hiến tiểu cầu, nếu đồng ý, cậu sẽ phải mất nhiều thời gian ở lại hơn vì phải đợi máy gạn tách thành phần máu. Rất nhanh, Tú có quyết định của mình. Quyết định của Tú khiến anh Bùi Văn Lực - điều dưỡng viên mừng ra mặt: "Ðấy phải có thanh niên trai tráng thế chứ! Sáng nay vừa có một nhà ba người lên đăng ký hiến tiểu cầu cho người thân mà không đủ sức khỏe. Nếu hiến máu toàn phần, phải bốn người hiến mới được một đơn vị tiểu cầu".
Theo chân Tú vào căn phòng riêng trang bị các máy móc gạn tách tiểu cầu, tôi cũng bất ngờ khi thấy người hiến toàn là thanh niên. Trong đó, ở một góc kín đáo có ba "thiên thần áo trắng" đang vui vẻ trò chuyện dù tay vẫn nhằng nhịt dây truyền. Anh Vũ Văn Tình, người hướng ngoại nhất, chia sẻ về lần hiến tiểu cầu thứ 15 của mình: "Hôm nay là Ngày Quốc tế Thiếu nhi, mấy anh em muốn tặng chút quà cho các cháu nhỏ đang điều trị tại bệnh viện thôi!".
Hóa ra, tại Viện Huyết học, những người luôn sẵn sàng hiến máu như anh Tình không phải hiếm hoi. Ở đây, những thiên thần áo trắng không nề hà hiến chính dòng máu của mình ngay khi bệnh nhân cần. Anh Tình cũng kể, trong đợt Viện khan hiếm máu nhất, nhiều y, bác sĩ còn huy động cả gia đình, người thân, bạn bè đi hiến máu.
Họ không thể chứng kiến bệnh nhân chờ máu đến kiệt quệ mà không hành động…!
Khắc khoải đợi nguồn máu tiếp ứng
Bé Ð.B.A (sinh năm 2019) đang phải chiến đấu với căn bệnh ung thư gan tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Bé được các bác sĩ chỉ định ghép gan từ mẹ và ca phẫu thuật dự kiến phải sử dụng một lượng máu lớn. Thế nhưng, do dịch bệnh, lượng máu dự trữ trong ngân hàng không đủ, gia đình bé đã phải huy động hơn 20 người thân, đồng nghiệp đi hiến máu để ca ghép của hai mẹ con được tiến hành thuận lợi.
Theo lời anh Trần Quang Trung (chú của B.A.), bé được chẩn đoán ung thư gan đã sáu tháng, chuẩn bị được ghép gan từ mẹ. Căn bệnh hiểm nghèo đến với B.A khi tuổi bé còn quá nhỏ, nhưng bé rất ngoan và kiên cường chống chọi với những cơn đau.
Anh Trung cho biết: "May mắn cho B.A là con được nhiều người thân, đồng nghiệp của bố mẹ sẵn sàng đi hiến máu. Nếu không có người hiến máu thì không biết tình trạng của con sẽ ra sao. Ca ghép của B.A dự kiến kéo dài khoảng 20 tiếng, tôi cũng chỉ biết cầu mong cho cháu và chị mình có thể thực hiện phẫu thuật thành công".
Bé B.A đã được thực hiện ghép gan vào ngày 29-5, với đủ số lượng máu cần thiết, ca phẫu thuật cũng được hoàn thành sớm hơn dự kiến 6 giờ. Chắc hẳn, lòng tốt của mọi người chính là động lực giúp hai mẹ con B.A bình an vượt qua.
Không chỉ có gia đình cháu B.A, nhiều gia đình khác có người thân đang cần máu thời điểm này cũng phải chạy vạy nhiều nơi, kêu gọi hiến máu cho người thân của mình giành lại được sự sống.
Tại hội trường hiến máu Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, anh Trần Văn Dũng (Thạch Thất, Hà Nội) cùng hai người bạn đi hiến máu cho vợ mình đang điều trị ung thư máu tại Bệnh viện Ða khoa Hà Ðông. Song, khi đến nơi, anh Dũng bất ngờ vì mình không đủ điều kiện hiến máu. Không giấu được nỗi lo lắng, anh Dũng tâm sự: "Vợ tôi bị giảm tiểu cầu, cơ thể thường xuyên mệt mỏi, chán ăn, có những khi phải cấp cứu. Ðợt dịch này không có máu để chữa bệnh, tôi phải nhờ hai người bạn cùng đi hiến máu. Muốn hiến máu cho vợ mà bản thân tôi lại không đủ điều kiện, lo lắng nhưng không biết phải làm sao, cũng may hai anh bạn đi cùng lại hiến được máu. Tôi chỉ mong sao chóng hết dịch, Viện lại tổ chức nhiều chương trình hiến máu để những người bệnh như vợ tôi được chữa trị".
Còn chị Nguyễn Thị T (Hà Nội) đi khám thai định kỳ giữa tháng 5, được bác sĩ thông báo: Chị bị thiếu máu nặng và phải chuyển sang Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. Chị cần truyền máu gấp vì thiếu máu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến cả mẹ và em bé. Nằm trên giường bệnh, chị chỉ mong sao được truyền đủ máu để nuôi dưỡng con, để con được ở trong bụng mẹ thêm ngày nào tốt ngày ấy.
BSCKII Nguyễn Thị Thảo, Phó Trưởng khoa Bệnh máu lành tính của Viện cho biết: "Trước mắt, Viện đã cố gắng hết sức để sản phụ được ưu tiên truyền tiểu cầu gấp. Không chỉ gia đình người bệnh mà cả các y, bác sĩ đều hết sức lo lắng trước tình hình nguồn máu phục vụ điều trị khan hiếm như hiện nay".
Bên cạnh những trường hợp khẩn cấp như thế, với các ca bệnh không quá nguy hiểm đến tính mạng, các bác sĩ phải cân nhắc chia nhỏ lượng tiểu cầu truyền mỗi lần để bảo đảm đủ cho tất cả bệnh nhân.
Trao đi là còn mãi
Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương còn chịu trách nhiệm cung cấp máu cho 177 cơ sở y tế tại 28 tỉnh, thành phố (với diện bao phủ hơn 40 triệu dân). Sự bùng phát của dịch Covid-19 cuối tháng 4 vừa qua, đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng hoạt động tiếp nhận và cung cấp máu cho điều trị.
Cả tháng 5, Viện chỉ tiếp nhận được hơn 15 nghìn đơn vị, bằng một nửa so với nhu cầu. Gần 100 lịch hiến máu lưu động với dự kiến 25 nghìn đơn vị máu đã bị hoãn, hủy, không thể tiếp nhận theo kế hoạch. Máu cho người bệnh thật sự đang rất thiếu.
Từ giữa tháng 4 đến nay, Phòng Quan hệ công chúng của Viện phải phụ trách thêm công việc vận hành đường dây nóng vận động hiến máu. Ðể tăng cường độ nhận diện thông tin cho cộng đồng, bên cạnh gọi điện trực tiếp, Viện còn triển khai tuyên truyền bằng thư điện tử, tin nhắn, mạng xã hội,…
Ðợt này, đường dây nóng phải hoạt động liên tục, trung bình khoảng gần 1.000 cuộc gọi đi mỗi ngày. Mặc dù, danh sách liên hệ đã được khoanh vùng: là người đã hiến máu từ năm 2020, có địa chỉ liên hệ tại các quận nội thành, nhưng hầu hết họ vẫn phải nhận về lời từ chối. "Thời điểm này đến liệu có an toàn không?" - là băn khoăn chung của nhiều người. Học sinh, sinh viên đang được nghỉ học, muốn tham gia hiến máu cũng nhận được sự can ngăn của gia đình bởi nỗi lo dịch bệnh.
Không nản lòng, nhân dịp tháng 6 là cao điểm của mùa tình nguyện, được sự đồng ý của lãnh đạo Viện, Phòng Quan hệ công chúng triển khai nhiều chương trình tri ân người hiến máu, thí dụ như tặng quà sinh nhật. Chị Triệu Thị Biển - Phó Trưởng phòng Quan hệ công chúng kể: "Có một số người rất nhiệt tình. Họ trả lời ngay: Ôi cần thế hả em, ngày mai anh đến luôn. Và họ còn rủ thêm bạn bè, người thân nữa. Còn có chị được mời đến hiến đúng ngày sinh, chị ấy đồng ý ngay, thay vì muốn nhận quà, chị ấy muốn cho đi hơn!".
Và chỉ cần trong 10 cuộc gọi đi, có được một, hai phản hồi như thế đã giúp mọi thành viên trong phòng có thêm năng lượng để tiếp tục… gọi điện, vận động.
Dịch không biết bao giờ mới qua đi, còn bệnh nhân cần máu từng ngày.
Bài và ảnh: NGUYỄN HÀ