Màu của bình yên

Hà Nội có nhiều quán cà-phê nhạc Trịnh, nhưng Cuối ngõ, nằm ở cuối một con ngách nhỏ thuộc ngõ 68, trên đường Cầu Giấy (Hà Nội), là một địa chỉ chứa đựng nhiều điều khác biệt. Chẳng phải ngẫu nhiên mà nữ ca sĩ nổi tiếng Thu Phương từng chọn nơi này làm điểm ghi hình cho MV Giữ lại hạnh phúc của chị.

Không gian cà-phê Cuối ngõ. Ảnh: HUYỀN LINH
Không gian cà-phê Cuối ngõ. Ảnh: HUYỀN LINH

Quán ngụ trong một ngôi nhà ngói ba gian, hai chái. Sát hiên là gốc hồng xiêm lớn, cành lá phủ kín sân gạch son. Ngôi nhà xưa được chuyển sang làm không gian cho quán nhưng gia chủ đã xây thêm một căn nhà hai tầng nhỏ, trên phần cuối của cái sân gạch. Thành ra, quán nằm trọn trong khuôn viên của một gia đình, nhưng gia chủ đã khéo thu xếp để sinh hoạt riêng của họ không ảnh hưởng đến không khí chung của quán...

Cái cảm giác vừa là vào nhà ai đó vừa là vào quán đôi khi rất thú vị. Một mình bạn đấy thôi, nhưng dường như bạn đang phân thân. Dắt xe qua cái cổng nhỏ xưa cũ, bạn bước sang một không gian sống hoàn toàn khác lạ dưới mái ngói đơn sơ của Cuối ngõ.

Tường ẩm, tối, treo kín tranh, trong đó có một vài bức của chính gia chủ. Mấy giỏ đèn vàng lủng lẳng bên trên có lẽ đã ở đó từ lâu lắm, chưa từng được lau chùi lại. Chúng cũ kỹ nên cũng nhuốm màu thân thuộc. Bàn ghế gỗ mộc mạc và mây tre cũng đơn giản, bóng nước thời gian. Sự quen cũ, thân thuộc cộng với ánh đèn vàng nhẹ, hắt từng khoảng tranh tối tranh sáng, đem lại cảm giác thời gian như dừng lại, không ngày, không đêm, không mặt trời, không ánh trăng. Cảm giác ấy cho ta sự bình yên. Thế nên, giữa lúc quán đông khách nhất, nếu bạn muốn lắng nghe chuyện đời thì ở đây đã sẵn; mà nếu lơ đễnh với chung quanh, trốn vào tâm trạng riêng tư thì không gian này cũng rất rộng lượng với bạn.

Thứ duy nhất hay được đổi màu ở Cuối ngõ là hoa tươi. Chủ quán có thói quen lang thang chợ hoa đêm và rước về đầy xe những bông hoa sớm. Cúc ta, cúc Nhật Bản đủ màu theo mùa, hồng leo, cẩm chướng, loa kèn, thược dược... Mùa nào hoa nấy, bung nở trên những vại sành rộng miệng, tạo những điểm nhìn tươi tắn.

Cái không gian, không khí trong quán cũng dễ khiến cho một vị khách nào đó hứng chí hát mấy ca khúc của Trịnh Công Sơn trong tiếng vỗ tay nhè nhẹ của bạn bè. Cuối ngõ từng duy trì một tuần hai tối thứ ba và thứ sáu có chơi nhạc. Nhưng, thời gian gần đây, quán thu gọn lại còn một tối thứ sáu. Hai nhạc công chơi guitar và violin hòa tấu những bản nhạc soạn từ các ca khúc quen thuộc của Trịnh Công Sơn, Phú Quang, một số ca khúc kinh điển của Nga. Khách cũng có thể gửi đề nghị họ chơi một vài bản nhạc yêu thích nào đó, cũng có thể lên ngẫu hứng hát cùng. Chỉ có âm nhạc, những chia sẻ nhỏ nhẹ, những câu chuyện rủ rỉ, ấm áp làm cho trái tim mình dịu hơn rất nhiều, như là cách nạp năng lượng để sống tiếp với đủ mọi bon chen bên ngoài ngõ nhỏ này.

Một tối Cuối ngõ, khum trong tay cốc trà chanh nóng hổi hay chén rượu đắng mà ngọt, nghe tiếng guitar bập bùng khúc Tuổi đời mênh mông, bạn có thể thấy lòng nhẹ nhàng hơn bao giờ hết.