Hoàn thiện hành lang pháp lý, phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ
Trong Báo cáo Logistics Việt Nam 2022 do Bộ Công thương soạn thảo, các doanh nghiệp sản xuất và thương mại đã đưa ra một số đề xuất và gợi mở những giải pháp để ngành này cải thiện dịch vụ và bứt phá.
Theo đó, đề xuất đầu tiên là phải hoàn thiện yếu tố pháp lý nhằm bảo đảm một hành lang pháp lý đầy đủ, thông suốt, trực tiếp điều chỉnh các hoạt động dịch vụ logistics. Việc xây dựng những chính sách, pháp luật cần mang tính hệ thống, có sự phối hợp hiệu quả giữa nhiều bộ, ban, ngành, giữa trung ương và địa phương. Trong quá trình xây dựng, đưa ra các chính sách phải tăng cường tham vấn cộng đồng doanh nghiệp nhằm nắm bắt kịp thời những mong muốn và nhu cầu thật sự của họ.
Thực tế cho thấy, những quy định pháp luật trong ngành logistics vẫn còn nhiều chồng chéo, phức tạp dẫn đến giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, rất nhiều giấy phép kiểm tra chuyên ngành của các bộ, ngành về điều kiện nhập khẩu được coi là giấy phép con hành doanh nghiệp, kéo dài thời gian thông quan, làm gia tăng chi phí logistics.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc một doanh nghiệp về logistics chia sẻ: “Qua thực tế tôi thấy khi vận hành các container trên biển về cảng thì các yếu tố pháp lý chặt chẽ và chuyên nghiệp nhưng thông suốt vì liên quan đến các chuẩn mực pháp lý quốc tế nhưng khi hàng về cảng làm các thủ tục để lưu thông về các điểm đến thì gặp nhiều phiền hà, vướng mắc”.
Những thay đổi chính sách pháp luật phù hợp, minh bạch sẽ giúp cắt giảm chi phí tiêu cực trong các lĩnh vực hải quan, thuế, cảng biển, đường bộ. Cắt giảm các thủ tục hành chính, các giấy phép con trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, logistics sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian, công sức và cắt giảm được chi phí.
Bên cạnh đó, cần đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại. Trong xu thế hội nhập và giao lưu quốc tế, kết cấu hạ tầng giao thông tốt đóng vai trò đặc biệt quan trọng giúp cho việc giao thương hàng hóa được thuận tiện. Việc xây dựng hệ thống đường liên quốc gia, liên khu vực sẽ tạo ra hành lang vận tải giữa các nước.
Hạ tầng giao thông Việt Nam đang có những bước phát triển đột phá, trong đó đang hình thành những tuyến đường cao tốc xuyên biên giới và những trung tâm logistics lớn. Theo báo cáo sơ bộ của 45/63 tỉnh, thành phố, cả nước có 69 trung tâm logistics có quy mô lớn và vừa, phân bổ tập trung ở một số khu công nghiệp. Giai đoạn cuối năm 2021 đến giữa năm 2022, một số trung tâm logistics hiện đại, áp dụng công nghệ tiên tiến và được tiêu chuẩn hóa đã đi vào hoạt động, như: Trung tâm logistics Hateco (TP Hà Nội), Trung tâm logistics HTM (Hải Phòng), Trung tâm logistics kho lạnh AJ Total (Long An).
Ngoài ra, có nhiều trung tâm cũng đang trong quá trình xây dựng như Trung tâm logistics ICD Vĩnh Phúc do Liên danh Tập đoàn T&T (Việt Nam) và Tập đoàn YCH (Singapore) làm chủ đầu tư có tổng số vốn đầu tư gần 3.800 tỷ đồng, quy mô hơn 83ha, công suất thiết kế hàng hóa thông quan khoảng 530.000 TEU/năm.
Hạ tầng giao thông đang ngày càng được cải thiện, nhưng sự kết nối giữa cảng biển, sân bay, đường bộ, đường sắt, đường sông vẫn đang có những hạn chế và độ “vênh” lớn. Theo bà Lê Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Thương mại, Công ty SLP Việt Nam, điểm nghẽn hiện nay về cơ sở hạ tầng từ sân bay, cảng biển, kho bãi... chưa được quy chuẩn, phân tán. Trong đó, hệ thống kho bãi quy hoạch có sự chênh lệch giữa miền bắc và miền nam dẫn đến hạn chế trong việc vận chuyển hàng hóa trên cả nước.
Phát triển “hạ tầng mềm”, đẩy mạnh chuyển đổi số
Muốn phát triển ngành logistics cần phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực logistic đóng vai trò quan trọng cấu thành “hạ tầng mềm”. Theo các kết quả dự báo của Viện Nghiên cứu và phát triển Logistics Việt Nam, đến năm 2030, ngành logistics nước ta cần bổ sung 2,2 triệu nhân lực, cũng như có nhu cầu khoảng 200.000 nhân lực logistics chất lượng cao có bằng cấp chứng chỉ chuyên môn, có kỹ năng nghiệp vụ và năng lực ngoại ngữ.
Dự báo kỹ năng nghề logistics 2021-2023 của Hội đồng tư vấn kỹ năng nghề logistics đã khảo sát và cho thấy, lực lượng nhân lực logistics nước ta chưa đáp ứng được hầu hết các nhu cầu như: Kỹ năng về công nghệ thông tin, ngoại ngữ, khả năng sử dụng các phần mềm logistics, kiến thức và kỹ năng về quản trị thu mua, quản trị vận tải, quản trị kho hàng...
Chính vì thế, muốn ngành logistics không tụt hậu và có những bước phát triển xứng tầm, nắm bắt kịp với xu thế quốc tế, cần tập trung đầu tư cho nguồn nhân lực, xem đây như một giải pháp then chốt.
Trong khi đó, ngành logistics truyền thống đứng trước cơ hội và thách thức rất lớn khi cuộc cách mạng 4.0 “ào tới” tạo ra những thay đổi chưa có tiền lệ.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương nhận định: “Cách mạng công nghiệp 4.0 đang bắt đầu thay đổi toàn bộ viễn cảnh của dịch vụ kho bãi và phân phối hàng hóa trên toàn thế giới. Các công ty logistics trên thế giới đang nhanh chóng cải tiến công nghệ để bắt kịp xu hướng số hóa và cải thiện tỷ suất lợi nhuận thông qua việc trang bị các công cụ tự động, hiện đại. Trong khi đó, hầu như các doanh nghiệp logistics Việt Nam vẫn là doanh nghiệp nhỏ và vừa với tiềm lực tài chính, công nghệ khiêm tốn, thiếu kinh nghiệm, hạn chế về năng lực cạnh tranh nên chưa có cơ hội vươn ra thị trường có nhu cầu lớn...”.
Chính vì thế, muốn phát triển nhanh và bền vững, ngành logistics Việt Nam buộc phải đẩy mạnh chuyển đổi số. Đại dịch là chất xúc tác đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành dịch vụ logistics nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh, giảm chi phí, tăng doanh thu. Nếu như trước đây, các doanh nghiệp đều nhận thấy phải tốn một khoản chi phí lớn để vận hành dịch vụ theo hình thức truyền thống thì khi ứng dụng phần mềm công nghệ số hóa vào các khâu vận hành đã giúp cho 77,8% doanh nghiệp logistics có thể tối thiểu hóa chi phí đầu vào.
Mặt khác xu thế phát triển của thương mại điện tử cũng đặt ra nhiều yêu cầu mới đối với ngành logistics Việt Nam. Trên thực tế các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam đang chạy đua đầu tư hiện đại hóa chuỗi cung ứng dịch vụ logistics. Ông Vũ Đức Thịnh, Tổng giám đốc Logistics Lazada Việt Nam cho biết, doanh nghiệp này đã đầu tư rất lớn xây dựng nền tảng logistics 4.0 và xác định logistics trở thành một trong những ưu thế cạnh tranh của Lazada trên thị trường thương mại điện tử.
Ngành logistics trong nước muốn mạnh, cần phải xây dựng một đội tàu biển quốc tế của Việt Nam. Thế nhưng, một nghịch lý đang diễn ra: hàng càng nhiều, cảng càng lớn thì đội tàu Việt Nam lại càng teo tóp. Đội tàu mỏng, yếu không chỉ khiến các hãng tàu Việt để vuột mất nguồn lợi khổng lồ từ thị trường vận tải hàng hóa quốc tế mà còn khiến doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam khốn đốn vì sự thao túng của các hãng tàu ngoại. Nhiều năm qua, hoạt động vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam đều phụ thuộc hoàn hoàn vào các hãng tàu nước ngoài như Maersk, CMA - CGM, Wanhai, ONE, Cosco, OOCL...
Đội tàu Việt Nam chủ yếu quanh quẩn trong bờ, vận tải nội địa, trọng tải nhỏ, chở hàng khô, hàng rời. Theo nhiều chuyên gia, muốn phát triển đội tàu quốc tế mạnh, cần có chính sách thu hút vốn của các doanh nghiệp tư nhân kết hợp với nguồn vốn đầu tư của Nhà nước. Chuyên gia hàng hải Hồ Kim Lân cho rằng Việt Nam muốn giành lại quyền vận tải tuyến quốc tế, không lệ thuộc vào các hãng tàu nước ngoài cần phải có nguồn lực đủ mạnh, với một kế hoạch dài hơi và cơ chế hỗ trợ để doanh nghiệp quyết tâm đầu tư phát triển đội tàu.