Đề án 1816 và bệnh viện vệ tinh:

Giảm tải, nâng cao năng lực y tế

NDO - Thực hiện Ðề án 1816 "Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ tuyến trên về tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh" và Ðề án Bệnh viện vệ tinh đang được Bộ Y tế triển khai quyết liệt nhằm giảm tình trạng quá tải bệnh viện tuyến trên và nâng cao năng lực tuyến dưới đã từng bước được cải thiện.
Thực hiện Ðề án 1816 - cán bộ y tế tuyến trên tăng cường về cơ sở.
Thực hiện Ðề án 1816 - cán bộ y tế tuyến trên tăng cường về cơ sở.

Hiệu quả từ những Ðề án

Ðề án Bệnh viện vệ tinh triển khai từ năm 2005 đến nay tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức và một số bệnh viện ở các tỉnh phía bắc đạt được kết quả tích cực, khả quan, nhằm nâng cao năng lực chuyên môn về ngoại khoa, nâng cao kinh nghiệm quản lý của đội ngũ cán bộ y tế. Mở rộng, phát triển các dịch vụ kỹ thuật chất lượng cao, nâng cao năng lực tay nghề cho các bác sĩ và phục vụ tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh ngay tại tuyến y tế cơ sở. Nhờ đó rút ngắn khoảng cách chất lượng dịch vụ y tế giữa tuyến trung ương với địa phương, góp phần giảm tải các bệnh viện tuyến trên.

Với tinh thần đó, Bệnh viện Bạch Mai triển khai Ðề án Bệnh viện vệ tinh với sự tham gia của bệnh viện các tỉnh, thành phố: Hà Ðông, Bắc Ninh, Hưng Yên, Nam Ðịnh, Tuyên Quang, Sơn La, Lào Cai, Nghệ An,... với những chuyên khoa sâu như: Hồi sức cấp cứu, nội khoa; cận lâm sàng; truyền nhiễm; công nghệ thông tin, kết nối mạng trực tuyến; truyền thông giáo dục sức khỏe và công tác quản trị, quản lý bệnh viện;... Nhằm định hướng cho Ðề án Bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013 - 2017 và sự phát triển của Ðề án 1816, Bệnh viện Bạch Mai dự kiến: Ðào tạo nâng cao năng lực cán bộ về chuyên môn, quản lý; xây dựng và triển khai mô hình bệnh viện vệ tinh qua một số chuyên khoa ưu tiên như: tim mạch, hô hấp; y học hạt nhân và ung bướu,... Ngoài ra, bệnh viện tổ chức Câu lạc bộ Bệnh viện vệ tinh tại các bệnh viện vệ tinh nhằm chia sẻ kinh nghiệm về công tác khám, chữa bệnh.

Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức cũng triển khai xây dựng một số bệnh viện vệ tinh ở các tỉnh: Nghệ An, Thanh Hóa, Nam Ðịnh, Phú Thọ,... Kết quả  mang lại rất khả quan. Số người bệnh được điều trị ngoại khoa, phẫu thuật thần kinh, ổ bụng, chấn thương,... tại các bệnh viện vệ tinh tăng, đội ngũ cán bộ y tế tuyến dưới được trang bị những kiến thức, ứng dụng các kỹ thuật chuyên sâu, mới, nâng cao chất lượng điều trị; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh... giúp giảm tải bệnh viện tuyến trên. Năm 2003 - 2004, Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức vẫn còn ghép hai người/giường, thậm chí nằm ba người/giường và phẫu thuật 16.000 ca/năm. Ðến nay, thực hiện Bệnh viện vệ tinh và Ðề án 1816, bệnh nhân không còn phải nằm ghép và thực hiện phẫu thuật 40.000 ca/năm. Bên cạnh đó, đội ngũ y tế của bệnh viện còn được tham gia các khóa đào tạo chuyên môn nâng cao tay nghề, nghiên cứu khoa học và thực hiện các kỹ thuật chuyên sâu...

Thực hiện Ðề án Bệnh viện vệ tinh tại TP Hồ Chí Minh được triển khai cả về chiều rộng cũng như chuyên sâu. Việc thành lập phòng khám chuyên khoa vệ tinh tại các bệnh viện quận, huyện, vùng ngoại thành... là giải pháp nhằm giảm người bệnh "vượt tuyến" để "chống" quá tải cho bệnh viện tuyến trên. Tỷ lệ tai biến do xử lý không kịp thời hoặc sai sót chuyên môn giảm rõ rệt, tạo điều kiện nâng cao khả năng chẩn đoán và điều trị tại bệnh viện tuyến dưới. Các bệnh viện như: Ung bướu, Chấn thương chỉnh hình, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Từ Dũ... có kế hoạch xây dựng phòng khám, bệnh viện vệ tinh ở các vùng ngoại thành, người dân ở các quận, huyện được khám bệnh với dịch vụ chất lượng cao ngay tại các khoa vệ tinh tại bệnh viện tuyến cơ sở.

Vẫn còn chồng chéo

Ðề án 1816 và Bệnh viện vệ tinh đang được thực hiện và triển khai mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, đó chưa phải là bức tranh tổng thể về đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của các bệnh viện tuyến trên. Thực tế hằng ngày, người bệnh vẫn phải mệt mỏi khi phải "ăn chực nằm chờ" để được khám bệnh tại các bệnh viện tuyến trên có đội ngũ thầy thuốc giỏi, chuyên môn sâu. Mặc dù ngành y tế cho biết, chất lượng khám, chữa bệnh, trình độ năng lực của cán bộ y tế đã được nâng cao và cơ sở vật chất phần nào được cải thiện, nhưng khám, điều trị ở tuyến y tế cơ sở không mang lại hiệu quả như ngành y tế mong muốn. Thậm chí, những tai biến đáng tiếc vẫn xảy ra, nhất là những tai biến sản khoa. Người bệnh có tâm lý "vượt tuyến" cũng là điều dễ hiểu.

Theo báo cáo của Bộ Y tế tại "Hội thảo Tăng cường thực hiện Ðề án xây dựng Bệnh viện vệ tinh và Ðề án 1816", những năm qua, ngành y tế còn tồn tại nhiều vướng mắc như: thiếu bác sĩ so với nhu cầu thực tế (6,59 bác sĩ/10.000 dân), trình độ nhân lực giữa các bệnh viện tuyến trên, tuyến dưới, giữa các vùng miền chưa đồng đều. Bác sĩ tay nghề cao, chuyên môn giỏi chưa nhiều, trang thiết bị các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện còn thiếu, lạc hậu dẫn đến mất công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân. 

Áp lực quá tải tại các bệnh viện tuyến trên, việc bốn, năm người bệnh nằm một giường xảy ra thường xuyên tại các bệnh viện lớn... Viện Phó Viện Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức, PGS,TS Ngô Văn Toàn cho biết: "Hệ thống y tế chưa đồng bộ, phân tuyến chưa hợp lý, do đó việc thực hiện Ðề án Bệnh viện vệ tinh và Ðề án 1816 vừa nâng cao năng lực tuyến y tế cơ sở vừa giảm tải các bệnh viện tuyến trên, đồng thời tiến tới công bằng trong phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân vẫn còn nhiều bất cập. Chính vì vậy, cần xây dựng một cơ chế phù hợp, hiệu quả hơn từ quản lý, trang thiết bị, đào tạo y, bác sĩ...".

Nhiều ý kiến cho rằng, đang có sự "chồng chéo" giữa hai Ðề án, khi mục tiêu, nội dung của hai Ðề án gần giống nhau. Nên chăng, gộp hai Ðề án làm một, nhưng phải gắn kết, phát huy những thế mạnh của Ðề án Bệnh viện vệ tinh với ưu việt về chỉ đạo của Ðề án 1816. Lãnh đạo các tỉnh chỉ đạo ngành dọc về y tế cần phải có những Dự án nhỏ hơn theo kiểu Ðề án Bệnh viện vệ tinh, để những bệnh viện tuyến tỉnh chỉ đạo, giúp đỡ bệnh viện huyện và bệnh viện huyện trợ giúp trạm y tế tuyến xã. Nếu thực hiện gộp lại hai Ðề án: Các bệnh viện trung ương thực hiện về các tỉnh theo Ðề án bệnh viện vệ tinh, còn từ tỉnh về huyện theo hướng chỉ đạo của Ðề án 1816.

Cần những giải pháp khả thi

Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) PGS, TS Lương Ngọc Khuê cho biết, thời gian tới, để nâng cao hơn nữa năng lực tuyến dưới, ngành y tế tiếp tục có những giải pháp, phát huy mạnh Ðề án 1816 và Ðề án Bệnh viện vệ tinh để chuyển giao hỗ trợ tuyến dưới theo gói kỹ thuật, gói dịch vụ và phát triển bệnh viện vệ tinh đối với một số chuyên khoa lớn. Trên cơ sở kết quả đã đạt được, Bộ Y tế tiếp tục xây dựng và phát triển mô hình bệnh viện vệ tinh trên toàn quốc; tập trung vào các chuyên khoa quá tải trầm trọng ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh như: ung bướu, tim mạch, ngoại chấn thương, sản, nhi...; khảo sát nhu cầu thực tế của các bệnh viện tuyến dưới, phương thức hoạt động cần lồng ghép với nội dung của Ðề án Bệnh viện vệ tinh, Ðề án 1816 và đào tạo theo Ðề án 47, Ðề án 930... để giảm quá tải bệnh viện một cách hiệu quả. Kế hoạch sẽ được thực hiện qua hai giai đoạn 2012 đến 2015 xây dựng Bệnh viện vệ tinh tại tuyến tỉnh; từ 2016 đến 2020 xây dựng Bệnh viện vệ tinh ở tuyến quận, huyện... Phấn đấu đến năm 2015 không còn tình trạng nằm ghép ở các cơ sở khám, chữa bệnh.