Đổi vỏ

… Khi xách valy đi Kenya, tôi chẳng nghĩ gì ngoài một "trọng trách" cháy bỏng: Đặt vào tay châu Phi. Thì đấy, châu Phi muốn làm sao thì làm, miễn là đến khi trở về, tôi lại có thể tiếp tục cuộc sống này. Tiếp tục một cách hớn hở!

Một mình trước tượng Phật tại Old Bagan.
Một mình trước tượng Phật tại Old Bagan.

SÁU tháng sau, tôi lại xách valy đi. Lần này là Myanmar, với một cái đầu rỗng không, và nhất là đã kìm giữ mình để không đặt bất cứ nhiệm vụ gian nan nào cho Myanmar nữa.

Ba ngày đầu, tôi chật vật sống với mức nhiệt 45 độ C ban ngày, và 37 độ C buổi chiều.
Ba ngày ấy, tôi trát kem chống nắng như quệt vôi lên tường, lớp này khô lại có một lớp mới, quần quật đi về giữa Old Bagan và New Bagan.

Old Bagan giống một câu chuyện cổ tích kỳ lạ về một thành phố đầy những tàn tích đền chùa cổ kính. Old Bagan đẹp mê mụ. Đôi lúc giữa ánh bình minh, tôi tưởng như nhìn thấy kim tự tháp trong bóng dáng một ngôi đền nào đó. Và khi lang thang, chân bỏng rát vì nắng hun mỗi sân đền đài, tôi chỉ nghe thấy tiếng chim, gió nhiệt đới khắc khổ thổi cát bỏng giãy, mặc những tượng Phật đẹp buốt lòng bị khóa trong ngôi nhà của chính mình.

Có phải khi đêm xuống, những đền đài kia sẽ tỉnh giấc? Để trăm ngàn bóng dáng quá khứ rủ nhau bước qua khoảng sân gạch, hoặc cúi nhìn đồng bằng từ độ cao kỳ vĩ của hàng trăm bậc thang tuổi đời ngàn năm? Khi ấy, họ nói gì với nhau nhỉ? Họ có hạnh phúc nhảy vũ điệu thanh thản? Hay họ lại chau mày ưu tư?

Rời Bagan, lòng tôi có chút nhăn nhó. Khi mình đã quen đường, quen nóng, cũng hồ hởi như ai khi nhìn nhiệt độ hạ xuống 37 độ C, cũng tấm tắc bảo nhau "mát quá" rồi lếch thếch đi bộ ăn món cơm rang hạt điều và gà cary susu, mồ hôi lã chã xót cả mắt; thế mà sau vài ngày đột nhiên rời đi, thật chống chếnh. Lòng nao nao nhớ những anh chàng Myanmar thấp bé, da đen, ngồi lò dò giữa bóng đêm gảy guitare hoặc phóng xe vù vù, tay cầm đèn pin chứ nhất định không chịu bật đèn pha.

TRÊN chuyến xe bus đêm đến hồ Inle, chỉ có những trạm xăng là được thắp sáng. Đèn pha xe rọi mãi vào những trảng cát và cây khô cong bởi nắng. Gió lồng lộng qua những tán lá bồ đề cổ thụ. Trời đầy chớp hồng. Tôi chợt nhớ một buổi tối nào giữa hành trình Kenya cũng hào phóng gió và chớp như vậy, chúng tôi ngồi kề lưng với nhau tranh luận chuyện tình yêu. Ngoài kia là safari hoang dại lộng lẫy, trong này là bia Kenya ngon lạ thường.

Rồi đột ngột, chúng tôi im lặng. Tự thấy mình chưa biết yêu thật sự, chỉ là gá vào nhau, cập kênh một tý cũng tặc lưỡi gá vào, còn hơn là cô đơn. Nhưng càng làm thế thì có lẽ chỉ càng thấm thía, rằng chúng ta đang cô đơn tuyệt đối, ngay khi ta tưởng phép cộng một Con người, phép nhân Hạnh phúc và Tiền bạc, phép chia nỗi Đau và phép trừ Gian dối bội phản đã được tính toán bài bản.

NGÀY cuối ở Inle, chúng tôi đi ra sân bay từ sáng sớm. Sân bay Heho không giống bất cứ sân bay nào tôi đã từng đi. Thủ tục nhanh chưa từng thấy. Hành lý được chất lên một cái cân làm tôi nhớ mấy cô mậu dịch thời bao cấp. Hành khách thoải mái tản bộ trên đường băng như vườn nhà. Nếu máy bay không đến, hẳn nhiều người vẫn sẵn lòng la cà ở Inle thêm dăm ngày. Ở lại một nơi xa lạ, là điều người ta vừa không muốn, vừa tha thiết mong ngóng…

Vì sao khi bước chân đi du lịch, lòng vui và phóng khoáng thế nhỉ?

Ta sẽ dễ dàng thông minh và quyến rũ hơn.

Ta sẽ dễ dàng thờ ơ và vứt bỏ hơn.

Rồi rốt cuộc đến khi trở về, ta chính xác nhìn thấy cuộc sống giống giọt nước vướng lại trên gương sáng nay. Nếu động vào, giọt nước ấy sẽ vỡ. Nếu không động vào, nó cứ lấp lánh. Một sự đổi vỏ kỳ lạ, chỉ cần chiếc valy cùng tấm vé khứ hồi…