Doanh nghiệp đói vốn nhưng không thể tiếp cận tín dụng

NDO - Mặc dù ngân hàng đang “ế” vốn và lãi suất huy động đã giảm nhưng lãi suất cho vay vẫn ở mức cao. Nhiều ngân hàng cho biết, lãi suất cho vay chưa thể giảm nhanh chủ yếu vì “mắc kẹt” một lượng vốn huy động giá cao chưa “tiêu hóa” hết. Lượng tiền cho vay hiện nay đến từ giai đoạn các ngân hàng huy động lãi suất cao trong cuối năm 2022 và đầu quý I/2023. Trong khi đó, rất nhiều doanh nghiệp đói vốn không thể tiếp cận tín dụng vì rào cản lãi suất và các điều kiện cho vay.
0:00 / 0:00
0:00
Cần có giải pháp quyết liệt hướng tín dụng chảy vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Ảnh | Trần Hải
Cần có giải pháp quyết liệt hướng tín dụng chảy vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Ảnh | Trần Hải

Dù đói vốn, doanh nghiệp không dám vay ngân hàng

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lãi suất cho vay đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ trong tháng 5/2023 phổ biến trong khoảng 9,5-11,2%/năm. Thực tế tại nhiều ngân hàng, lãi suất các khoản vay mới hiện xoay quanh mức 10%/năm, thấp hơn đáng kể so với lãi suất của các khoản vay cũ là 12-13,5%/năm. Nhưng có một số ngân hàng thương mại vẫn duy trì mức lãi suất cho vay 14-15%. Trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, doanh nghiệp và người dân rất khó chịu đựng mức lãi cao như vậy.

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, mặc dù thực tế cả lãi suất huy động và cho vay của ngân hàng đã giảm khoảng 1,4-2,6% so với đầu năm nhưng vẫn chưa được như mong đợi của người dân, doanh nghiệp. Để giảm lãi suất thì các ngân hàng cũng phải căn cứ vào lãi suất huy động, chi phí vốn, tình hình nợ xấu, khả năng trích lập dự phòng...

Lãi suất cao chính là rào cản khiến doanh nghiệp “không dám” vay ngân hàng dù rất “đói” vốn. Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh chia sẻ: “Doanh nghiệp cần dòng vốn cho đầu tư dài hạn nhưng với lãi suất trên 10% thì không có doanh nghiệp nào dám vay chứ không phải ngân hàng không cho vay”.

Ông Lê Mai Hữu Lâm, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất thiết bị điện công nghiệp Cát Vạn Lợi cho biết, với mặt bằng lãi suất như hiện nay, công ty đã tạm ngưng vay ngân hàng. Bởi lẽ, đối với một doanh nghiệp sản xuất trong ngành phụ trợ, mức lãi ròng cao nhất cũng chỉ 16-17%. Do đó, doanh nghiệp buộc phải cân nhắc tính hiệu quả trong việc vay vốn ngân hàng ở thời điểm này.

GS, TS Trần Ngọc Thơ, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, cho rằng lãi suất thực (lãi suất cho vay trừ lạm phát) không thể vượt quá tốc độ tăng trưởng kinh tế. Lãi suất cho vay trung bình của Việt Nam hiện khoảng 14%/năm, trừ lạm phát khoảng 4%/năm, như vậy lãi suất cho vay thực khoảng 10%. Trong khi đó tốc độ tăng trưởng kinh tế dự kiến năm 2023 chỉ 6% trở xuống. Tức là cả nền kinh tế tạo ra của cải trong năm 2023 (và nhiều năm trước đó) không đủ để trả nợ lãi vay. Nếu tình trạng này không cải thiện thì nền kinh tế sẽ kiệt quệ trong vài năm tới, thậm chí có thể ngay trong năm nay.

Bên cạnh lãi suất cao, doanh nghiệp gặp phải rào cản lớn khác khi tiếp cận vốn ngân hàng, đó là điều kiện cho vay. Trong lúc ngành ngân hàng than thở “ế” vốn, tín dụng khó bơm ra nền kinh tế, thì nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn phản ánh, họ thiếu vốn, cần vốn, song không thể vay, vì hồ sơ, thủ tục của ngân hàng quá chặt chẽ.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nêu thực tế, hiện nay nhiều doanh nghiệp muốn vay nhưng không chứng minh được điều kiện trả nợ. Nguyên tắc của ngân hàng là muốn vay phải chứng minh được khả năng trả nợ. Với nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, trước đây, năng lực, khả năng tài chính cũng như nhiều tiêu chí khác để đáp ứng vay vốn đã rất khó thì hiện nay càng khó khăn hơn.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Corporation cho biết: “Đến giờ này, Vietravel vẫn chưa vay được một đồng nào từ ngân hàng. Chúng tôi đã thử tiếp cận gói ưu đãi mới được lãi suất 12% nhưng điều kiện đầu tiên đòi tài sản thế chấp nên coi như “thua”. Bản chất câu chuyện tín dụng hiện nay là không hạ chuẩn thì chẳng ai tiếp cận được. Mọi khoản vay ngân hàng đều yêu cầu phải có tài sản thế chấp, không có tín chấp”.

Cùng chung quan điểm, ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP Hồ Chí Minh kiến nghị NHNN nên điều chỉnh lại các điều kiện cho vay để hỗ trợ sản xuất. Chẳng hạn điều chỉnh về các điều kiện cho vay, doanh thu, tăng trưởng, lãi vay... để doanh nghiệp có cơ hội phục hồi, sản xuất, bán hàng cạnh tranh được mới có tiền để trả lãi suất và tiền vay ngân hàng.

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước lý giải, các ngân hàng cũng rất mong muốn giảm lãi suất nhưng để giải quyết một cách hài hòa giữa cung và cầu về vốn cho nền kinh tế, giữa khả năng cho vay của ngân hàng và khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, cần phải có những điểm cân bằng. Ngành ngân hàng muốn tăng trưởng tín dụng, nhưng không phải bằng cách hạ chuẩn cho vay. Tăng trưởng dư nợ phải bảo đảm chất lượng tín dụng, hiệu quả tín dụng.

Trong khi đó, dù ngân hàng đang ế tiền, mảng cho vay tiêu dùng vẫn gặp khó. Anh Trần Tuấn, công nhân Nhà máy Thuốc lá Thăng Long dự định vay 50 triệu đồng để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong gia đình. Nhưng anh đã “choáng” khi tham khảo biểu lãi suất cho vay tín chấp tại một số ngân hàng thương mại với mức lãi suất trên 20%/năm, tùy từng ngân hàng. Anh Tuấn tâm sự: “Tôi xem TV thì được biết lãi suất cho vay tại các ngân hàng đã giảm so với thời điểm đầu năm. Nhưng tôi bất ngờ khi thấy lãi vay tiêu dùng ở các ngân hàng vẫn neo ở mức cao, cao đến mức tôi không dám nghĩ tới việc vay nữa”.

Chị Trần Tuyết Lê đang phải thắt lưng buộc bụng, mỗi tháng dành 16 triệu đồng trả nợ ngân hàng với mức lãi suất 13% năm của khoản vay mua nhà chung cư. Sau thời gian ưu đãi, lãi suất đã điều chỉnh từ 10,5% năm lên 13% mặc dù nhiều ngân hàng đã công bố giảm lãi suất huy động và cho vay.

Giảm lãi suất, nới điều kiện cho vay

Trong bối cảnh đó, tại buổi làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ mới đây, Thủ tướng đã yêu cầu ngân hàng nghiên cứu nới các điều kiện vay, hạ thêm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời hơn, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thủ tướng cũng đề nghị NHNN cần điều hành chính sách tiền tệ nới lỏng hơn qua tăng cung tiền, tăng tín dụng, giảm lãi suất và nới điều kiện cho vay để vốn vào sản xuất, kinh doanh. Theo Thủ tướng, doanh nghiệp, ngân hàng cần lắng nghe, chia sẻ nhiều hơn, có trách nhiệm và cùng nhau gỡ khó khăn. Ngân hàng phải đặt mình vào địa vị doanh nghiệp và ngược lại. Như vậy mới tìm được lối ra trong bối cảnh nhìn đâu cũng thấy khó như hiện nay.

Đầu tháng 7 này, một loạt các ngân hàng đã công bố các gói tín dụng ưu đãi lãi suất cho khách hàng hiện hữu. Chia sẻ cùng doanh nghiệp, BIDV đã dành 300.000 tỷ đồng để cho vay với mức lãi thấp hơn từ 0,5%-2%/năm. Agribank vừa có lần điều chỉnh lần thứ 6 giảm lãi suất cho vay. Đối với nhu cầu vay mới phục vụ hoạt động sản xuất-kinh doanh, mức lãi suất cho vay ngắn hạn chỉ từ 5%/năm, lãi suất cho vay trung dài hạn chỉ từ 8%/năm. Các ngân hàng như VietinBank, Vietcombank, TPBank, Sacombank, MSB đã đưa ra các gói vay ưu đãi hiện đang thấp hơn từ 0,5%-2%/năm tùy thuộc nhóm khách hàng.

Mới đây, NHNN đã phân bổ tiếp hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng lên gần chạm mức trần cả năm 14%. Từ đầu năm, NHNN đã định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm nay là 14-15%, có điều chỉnh phù hợp với thực tế. Ngay tháng 2, NHNN đã giao chỉ tiêu tín dụng cho các ngân hàng thương mại là 11%. Trong đợt này, cơ quan quản lý tiếp tục giao hết hạn mức tăng trưởng còn lại của năm nay cho các nhà băng lên 14%.

Trong các năm gần đây, NHNN thường chia thành nhiều đợt nới “room” tín dụng, rơi vào đầu, giữa và cuối năm. Hiếm khi cơ quan này phân bổ hết hạn mức tín dụng ngay từ giữa năm.

Theo NHNN, việc phân bổ “room” lần này giúp các nhà băng kịp thời cung ứng thêm vốn tín dụng cho nền kinh tế. Động thái này nằm trong nỗ lực của nhà điều hành để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh theo chỉ đạo của Chính phủ, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm ở mức thấp hơn dự kiến. Cuối tháng 6, dư nợ cho vay toàn hệ thống là 12,4 triệu tỷ đồng, chỉ tăng hơn 4,7% so với cuối 2022. Trong khi đó, cùng thời điểm này năm ngoái, tín dụng đã tăng 8-9% so với đầu năm, nhiều ngân hàng chạm trần hạn mức tăng trưởng.

NHNN yêu cầu các ngân hàng có giải pháp quyết liệt thúc đẩy tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng chảy vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ.