PGS, TS Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế Quốc dân:
Doanh nghiệp Việt Nam cần khai thác nhiều hơn thị trường nội địa
Các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp khó về nguồn vốn, thị trường, hàng tồn kho... Tôi nghĩ đó chỉ là phần nổi của tảng băng, điều quan trọng là qua đó chúng ta thấy nhiều doanh nghiệp hoạt động theo mô hình truyền thống đã không còn phù hợp nữa, đây là lúc họ phải đổi mới, tái cấu trúc. Các doanh nghiệp phải tự đổi mới, tự tạo ra những sản phẩm mới cho mình. Tôi cũng đã nhìn thấy nhiều tập đoàn doanh nghiệp Việt Nam có những sản phẩm riêng cho mình.
Thị trường của Việt Nam khá lớn với 100 triệu dân. Đã đến lúc các doanh nghiệp Việt Nam cần khai thác nhiều hơn thị trường nội địa thay vì phụ thuộc quá lớn vào các đơn hàng nước ngoài. Và ngay cả thị trường quốc tế cũng không nên quá phụ thuộc vào các nhà đặt hàng, bởi vì sẽ có những thị trường mới, có những thị trường nghách mà trong khủng hoảng "cánh cửa này đóng lại, sẽ có cánh cửa khác mở ra". Từ chỗ các doanh nghiệp chúng ta ngồi thụ động chờ các đơn hàng thì phải chuyển hướng chủ động tìm các đơn hàng. Tôi nghĩ là vẫn có cơ hội phát triển.
Yếu tố thứ hai là vốn. Vốn hiện nay nặng nhất là các doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu sắp đến kỳ hạn thanh toán. Đây là một bài toán khó với doanh nghiệp. Chúng ta không thể nói Nhà nước phải đứng ra bảo lãnh trái phiếu đó, nhưng Nhà nước không thể không can thiệp vào quan hệ này. Nếu như để các doanh nghiệp phá sản, doanh nghiệp nhỏ thì không sao nhưng doanh nghiệp lớn sẽ tạo ra hiệu ứng dây chuyền. Những doanh nghiệp đó đều là con nợ của hệ thống ngân hàng, của nhiều người dân.
Vậy Nhà nước can thiệp bằng cách nào? Có nhiều người cho rằng Nhà nước phải bỏ tiền mua lại trái phiếu, nhưng với tôi, việc đó không khả thi, ở chỗ không thể sử dụng tiền thuế của dân để bảo hộ doanh nghiệp, và hơn nữa nếu muốn làm như vậy cũng không đủ lực. Dùng công cụ ngân sách để hỗ trợ là không khả thi nhưng chúng ta cần kiểm soát để không gây ra hiệu ứng đổ vỡ dây chuyền. Theo tôi, có thể có các nhà đầu tư mua lại nợ trái phiếu. Khi mua lại, bản thân doanh nghiệp đó phải tái cấu trúc lại. Nhưng khi mua lại bản thân các trái chủ cũng phải chấp nhận tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tái cấu trúc, chưa vội rút tiền.
Chúng ta phải tạo cho các doanh nghiệp môi trường để phục hồi sản xuất từng phần. Chẳng hạn như một doanh nghiệp bất động sản có số nợ đến kỳ phải trả rất lớn, nhưng bên cạnh đó lại có những sản phẩm đang dở dang nếu tiếp tục đầu tư thì sẽ có giá trị. Nếu "bao vây" họ thì họ sẽ phá sản, tuy nhiên nếu có cơ chế giám sát, bơm vốn ngân hàng để hoàn thiện các sản phẩm đó thì sẽ cứu vãn được. Tôi đã nhiều lần nhấn mạnh, lúc này vai trò của ngân hàng phải là trên hết chứ không thể trông chờ vào nguồn vốn từ trái phiếu và chứng khoán. Ngân hàng phải nới room tín dụng. Tất nhiên, nới room tín dụng phải đi kèm cơ chế quản lý để dòng tiền nới room vào đâu.
Ông Nguyễn Văn Vinh, Tổng Giám đốc Tập đoàn Amaccao:
Chính phủ nên tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước đầu tư những dự án lớn của đất nước
Tôi kiến nghị, trước hết phải điều chỉnh hạn mức tín dụng, nới room tín dụng cho các doanh nghiệp, bởi các doanh nghiệp đang rất đói vốn, nếu tín dụng không được khơi thông thì doanh nghiệp sẽ rất khó khăn, dẫn tới kinh tế sẽ đi xuống. Mặt khác, chúng ta phải hoàn thiện các chính sách pháp luật về đầu tư, xây dựng, bất động sản theo hướng đơn giản hóa các thủ tục. Có những dự án doanh nghiệp chúng tôi đầu tư phải cần tới 400 chữ ký và hàng trăm con dấu. Tôi cho rằng thủ tục phức tạp như vậy rất khó thúc đẩy sự phát triển. Đây là việc cần làm ngay để tạo sự đơn giản, thông thoáng cho doanh nghiệp về các thủ tục hành chính, đó chính là cách trợ giúp doanh nghiệp trong tình hình khó khăn hiện nay. Chúng ta có thể thuê các công ty tư vấn luật nổi tiếng của thế giới để họ tư vấn sửa đổi các luật về đầu tư, xây dựng, đất đai, bất động sản, làm sao thủ tục hành chính được thuận lợi, phù hợp với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Nếu các thủ tục hành chính thông thoáng thì tốc độ phát triển kinh tế xã hội của đất nước sẽ tăng nhanh hơn.
Tôi cho rằng đây là thời điểm nên tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước các cơ hội đầu tư những dự án lớn của đất nước như đường sắt cao tốc, đường bộ cao tốc, các nhà máy nhiệt điện, điện khí... Nên hướng đến tạo điều kiện cho các tập đoàn, các tổng công ty trong nước liên danh với nhau làm nhà đầu tư, làm tổng thầu để phát triển nền tảng công nghiệp Việt Nam. Chúng ta nên tránh tình trạng như hiện nay khi Nhà nước đầu tư xây dựng hàng chục nhà máy nhiệt điện nhưng Việt Nam vẫn chưa có doanh nghiệp trong nước nào có thể làm tổng thầu, mà đa số vẫn là tổng thầu nước ngoài. Các dự án như nhà máy xử lý nước thải, đường sắt trên cao vẫn do các nhà đầu tư nước ngoài làm tổng thầu với giá thành cao, lợi nhuận được chuyển ra nước ngoài, nhiều công ăn việc làm dành cho người nước ngoài vừa không tạo điều kiện để phát triển các nhà đầu tư trong nước, hình thành các tập đoàn lớn dẫn dắt sự phát triển như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Những đất nước này đều có những tập đoàn tổng thầu lớn về điện hạt nhân, điện rác, đường sắt, đường bộ cao tốc... vì được nhà nước tạo điều kiện đặt hàng làm tổng thầu các dự án lớn.
Tôi tin một số doanh nghiệp Việt Nam đã đủ trình độ để làm tổng thầu các dự án trong nước nếu được Chính phủ tin cậy, tạo điều kiện. Nếu vậy, chắc chắn nhà đầu tư trong nước sẽ tìm cách nội địa hóa hoặc mua công nghệ của nước ngoài để sản xuất tại Việt Nam, làm chủ công nghệ và sẽ dần trưởng thành, trở thành những doanh nghiệp trụ cột dẫn dắt nền kinh tế phát triển.
Ông Phạm Đình Đoàn, Phó Chủ tịch Hội đồng Trung ương các Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái:
Cần kêu gọi được sức mạnh của "cỗ xe tam mã": chính quyền, doanh nghiệp, người dân
Để doanh nghiệp Việt Nam vượt khó trong tình hình hiện nay, tôi xin đưa ra ba đề xuất.
Thứ nhất, xây dựng được một doanh nghiệp vững mạnh đã phải mất rất nhiều thời gian, lên tới 20-30 năm và rất nhiều tiền của để trả lương cho nhân viên, chi trả bảo hiểm, đóng thuế..., do đó để tránh các thiệt hại lớn trong thời gian khó khăn này, cần kịp thời hỗ trợ, thông qua việc cho các doanh nghiệp nợ cũng như giãn thời hạn trả.
Thứ hai, cần giảm thiểu được các thủ tục cản trở, hạn chế đối với các doanh nghiệp. Chính việc tái mở cửa đã góp phần kịp thời "cởi trói" và thúc đẩy hoạt động của doanh nghiệp lúc này. Qua cuộc khủng hoảng này, chúng ta cũng cần tạo được cuộc cách mạng để phát động việc xây dựng các doanh nghiệp thật sự lành mạnh, bền vững và tập trung hỗ trợ những doanh nghiệp này, qua đó thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp quốc gia phát triển vững mạnh, thực chất.
Cuối cùng, nhìn lại lịch sử các cuộc kháng chiến của dân tộc, Việt Nam đã thành công khi kêu gọi được sức mạnh toàn dân, sức chiến đấu của cộng đồng để vượt qua mọi thách thức. Chúng ta cần kêu gọi được sức mạnh đó, trong đó "cỗ xe tam mã" chính quyền-doanh nghiệp-người dân cần được quan tâm, chăm chút để sẵn sàng cho mọi thách thức. Có như vậy, cộng đồng doanh nghiệp của chúng ta chắc chắn sẽ vượt qua khó khăn, vì một Việt Nam thịnh vượng.