Để mỗi ngày đến trường thật sự là một ngày vui

Nạn bạo lực học đường hay những vụ việc các em tìm đến giải pháp cực đoan khi cảm thấy sức ép trong học tập hoặc gặp khúc mắc với gia đình đang cho thấy khoảng trống lớn đối với công tác tư vấn tâm lý cho học sinh các cấp. Chương trình Giáo dục phổ thông mới cần hóa giải vấn đề này như thế nào?

Ngoài giờ học trên lớp, các em nhỏ cần có nhiều hơn những giờ ngoại khóa, tư vấn tâm lý học đường. Ảnh: Lê Ý
Ngoài giờ học trên lớp, các em nhỏ cần có nhiều hơn những giờ ngoại khóa, tư vấn tâm lý học đường. Ảnh: Lê Ý

Trà My, học sinh lớp 4 Trường tiểu học Lê Hồng Phong (TP Tam Điệp, Ninh Bình) tâm sự, "trước đây, không chỉ em đâu, nhiều bạn khác cũng thế, luôn có nhiều băn khoăn, rắc rối muốn chia sẻ với người lớn mà thấy khó quá". Nhưng từ khi nhà trường thành lập Tổ tư vấn tâm lý, My cũng như các học sinh khác có điều kiện trao đổi ý kiến trực tiếp với thầy cô về bài học, về cả những băn khoăn trong cuộc sống. Từ những buổi trò chuyện, lắng nghe học sinh, các thầy cô đã kịp thời nắm bắt tâm tư, diễn biến tâm lý của học trò, đồng cảm và chia sẻ cùng các em.

Thầy Lê Tiến Nam, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Hồng Phong cho biết: Trong cuộc sống hiện đại, công tác tư vấn tâm lý học đường là rất cần thiết, mở ra cho các em một khởi đầu tốt, hỗ trợ tư tưởng giúp học sinh vượt qua những khó khăn trong rèn luyện, trau dồi phẩm chất, năng lực. "Nhà trường đã xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên trong tổ; lấy thông tin học sinh qua nhiều kênh khác nhau. Sau khi có thông tin đầy đủ, phân công giáo viên phụ trách gặp gỡ, chia sẻ, động viên, phân tích, trò chuyện với học sinh để tìm hướng cùng tháo gỡ khó khăn cho các em. Có những trường hợp diễn biến theo chiều hướng xấu, thì nhà trường sẽ kịp thời phối hợp với gia đình đưa các em gặp chuyên gia tâm lý", thầy Nam chia sẻ thêm.

Tại Đà Nẵng, ngoài các buổi học trên lớp, nhiều giờ ngoại khóa truyền cảm hứng cũng đã được lồng ghép, ứng dụng khi giáo dục về đạo đức, lối sống cho học sinh. Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt, Hiệu trưởng Trường tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu) thông tin, bên cạnh việc cung cấp cho các em những tri thức văn hóa, khoa học, địa lý, lịch sử…, nhà trường cũng rất chú trọng đến việc giáo dục đạo đức, lối sống, cách hành xử của các em với môi trường chung quanh. Bắt đầu từ những việc nhỏ là ý thức vệ sinh trường lớp xanh-sạch-đẹp cho đến các hoạt động gắn kết đoàn-hội-đội, tạo niềm vui, hứng thú cả trong và sau mỗi giờ học. Từ những hành động nhỏ nhưng "mưa dầm thấm lâu" đã góp phần giúp các em vui vẻ, tích cực hơn trong cuộc sống.

Lý giải về những sự cố đáng tiếc, như một cách lo xa, TS Trịnh Xuân Đức, Viện trưởng Khoa học kỹ thuật Hạ tầng và Môi trường (SIIEE) phân tích, ở độ tuổi học sinh phổ thông, các em rất nhạy cảm với mọi vấn đề của cuộc sống, đòi hỏi các thầy cô và phụ huynh hết sức lưu tâm đến tâm sinh lý các em. Nguyên nhân do cấu trúc gen, yếu tố stress trong sinh hoạt, học tập, mối quan hệ gia đình. Trao đổi với phóng viên, vị chuyên gia này dẫn chứng các số liệu như thay lời cảnh báo. Theo nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), thời gian gần đây có khoảng 8% -29% số trẻ em đang trong độ tuổi vị thành niên ở Việt Nam mắc các bệnh về sức khỏe tâm thần. Ước tính tại Việt Nam có ít nhất 3 triệu thanh, thiếu niên có các vấn đề về sức khỏe tâm lý, tâm thần. Tuy nhiên chỉ có khoảng 20% trong số đó nhận được hỗ trợ y tế và điều trị cần thiết. "Do đó, việc tổ chức các hoạt động tư vấn tâm lý học đường là cần thiết, chú trọng đến sức khỏe tâm thần của trẻ, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi đáng tiếc xảy ra", TS Đức lưu ý.

Chương trình Giáo dục phổ thông mới (ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo) đã đưa ra mục tiêu giáo dục học sinh "…biết xây dựng và phát triển hài hòa các mối quan hệ xã hội, có cá tính, nhân cách và đời sống tâm hồn phong phú, nhờ đó có được cuộc sống có ý nghĩa…". Trong mục tiêu của bậc Tiểu học cũng nêu: "Chương trình giáo dục tiểu học giúp học sinh hình thành và phát triển những yếu tố căn bản đặt nền móng cho sự phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần, phẩm chất và năng lực…".

Như vậy, bên cạnh mục tiêu về kiến thức, kỹ năng, phẩm chất, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 cũng quan tâm nhiều đời sống tâm lý của học sinh. Nhiều chuyên gia tâm lý giáo dục cho rằng, giải pháp quan trọng nhất thời điểm này là bổ sung đội ngũ giáo viên chuyên trách tư vấn tâm lý. Thực tế cho thấy, số lượng giáo viên đã qua chương trình đào tạo so với số lượng giáo viên làm công tác trong Tổ tư vấn, hỗ trợ học sinh tại các trường phổ thông còn ít, và không ít nơi mô hình này hoạt động chưa thật sự hiệu quả. Nhiều cán bộ giáo viên phải kiêm nhiệm công tác tư vấn tâm lý cho học sinh phần lớn chưa được đào tạo (chưa có chứng chỉ nghiệp vụ tư vấn tâm lý học đường theo chương trình do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành). Có giáo viên tâm huyết, nhận ra vấn đề của học sinh nhưng lại thiếu kỹ năng dẫn đến nhiều trường hợp học sinh gặp khó khăn tâm lý nhưng cả cô và trò cùng bối rối.

Chia sẻ kinh nghiệm, ThS Nguyễn Viết Hiền, chuyên gia tâm lý, cho biết: Hiện tôi là giảng viên tại Trường đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), đồng thời tôi cũng làm công tác tham vấn tâm lý cho học sinh, sinh viên tại Hà Nội. Số lượng "thân chủ" gặp khó khăn về tâm lý gia tăng hằng năm. Từ cuối đợt dịch Covid-19 vừa qua, nhóm chúng tôi quá tải vì số lượng người cần tư vấn tâm lý tăng nhanh, trong đó, độ tuổi cần hỗ trợ nhiều nhất tập trung vào đối tượng học sinh phổ thông, nhất là học sinh Trung học cơ sở và học sinh đầu cấp Trung học phổ thông.

Đã đến lúc, mô hình Tổ tư vấn, hỗ trợ học sinh trong nhà trường cần được nhân rộng và phát huy tối đa chức năng. Để làm được điều đó, công tác bồi dưỡng chuyên môn đặc thù cho giáo viên cần được thực hiện kịp thời. Cùng đó, các chuyên gia, các trung tâm làm công tác tư vấn tâm lý cả trong và ngoài nhà trường cần phối hợp chặt chẽ và có hiệu quả hơn với mỗi gia đình, kịp thời giúp các em cân bằng tâm lý, để mỗi ngày đến trường thật sự là một ngày vui.