Đỉnh cao huy hoàng và thẳm sâu bí ẩn

Những ngày tháng 5 vừa qua, hàng trăm ngôi sao giải trí, các nghệ sĩ và các nhà thiết kế nổi tiếng nhất thế giới đã tề tựu tại Bảo tàng Metropolitan (New York, Mỹ), trong sự kiện Met Gala 2023 để cùng tôn vinh "ông hoàng thời trang vĩ đại nhất thế kỷ 20": Karl Lagerfeld.
0:00 / 0:00
0:00
Đỉnh cao huy hoàng và thẳm sâu bí ẩn

Với chủ đề "Karl Lagerfeld: A Line of Beauty" (Karl Lagerfeld: Đường nét của vẻ đẹp), những dấu ấn của "quý ông tóc bạc" được tái hiện vô cùng sống động và đầy cảm xúc, trong những bông hoa trà hay những chiếc áo vải tweed của Chanel, những chiếc váy phồng duyên dáng của Chloé, logo hai chữ F của Fendi, hay thậm chí là những bộ đồ cosplay cô mèo Choupette yêu dấu của nhà thiết kế huyền thoại.

"Dòng máu Ðức" và "giấc mơ Pháp"

Gần bảy thập niên lao động sáng tạo đến tận những ngày cuối đời, Karl không chỉ là nhà thiết kế với những đóng góp mang tính cách tân. Ông còn là một biểu tượng văn hóa, một nhà tư tưởng giàu hiện sinh và truyền cảm hứng nhất trong lịch sử ngành công nghiệp thời trang cao cấp.

Sinh ra tại Hamburg (Đức), cha của Karl, quý ông Otto Lagerfeld, là một doanh nhân thành đạt, và mẹ ông, một phụ nữ sành điệu với tư duy hiện đại, thời thượng cùng một tâm hồn nhạy cảm. Nền tảng gia đình giàu có và danh giá đã sớm mang đến cho cậu bé Karl một thẩm mỹ tinh tế và cao cấp từ khi còn rất nhỏ.

Dù mang gương mặt và dòng máu Đức, nhưng "khí chất" Paris lại sớm sục sôi mãnh liệt trong trái tim của cậu bé Lagerfeld. Karl khát khao ánh sáng phù hoa của kinh đô nước Pháp. Ông cũng không ngần ngại bỏ đi chữ "t" sau cùng trong tên của mình để cho nó có vẻ "thời trang" hơn (tên khai sinh của Karl là Karl Otto Lagerfeldt). Tất cả đều được sắp xếp cho một cuộc chinh phục cái đẹp đến cực đoan bất chấp mọi giới hạn. "Tôi ghét những gì xấu xí!" - ông từng "lập ngôn" như vậy.

Tên tuổi của Karl gắn liền với các nhà mốt hàng đầu hành tinh như Balmain, Patou, Fendi, Chloé hay gần đây nhất là thương hiệu riêng mang tên ông. Nhưng lừng lẫy hơn cả, là "cuộc cách mạng" mà Karl mang đến cho thương hiệu nổi tiếng nhất nước Pháp: Chanel.

Đầu những năm 80 của thế kỷ trước, trong cơn suy tàn tưởng không gì cứu vãn nổi của Chanel, sau cái chết của Gabrielle "Coco" Chanel, Karl đã đến. Bằng cơn gió ngông cuồng và duy mỹ tột bậc, nhà thiết kế người Đức hồi sinh thương hiệu đang hấp hối kiệt quệ. Nếu như Coco giải thoát các cô gái khỏi nỗi buồn hậu chiến và mang đến cho họ giấc mơ lãng mạn, thì Karl đã đi xa hơn, đưa họ đến chân trời xa hoa để tự do khát khao và trở thành "độc bản".

Với sự kết hợp vừa vặn giữa tính kỷ luật của người Đức và sự bay bổng của không khí Paris, Karl tìm cách mang một thế giới rực rỡ, kỳ lạ đến với thực tại. "Cảm ơn Karl Lagerfeld vì khiến cho nước Pháp trở nên lãng mạn, thơ mộng hơn" - diễn viên Pháp Marion Cotillard nói, trong ngày nhà thiết kế huyền thoại về với cát bụi.

Trong "đế chế" của Karl Lagerfeld, mọi chuyện không chỉ là váy áo. Ông đã tô vào diện mạo của thời trang Paris những triết lý đậm chất hiện sinh. Ông mang tất cả những điều đẹp đẽ nhất, từ trong thiên nhiên, vũ trụ, triết học, công nghệ, văn chương, điện ảnh, thậm chí là từ đường phố và những nhà xưởng của người lao động... lên sàn diễn Haute Couture.

Nhưng với ông, mọi giấc mộng xa hoa phải bắt nguồn từ "đôi chân đứng vững trên mặt đất", từ doanh thu và những sự khao khát của khách hàng. Có lẽ, không gì là không thể với "ngài Karl lỗi lạc và điên rồ ấy".

Đỉnh cao huy hoàng và thẳm sâu bí ẩn ảnh 1

Tìm về bản ngã

Dù vươn đến những thành công tột bậc trong ngành công nghiệp thời trang xa xỉ và hào nhoáng, thì đời tư của Karl vẫn luôn là một bí ẩn. Thậm chí cả năm sinh của ông cũng là đề tài gây tranh cãi. Không ai biết chính xác ông sinh năm nào (sau này có thông tin rằng Lagerfeld thay đổi năm sinh từ 1933 thành 1938 vì muốn tách mình ra khỏi thời kỳ Quốc xã).

Ngay từ khi còn rất nhỏ, "ông hoàng thời trang" dường như đã rất thoải mái trong sự cô độc. Cậu bé Karl chẳng mấy khi hứng thú với đám trẻ cùng trang lứa, mà thường tự vui với thế giới riêng của mình, với việc vẽ và đọc. Những cuốn sách là một niềm hứng thú mãnh liệt với Karl chỉ sau thời trang, ông đọc liên tục không ngừng nghỉ trong suốt cuộc đời mình, đủ mọi thể loại. Ông đặc biệt yêu thích những tác phẩm của Goethe, E. Dickinson, R. M. Rilke, hay Mallarmé…

Văn chương đã giúp nhà thiết kế thấu hiểu bản ngã của chính mình. Chẳng ai thấy Karl buồn bã bao giờ. Ông chọn cô độc một cách bình thản và dễ chịu, bên trong hai căn biệt thự với hơn 300.000 cuốn sách và cô mèo Choupette yêu dấu. Ngay cả với cha mẹ, Karl cũng không thể hiện tình cảm, dù rất nhiều người cảm nhận rõ sự ảnh hưởng của họ lên phong cách sống của ông.

Karl vẽ đủ mọi cảm xúc trên váy áo, nhưng ông lại tìm cách giấu đi cảm xúc thật của mình. Ông luôn chọn cách xuất hiện trong một diện mạo mang tính biểu tượng: Áo vest với đường may tinh xảo, cặp kính đen và mái tóc trắng thắt đuôi ngựa. Cho dù đôi khi ông tự nhận thấy mình như một "con rối".

Ngay cả những nhân vật nổi tiếng thế giới nhiều khi cũng e dè một quý ngài Karl khó tính, chỉn chu và không ngần ngại "độp thẳng mặt" những câu nói gây sát thương, dù đó là những siêu sao như Meryl Streep, "họa mi nước Anh" Adele hay phu nhân Tổng thống Mỹ Michelle Obama… nhưng ai cũng phải mềm lòng trước cách ông hào hiệp với từng người thợ thủ công, hay cách ông chọn từng nhành hoa cho bạn bè, nâng đỡ những đàn em.

Trong tình yêu, nhà thiết kế tóc bạc chưa bao giờ cố gắng che giấu giới tính, cũng như những mối tình đi qua cuộc đời. Những cuộc tình của ông đều ồn ào và gây nhiều tranh cãi. Thậm chí nhiều người tình mang lại cho ông quá nhiều đau khổ vì sự phản bội và quay lưng. Nhưng Karl luôn chọn cách bao dung và tha thứ cho tất cả.

Karl tôn thờ cái đẹp hiện hữu. "Thiên đường là lúc này đây" - đó chính là phương châm sống và sáng tạo của huyền thoại ấy. Với ông, cuộc sống chẳng nên có chỗ cho hoài niệm, việc nghĩ về những gì đã qua là điều vô nghĩa. Và thế là, ông biến thời đại của mình thành một thiên đường đẹp đẽ.

Karl thậm chí còn bình thản với cả cái chết. "Chẳng có đám tang nào cả" - ông ra lệnh cho nhân viên. Sau tất cả những hào nhoáng của những sàn diễn xa xỉ cùng những quý cô lộng lẫy, Karl không cho người ta cảm thấy ông thật sự thuộc về ai, hay được định nghĩa bởi điều gì. Karl hiện hữu trong tất cả những gì mà thế giới thời trang có thể nghĩ ra, hoặc không gì cả. "Tôi đến thế giới này và rời đi vào một ngày nào đó. Chẳng có gì khẩn cấp!" - "Bố già tóc bạc" nói với cả thế giới.