Đồ ăn cổng trường - mối lo… không vặt

Thông cáo báo chí mới nhất của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) công bố: "Cứ ba thanh, thiếu niên thì có hơn một em uống ít nhất một loại đồ uống có đường mỗi ngày; hơn một nửa các em tiêu thụ thức ăn nhanh một lần hoặc hơn trong vòng một tuần; và ít hơn một nửa các em đang ăn đủ trái cây hay rau củ mỗi ngày". Chất lượng thực phẩm và "đại dịch" thừa cân, béo phì đang là những nguy cơ tiềm ẩn đe dọa sức khỏe trẻ em Việt Nam nói riêng, khu vực Đông Nam Á nói chung.
0:00 / 0:00
0:00
 Thực phẩm thiếu an toàn "bủa vây" học sinh.
Thực phẩm thiếu an toàn "bủa vây" học sinh.

Tràn lan "xiên bẩn"

"Cuối giờ, học xong ra cổng trường làm bữa xiên bẩn rồi hẵng về nhé!" - em N.V.C.A, học sinh lớp 7, thường hẹn với người bạn "cạ cứng" của mình như vậy (theo ngôn ngữ của "tuổi teen", "xiên bẩn" chỉ là cách gọi của những xe cá viên chiên với giá 3.000 đồng/que, chứ chúng không thật sự… bẩn). Cũng giống như những gói đồ ăn được tẩm ướp gia vị cay, có một mầu đỏ rất kích thích vị giác, được gọi là "thịt hổ", với mức giá 5.000 đồng/gói không ai biết rõ đó là thịt gì.

Những bạn nhỏ được bố mẹ cho nhiều tiền tiêu vặt hơn có thể lựa chọn rủ nhau đến Circle K (cửa hàng tiện lợi) để mua những chai nước uống có ga mát lạnh, nhấm nháp cùng xúc xích, bim bim,… và nhiều loại đồ ăn vặt khác. Không chỉ có tác dụng chống đói cho ca học sau, được tụ tập bạn bè, cùng nhau "thưởng thức" những món ăn hấp dẫn khi tan học là thời điểm háo hức nhất trong ngày với rất nhiều học sinh. Và khi được hỏi có biết về tác hại của những loại thức ăn nhanh này hay không, chúng tôi thường nhận được câu trả lời: "Dạ bọn em biết chứ, nhưng nó ngon! Người lớn vẫn hay bảo ăn bẩn sống lâu đấy thôi ạ!".

Điều đáng quan ngại hơn nỗi băn khoăn bẩn hay sạch, các loại đồ ăn vặt được thanh, thiếu niên lựa chọn thường thuộc nhóm "thực phẩm siêu chế biến" (được chế biến công nghiệp, có từ năm thành phần trở lên, bao gồm chất phụ gia, phẩm mầu, chất bảo quản,…). Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, thực phẩm siêu chế biến không chỉ gây thừa cân, béo phì, mà còn tác động tiêu cực đến não bộ và trí nhớ của người thường xuyên sử dụng.

Bà Debora Comini, Giám đốc UNICEF khu vực Đông Á và Thái Bình Dương bày tỏ sự quan ngại: "Hiện nay, trẻ em và thanh, thiếu niên bị bủa vây bởi các hoạt động tiếp thị đồ ăn vặt ở mọi nơi: trên mạng, trên đường đến trường, trên truyền hình và thậm chí khi đang đứng xếp hàng thanh toán ở cửa hàng tạp hóa".

Hiệu quả từ các chuyên đề lồng ghép

Trái với sự nhộn nhịp thường thấy, trước cổng các trường học trong khu vực quận Hoàn Kiếm những năm gần đây đã không còn tình trạng các nhóm học sinh tan trường tụ tập quanh những xe hàng rong, ngấu nghiến những que "xiên bẩn", gây ùn tắc, cản trở giao thông. Đó là kết quả của hơn hai năm triển khai chuyên đề: "Cổng trường an toàn giao thông" trên địa bàn toàn quận.

Là người trực tiếp chỉ huy công tác, Thiếu tá Nguyễn Tài Nghĩa - Phó trưởng Công an phường Hàng Trống cho biết: "Trên địa bàn phường, chỉ một đoạn phố ngắn có đến hai trường tiểu học, hai trường mầm non, một trường THCS, nên công tác bảo đảm an toàn trường học là việc được phường hết sức quan tâm. Tuy mục tiêu chính của chuyên đề là bảo đảm không gian đi bộ cho học sinh và các cháu mầm non, nhưng đồng thời cũng cho thấy hiệu quả trong công tác dẹp bỏ các xe hàng rong chung quanh khu vực cổng trường. Nhờ đó phần nào tránh không để các con tiếp cận với các nguồn thức ăn vặt không lành mạnh".

Đồng tình với sự thay đổi đáng mừng đó, nhưng cô Nguyễn Thị Hương, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du, cũng thể hiện sự quan ngại: "Hiện nay, trước cổng trường đã gần như không còn hàng rong, thế nhưng các hộ dân kinh doanh hàng quán chung quanh cổng trường thì vẫn hoạt động. Nhà trường không thể can thiệp đến công tác quản lý ngoài trường học, nên khó có thể tác động hay góp ý với các hộ dân này. Chỉ có thể thông qua các buổi họp giao ban, kịp thời tham vấn cho công an khu vực và cán bộ phường".

Đại diện Trạm Y tế phường Hàng Trống, cơ quan chịu trách nhiệm quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm của các hàng quán chung quanh trường học cho hay: "Ba tháng một lần, trạm y tế sẽ tiến hành kiểm tra định kỳ chất lượng kinh doanh của các hàng quán trên địa bàn phường. Với các nội dung như: truy xuất nguồn gốc thực phẩm; giấy khám sức khỏe định kỳ của chủ cơ sở kinh doanh cũng như nhân viên; dụng cụ chế biến, hệ thống tủ kệ hợp vệ sinh;… Các hộ kinh doanh vi phạm sẽ ngay lập tức xử phạt theo quy định". Dù vậy, thực tế vẫn còn một số cá nhân kinh doanh đặt nặng vấn đề lợi nhuận, lựa chọn nhập những nguyên liệu, thực phẩm không bảo đảm để giảm giá thành, thu hút các em học sinh.

Bởi thế, bên cạnh những nỗ lực ngăn chặn các nguồn cung cấp thực phẩm không bảo đảm, gây hại cho sức khỏe của các cơ quan chức năng, một giải pháp được nhiều chuyên gia giáo dục đề cập chính là nâng cao ý thức của trẻ em, thanh, thiếu niên khi lựa chọn sử dụng, tiêu thụ sản phẩm.

Trước hết, về phía nhà trường, hiện nay trong các buổi sinh hoạt dưới cờ, các buổi học kỹ năng sống cần thường xuyên được lồng ghép các nội dung liên quan vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, hay chế độ dinh dưỡng lành mạnh. Đồng thời, nhà trường cũng thể hiện vai trò kết nối khi thông qua các buổi họp phụ huynh, có thể chia sẻ với cha mẹ học sinh về vấn đề dinh dưỡng, chi tiêu của học sinh.

Về phía gia đình, PGS, TS, BS Bùi Thị Nhung đưa ra lời khuyên: "Gia đình cần tạo cho các con thói quen ăn uống lành mạnh ngay từ khi còn nhỏ. Bố mẹ có thể tìm hiểu các chương trình giáo dục cho con về thực phẩm từ nhiều nguồn chính thống. Thí dụ như, Chương trình lựa chọn thực phẩm thông minh ở Australia dạy cho trẻ em phương pháp đánh dấu tích mầu xanh, mầu đỏ, mầu vàng cho những dạng thực phẩm cần ăn nhiều, thực phẩm cần hạn chế và những thực phẩm chỉ có thể ăn một vài lần trong năm". Thông qua các bài học nhỏ như vậy, các em có thể có những nhận thức cơ bản, từng bước hình thành thói quen về lựa chọn và phân loại thực phẩm an toàn, lành mạnh.

Bên cạnh đó, ẩm thực Việt Nam vốn có điểm mạnh là vô cùng đa dạng. Vậy nên các hãng thực phẩm nội cũng cần quan tâm nhiều hơn đến việc đầu tư thiết kế mẫu mã phù hợp tâm lý để có thể khiến thực phẩm lành mạnh trở nên ngon mắt, và thu hút hơn.