Vì thương em tìm cách nuôi em
Tớ đã từng theo lũ trẻ vào rừng, suốt buổi trưa đói vàng mắt, bò bằng cả bốn chân len lỏi vào lùm sâu bẻ măng mang về nhà tụi nhỏ luộc chấm muối...
Tớ nhìn thấy thằng bé húp sì sụp bát canh bí đỏ nấu lễnh loãng cùng ba con dế. Đó là bữa trưa của một cậu bé 10 tuổi mất mẹ, bị bố bỏ rơi Trung gặp và trò chuyện trong một chuyến khảo sát điểm xây trường ở Tây Nguyên. Cậu bé theo chúng bạn đến lớp học bữa đực bữa cái. Ở xứ đó, mất mùa, một năm bà con đứt bữa bảy, tám tháng là chuyện thường, trẻ con đói triền miên...
Lớp học tuềnh toàng tranh tre nứa lá, gió thổi tứ phía, bàn ghế được ghép từ những thân cây còn nguyên vết sần sùi vì không được bào kỹ. Trận mưa bão năm ngoái, cơn lốc bất ngờ ập đến, một lớp học đổ sụp vì mưa lốc, thầy trò thoát nạn trong gang tấc. Chuyện được Trung chia sẻ trong chuyến đi khảo sát ở Chung Chải (Điện Biên) năm ngoái.
Đi đến đâu Hoàng Hoa Trung cũng tận mắt chứng kiến cảnh đói khổ vất vả của bà con đồng bào vùng khó khăn, sự gian khó nhọc nhằn của trẻ em trên hành trình học tập. Từ thực tế nhiều ngày sống cùng bà con người Mông ở Mường Nhé (Điện Biên), Hoàng Hoa Trung mới lý giải được, tại sao trường đã xây đẹp đẽ khang trang, nhưng trẻ em vùng cao vẫn bỏ học. Ý tưởng Nuôi em được viết thành dự án không lâu sau đó, với mong muốn một ngày sớm nhất, các em không bị đói khi đến lớp. Với cách làm hết sức cụ thể, mỗi cá nhân nhận nuôi một bé, bằng số tiền 150 nghìn đồng mỗi tháng họ đóng góp, bé được ăn bán trú tại trường. Sau sáu năm thực hiện mô hình này, gần 20 nghìn người tham gia Nuôi em, đồng nghĩa với từng đó em nhỏ của chín tỉnh trên cả nước đang được chăm chút hơn mỗi ngày.
Nhìn lại cả quá trình làm tình nguyện của Hoàng Hoa Trung thấy rằng, dẫu cho ý tưởng luôn mới, nhưng điểm nhất quán từ ngày đầu cho đến nay, đó là anh luôn dựa vào sức mạnh cộng đồng, tích tiểu thành đại, góp gió thành bão, tất cả đều từ chung tay góp sức của nhiều cá nhân. "Nếu chúng ta biết tận dụng sức mạnh của tình yêu thương thì sức mạnh ấy sẽ rất lớn và có thể lập nên kỳ tích" - anh luôn nói với những cộng sự của mình điều tâm đắc đó.
18 tuổi, Hoàng Hoa Trung từng xoay xở đủ mọi cách, không nề hà bất cứ việc gì để có tiền giúp trẻ em nghèo. Từ dự án làm Thiệp nhân ái thời đầu, những năm 2000, Trung cùng các bạn gây quỹ bằng đi xin gốm lỗi, gốm tồn kho để bán. Rồi phân công nhau đi bán bảo hiểm xe máy, làm đồ thủ công, bán nông sản cho bà con, bán đất trồng cây cảnh, vẽ, in hình trên áo phông, mỗi người là "dũng sĩ bạt" mang những tấm pa-nô áp-phích bằng bạt không còn dùng nữa vận chuyển về che chắn cho các điểm trường tranh tre liếp lá dột nát... Từ số tiền kiếm được ban đầu, Trung đứng ra thành lập Dự án Ánh sáng núi rừng nhằm xây trường học cho trẻ vùng cao. Với sự giúp sức của lực lượng Bộ đội Biên phòng, năm 2012, nhóm họ xây dựng trường đầu tiên tại huyện Phong Thổ, Lai Châu với trị giá 160 triệu đồng. Với gần 400 triệu đồng từ lao động của cả nhóm và sự chung tay góp sức của các nhà hảo tâm, họ quyết tâm sớm xóa sổ 20 điểm trường tranh tre nứa lá. Đó quả là quyết định táo bạo bởi thời điểm đó, cậu thanh niên 20 tuổi mặt búng ra sữa Hoàng Hoa Trung có gì để tạo dựng niềm tin ngoài việc chứng kiến anh và nhóm lăn lộn kiếm tiền gây quỹ không nề hà.
Hoàng Hoa Trung cùng nhóm thiện nguyện cho đến nay đã vận động các nhà hảo tâm xây được 32 điểm trường tại Điện Biên và Lai Châu. Mô hình chung là trường xây bằng gạch, khung sắt thép, được trang bị đầy đủ thiết bị từ lớp học, bếp ăn, nhà công vụ, nhà vệ sinh, sân chơi.
Và Sức mạnh 2000
"Sức mạnh 2000", "Tiền lẻ mỗi ngày triệu người chung tay, xây nghìn trường mới" những lời phát động quyên góp đầy sức hiệu triệu dưới sự bảo trợ của Trung tâm Tình nguyện Quốc gia (Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh) với mục tiêu tích tiểu thành đại để hướng đến tất thảy trẻ em đến trường không bị đói, xóa sổ toàn bộ trường tạm trên toàn quốc, xây những cây cầu kiên cố trên các tuyến đường cheo leo hiểm trở... Trung luôn có cách cụ thể hóa mục tiêu, thể hiện dễ hiểu, cụ thể nhất có thể. Thí dụ anh làm phép tính, với 100 nghìn người ủng hộ 2.000 đồng mỗi ngày, sẽ có 300 điểm trường mới được hoàn thiện. Đông đảo, rộng rãi người tham gia hơn nữa, thì mục tiêu tưởng to tát sẽ được hoàn thành. Với sức lan tỏa của Dự án 2.000, bằng chứng trong năm 2020, mặc dù dịch dã rình rập hết đợt này đợt khác, thiên tai lũ lụt bủa vây, "Sức mạnh 2000" đã tạo được hiệu ứng lan tỏa tích cực, 31 công trình điểm trường, nhà nội trú đã xây xong đưa vào sử dụng, hàng trăm công trình khác cũng đã hoàn thành. Điều ấm lòng hơn cả là 20 nghìn bé được no ấm mỗi ngày đến lớp...
Ngay sau đợt miền trung đối mặt với trận mưa lũ lịch sử tháng 10 năm ngoái, chứng kiến cảnh mưa lũ cuốn trôi cây cầu nối giữa hai bờ ở Tây Giang (Quảng Nam), Hoàng Hoa Trung nhanh chóng lên dự toán số tiền cần để xây cầu khoảng 400 triệu đồng. Cùng lúc anh mong mỏi đủ tiền để xây dựng điểm trường cho gần 40 trẻ em mầm non của bà con dân tộc Chứt và Bru - Vân Kiều ở vùng sâu heo hút phía tây Quảng Bình, dự kiến hết 350 triệu đồng. Nói là làm, mọi thông tin cũng như tâm tư suy nghĩ của anh đều được cởi mở chia sẻ hằng ngày trên trang cá nhân. Sự chân thành, thẳng thắn và tấm lòng không vụ lợi của Trung có sức thuyết phục thật lớn. Vừa kêu gọi cộng đồng chung tay góp sức, một mặt Trung lo các thủ tục giấy tờ, bắt tay khởi công ngay sau đó không lâu. Công cuộc tái thiết lại cuộc sống hậu lũ lụt luôn bộn bề khó khăn, nhưng cái cần được ưu tiên trước hết là bảo đảm an toàn đi lại cho bà con và trẻ có trường để học. Xây cầu, xây trường là việc cần làm ngay, càng sớm càng tốt. Không đao búa to tát nhiều lời, Trung chỉ chia sẻ giản dị, tự nhiên về việc anh và cả nhóm cần gấp rút thực hiện.
Với những đóng góp và dấn thân vì cộng đồng bằng các hoạt động tình nguyện, Hoàng Hoa Trung được Forbes Việt Nam bình chọn là một trong 30 gương mặt dưới 30 tuổi nổi bật nhất của Việt Nam 2020; nhóm Tình nguyện Niềm tin năm 2020 nhận giải thưởng Môi trường Việt Nam của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Top 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2019, hai năm đạt Giải thưởng Tình nguyện Quốc gia...