Chọn lẽ sống

Sống có trách nhiệm với bản thân, xã hội là lựa chọn của nhiều người trẻ. Họ không ngại khó, không ngại khổ, nỗ lực hết mình cho những lựa chọn.

PGS, TS Đinh Ngọc Thạnh
PGS, TS Đinh Ngọc Thạnh

Truyền cảm hứng sống đẹp

Sinh năm 1987, PGS, TS Đinh Ngọc Thạnh đang giảng dạy tại Khoa Công nghệ thông tin-Truyền thông, Trường đại học Soongsil, Seoul, Hàn Quốc. Hiện tại, anh tập trung nghiên cứu về internet vạn vật và các thế hệ mạng tương lai như 5G và cao hơn 5G. Theo anh, internet hiện chủ yếu kết nối mạng máy tính và điện thoại với nhau, nhưng trong tương lai internet vạn vật sẽ kết nối vạn vật từ các thiết bị trong nhà cho tới xe, cơ thể của con người, đồng thời giúp số hóa và tự động hóa nhiều lĩnh vực từ nông nghiệp, công nghiệp, cho tới y tế. Anh còn tham gia nhiều dự án của Chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ đào tạo cho thanh niên thất nghiệp. Anh cũng là thành viên tích cực của Mạng lưới Trí thức trẻ phát triển kinh tế số tại Việt Nam, cùng chung sức tìm các giải pháp số hóa cho các vấn đề còn nan giải trong nước, như quản lý ô nhiễm nguồn nước, minh bạch hóa-số hóa chất lượng nguồn nước theo cụm dân cư và địa phương. PGS, TS Đinh Ngọc Thạnh cho biết, trong tương lai anh sẽ về Việt Nam làm việc khi đã tự tin có được nhiều kiến thức giúp ích cho đất nước. "Chưa biết bản thân có thể làm được gì lớn lao nhưng tôi luôn hướng về Tổ quốc. Với những thanh niên trẻ thì hơn cả đó là tinh thần đồng đội. Nếu tất cả thanh niên của chúng ta là một đội, cộng hưởng tích cực thì tôi tin Việt Nam của tương lai sẽ phát triển rất tích cực", anh Thạnh chia sẻ. Nhiều người trẻ là trí thức trẻ hiện có những đóng góp không nhỏ cho nghiên cứu khoa học, sáng kiến chuyển đổi số trong lĩnh vực năng lượng và môi trường, phát triển đô thị, y tế-giáo dục và trong việc quản trị, sản xuất, kinh doanh.

Bạn trẻ Hà Ngọc Trường, 29 tuổi, sau khi thoát khỏi "cửa tử" của Covid-19 đã tình nguyện ở lại chăm sóc bệnh nhân F0 suốt năm tháng trời. Cả gia đình Trường, năm người đều lần lượt dương tính với Covid-19 và may mắn khỏi bệnh, chỉ riêng mẹ anh đã mãi mãi ra đi. Trường nén lại nỗi đau mất mẹ, vẫn kiên trì ở lại Bệnh viện Điều trị Covid-19 Củ Chi (TP Hồ Chí Minh) để chăm sóc hàng trăm người bệnh như người thân của mình. Hằng ngày, Trường dọn vệ sinh phòng, tắm rửa, cho bệnh nhân ăn để chia bớt gánh nặng với các nhân viên y tế. Nhiều bệnh nhân được tắm rửa, gội đầu cảm thấy sảng khoái, xúc động trước tấm lòng của anh. Trường chia sẻ, mình lựa chọn như thế bởi từng là một bệnh nhân nên thấu hiểu được những nỗi khó chịu, lo lắng của người bệnh hơn ai hết. Anh cũng chứng kiến cường độ làm việc của các nhân viên y tế mỗi ngày, biết ơn sự hy sinh của họ nên quyết tâm ở lại chăm sóc cho các F0 sau khi mình đã khỏi bệnh. Trường chỉ xót xa vì chưa kịp báo hiếu cho mẹ một lần. Thời khắc mẹ đau bệnh, một mình chống chọi với căn bệnh đáng sợ, anh không được ở bên chăm sóc. Và anh nghĩ, phải biến đau thương ấy thành động lực để giành giật sự sống cho các bệnh nhân khác.

Câu chuyện của không ít người trẻ chọn cách sống vì người khác là minh chứng cho thấy, tình yêu thương, sự sẻ chia không vụ lợi luôn tồn tại trong cuộc sống.

Chọn lẽ sống cống hiến và cho đi

Chính trong thời đại đầy thách thức, khi dịch bệnh kéo dài thì ý chí quyết tâm và tinh thần dám nghĩ, dám sống có trách nhiệm là chìa khóa giúp người trẻ tự tin vượt qua những khó khăn của bản thân để vươn tới. Theo các chuyên gia, dịch bệnh đã ảnh hưởng đến nhiều mặt của cuộc sống như tài chính, công việc, giải trí. Tuy nhiên, đây cũng chính là cơ hội để mỗi người học được cách thích nghi, thay đổi để phù hợp tình hình cũng như trang bị cho mình thêm nhiều kỹ năng mới, như học ngoại ngữ, đọc sách, rèn luyện thể thao tại nhà, làm nội trợ... Và điều dễ thấy trong giai đoạn dịch bệnh hoành hành, nhiều người trẻ đã bỏ lại sau lưng những nỗi lo sợ vì phải làm việc trong môi trường độc hại, dễ lây nhiễm, hay sự lo lắng của gia đình, người thân, ra quân hỗ trợ chống dịch.

Nhiều bạn trẻ còn đóng góp cho xã hội theo nhiều cách khác, như đóng góp cho bệnh nhân ung thư, dạy trẻ tự kỷ, góp những bức vẽ cổ động dễ thương cho tình nguyện viên, hay tổ chức những bếp ăn, gian hàng 0 đồng...

Tiến sĩ Đỗ Hữu Nguyên Lộc, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế-Tài chính TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh rằng, một dân tộc muốn hùng mạnh thì mỗi cá nhân trong đó cũng phải là những người có ý thức cao, biết suy nghĩ cho cộng đồng. Trách nhiệm với cộng đồng cũng đi từ chính trách nhiệm của mỗi cá nhân, nếu mình không làm tốt việc của mình thì không thể nào thực hiện tốt trách nhiệm với cộng đồng.