Họa sĩ Trần Từ Thành:

Duy nhất tinh thần cống hiến

Ở khu vực trung tâm Thủ đô Hà Nội, trên mặt tiền tòa nhà Thông tin-Triển lãm, số 93 phố Đinh Tiên Hoàng, bên bờ hồ Hoàn Kiếm gắn bức tranh với hình ảnh Bác Hồ tươi cười, ôm em bé trên nền biểu tượng chim hòa bình, được phóng in cỡ lớn. Tác giả của bức tranh cũng chính là tác giả thiết kế tấm Thẻ đảng viên hiện nay: họa sĩ Trần Từ Thành. Nhân Dân cuối tuần có cuộc trò chuyện cùng ông.
0:00 / 0:00
0:00
Duy nhất tinh thần cống hiến

Vui vì được ghi nhận

- Thưa ông, ông hẳn còn nhớ thời điểm bức tranh vẽ Bác Hồ và em bé cùng biểu tượng chim bồ câu hòa bình được phóng lớn và treo ở khu vực trung tâm của Thủ đô Hà Nội?

- Nhớ chứ, đó là vào năm 1979. Cho đến nay cũng hơn 40 năm rồi đấy.

- Bức tranh có một số khác biệt so với bản tranh in từng được phát hành rộng rãi. Vậy nguyên gốc bức tranh là như thế nào, thưa ông?

- Bức tranh nguyên gốc được vẽ bằng bột màu trên giấy, khổ 79x54cm. Bên một phần nền mầu xanh hòa bình, nét lượn tạo hình chú chim bồ câu ngậm cành oliu và toàn bộ nét tạo hình hai nhân vật đều có màu đen, trên nền trắng. Thêm chút mầu đỏ, vàng của lá cờ Tổ quốc được tạo hình trong vòng tròn ở vị trí mắt của chú chim nhìn nghiêng, gợi liên tưởng đến vị trí của Thủ đô Hà Nội trên dáng hình chữ S của đất nước Việt Nam thống nhất và dòng "1976" ở chân của bức tranh cũng mang mầu đỏ. Bức tranh kiệm mầu, chủ yếu là đen-trắng, giản dị, gần gũi, trong sáng như tinh thần của Bác Hồ mà tôi thấm nhuần.

Bức tranh được vẽ với ý mong muốn sẽ là bức tranh cổ động chuyển tải thông điệp: hòa bình là vĩnh cửu, mãi mãi. Sau khi bức tranh được giải nhì tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1976, Bộ Văn hóa đã quyết định in hàng loạt, cả vạn bản, để gửi về các địa phương. Trước khi in, họa sĩ Thục Phi, người phụ trách Xưởng tranh cổ động thuộc Bộ Văn hóa, đã góp ý cho tôi: đổi "1976" thành hai dòng chữ: Độc lập Thống nhất và Hòa bình Hạnh phúc. Tôi đồng ý ngay vì thấy rất ý nghĩa. Vậy đấy, bức tranh gốc thì ít người thấy, nhưng với cả hai bản: tranh in cổ động và tranh treo ở Bờ Hồ, ý nghĩa của bức tranh vẫn vẹn nguyên.

- Ông có thể kể thêm về thời điểm ông quyết định vẽ bức tranh, điều gì đã khiến ông nghĩ: Hòa bình là mãi mãi?

- Trong hai năm 1967, 1968, tôi là người chứng kiến câu chuyện ở ngã ba Đồng Lộc, đã đạp xe đi dọc cung đường 60km từ Thạch Hà vào Kỳ Anh (Hà Tĩnh) trong bom đạn để tuyên truyền, cổ động, đi dọc quốc lộ 1 để ghi chép về thanh niên xung phong. Khi đó, tôi công tác tại Sở Văn hóa Hà Tĩnh. Bố mẹ tôi cùng mất trong một trận bom giội xuống nhà tôi ở Hương Khê, Hà Tĩnh, năm 1966. Một anh trai của tôi đi bộ đội và hy sinh, anh ấy tên là Từ. Rất nhiều bạn bè của tôi cũng đã hy sinh. Gia đình tôi và thế hệ chúng tôi đã mất mát quá nhiều vì chiến tranh... Từ câu chuyện riêng này và câu chuyện chung của cả nước, nên khi đất nước thống nhất, tôi đã nghĩ sẽ phải vẽ gì đó về hòa bình, nhất định như vậy.

Duy nhất tinh thần cống hiến ảnh 1

Bức tranh với hình ảnh Bác Hồ tươi cười, ôm em bé trên nền biểu tượng chim hòa bình, được phóng in cỡ lớn gắn trên mặt tiền tòa nhà số 93 phố Đinh Tiên Hoàng, đã trở thành hình ảnh quen thuộc với người dân và du khách. Ảnh: Nguyễn Đăng

- Hơn 40 năm qua, bức tranh đã được xem là một trong những hình ảnh biểu tượng của Hà Nội. Cảm nghĩ của ông về điều đó?

- Trong đời làm nghề của tôi, có ba thành quả lớn. Niềm vui thứ nhất là bức tranh ta vừa nói chuyện. Niềm vui tiếp theo là thiết kế tấm Thẻ đảng viên của tôi được Đảng lựa chọn sử dụng từ năm 2003 cho đến nay. Tôi còn nhớ, khi đó, Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Nông Đức Mạnh có hỏi tôi một câu: Tại sao mọi người đều thiết kế Thẻ theo chiều ngang, riêng mẫu của anh lại theo chiều dọc? Tôi đã trả lời, đại ý: Theo thiết kế của tôi, khi tấm Thẻ đảng viên được giơ lên, nó gợi liên tưởng về con số 1, sự duy nhất. Hiện nay, năm triệu đảng viên có tấm Thẻ này và mỗi lần biểu quyết tại đại hội Đảng, nhìn hình ảnh mọi người giơ cao tấm Thẻ lên, tôi cảm thấy rất tự hào. Sự đóng góp suy nghĩ và cống hiến của cá nhân tôi, một họa sĩ đảng viên được Đảng ta ghi nhận. Và niềm vui nghề nghiệp thứ ba: Bức tranh sơn dầu Ngã ba Ðồng Lộc (90x160cm, 1996) của tôi được Hội Mỹ thuật Việt Nam sưu tập. Đây là bức vẽ thành công nhất của tôi về địa danh lịch sử này, sau hàng chục bức chưa ưng ý.

Bức tranh vẽ Bác Hồ và em bé có lẽ đã được xem như tài sản công rồi. Cho đến tận hôm nay, chưa có bất cứ một ai từ UBND thành phố Hà Nội hay Sở Văn hóa liên hệ với tôi để trao đổi về việc sử dụng hình ảnh bức tranh này (cười). Nhưng không sao đâu, mỗi khi thành phố có hoạt động tuyên truyền, cổ động, bức tranh lại được trưng ở khắp nơi, thế là tôi thấy ấm áp rồi.

Cần nâng cao ý thức xã hội và nhận thức thẩm mỹ cho lớp trẻ

- Thưa ông, hòa bình và cống hiến là hai "từ khóa" trong câu chuyện này, ông có thể chia sẻ thêm suy nghĩ của ông về tinh thần cống hiến cho xã hội của một nghệ sĩ, trong bất kỳ hoàn cảnh nào?

- Tôi hiểu là mỗi cá nhân chúng ta đều có tâm tư, mục đích riêng trong cuộc sống của mình, thời đại của mình. Nhưng dù thế nào, nếu đã lựa chọn nghề nghiệp sáng tác nghệ thuật thì phải theo nghề đến cùng. Về lớp họa sĩ trước chúng tôi, như Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Phạm Gia Giang, Nguyễn Đức Nùng, Phạm Văn Đôn, Lương Xuân Nhị... tôi kính phục họ vô cùng, bởi họ chỉ cống hiến thôi, không nghĩ đến đồng tiền. Sau này, trong nghệ thuật, có sự xáo trộn nhất định với chuyện mua bán, danh vọng, dùng đồng tiền để áp đảo, lợi dụng danh tiếng để làm ăn... nhưng thôi, tôi nghĩ đó là chuyện của người ta, còn mình như thế nào thì cứ như vậy.

- Phần nào ở hiện tại là như vậy, nhưng về tương lai của nghệ thuật, chúng ta có thể hy vọng gì, thưa ông?

- Con tôi đang tham gia viết sách về giáo dục thẩm mỹ cho lứa học sinh trung học cơ sở. Tôi rất phấn khởi. Trước đây, chúng ta chưa quan tâm đủ về việc giáo dục nghệ thuật ngay từ cấp phổ thông, nay thì việc này đang được cải thiện. Nhưng tôi cho rằng, vẫn phải tăng số giờ tìm hiểu cho các cháu về thẩm mỹ và nghệ thuật, văn chương nhiều hơn nữa. Hỏi các cháu quanh đây về bảo tàng mỹ thuật ở đâu, chẳng cháu nào biết cả.

Bên cạnh đó, rất cần phải nâng cao nhận thức chính trị và xã hội cho lớp trẻ. Chỉ khi có nhận thức đầy đủ, mỗi người mới tự biết mình phải cống hiến cho xã hội như thế nào, nhất là với nghệ sĩ trẻ, cần cân nhắc kỹ ham muốn lợi danh cá nhân. Gần đây, tôi được gửi cho xem hình ảnh một bức cổ động sao chép lại ý tưởng chính bức tranh của tôi vẽ Bác Hồ ôm em bé mà chúng ta vừa nói chuyện, vẫn bố cục ấy, hình chú chim hòa bình ấy, chỉ thay hình ảnh Bác ôm em bé bằng hình ảnh Bác cầm gậy chỉ huy bắt nhịp bài ca Kết đoàn... Tôi tiếc cho người sáng tác mà hoài phí thời gian vào việc như vậy chỉ để đổi lấy một khoản thù lao.

- Xin cảm ơn ông về một cuộc trò chuyện chân thành!

Họa sĩ Trần Từ Thành (tên thật: Trần Đình Thành) nguyên Phó Hiệu trưởng Trường đại học Mỹ thuật công nghiệp, Hà Nội. Ông đã được trao tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, Huy chương Vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam. Hiện nay, ông vẫn tham gia giảng dạy và chấm bài tốt nghiệp về nghệ thuật đồ họa tại một số trường đại học trong cả nước.
Năm 2019, ông được ghi danh trong Sách vàng: Những gương mặt vì sự nghiệp khoa học, giáo dục, văn hóa ở Việt Nam do Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam biên soạn (Nhà xuất bản Thể thao và Du lịch).