Để môn văn không còn là nỗi sợ?

Thời phổ thông, tôi học văn rất kém. Dù tôi nhớ rằng năm lớp 3 trường làng, sau khi vượt qua một cuộc “khảo sát” gì đó ở trường, tôi được cô giáo cử đi thi học sinh giỏi văn toàn huyện. Trước ngày thi, cô gọi tôi lên, chỉ vào cái ô ở mặt sau có gạch chéo, dặn không được viết vào đó, thế thôi, về mai đi thi.
0:00 / 0:00
0:00
Tiết học môn Ngữ văn tại Trường THCS Thái Thịnh (Hà Nội).
Tiết học môn Ngữ văn tại Trường THCS Thái Thịnh (Hà Nội).

Từ học văn theo dàn ý

Mờ sáng hôm sau, cậu út đèo tôi trên cái xe đạp mượn của cán bộ thôn, mặt cậu tôi hân hoan lắm, vì cháu đi thi học sinh giỏi cơ mà. Tôi ngồi sau xe cậu úp đầu vào lưng, vòng tay ôm chặt lấy, đùi quắp vào cái gác-đờ-bu, đi chân đất, ngón chân cái bấu vào cái dóng sắt bên dưới kẻo sợ ngã. Quãng đường đi không dài lắm, nhưng đường đất xấu, cậu tôi đạp gần tiếng đồng hồ mới đến nơi. Đề thi hỏi về câu chuyện rùa và thỏ. Tôi không được giải gì.

Lên phổ thông tôi chỉ thích văn học Việt Nam trước Cách mạng Tháng Tám. Thường tôi chỉ được điểm 5, bảy năm phổ thông tôi nhớ có ba lần được điểm 6 mà thôi, dù tôi rất chịu học và chăm đọc. Có lẽ cách tôi viết không hợp với yêu cầu của giáo viên, nhưng tôi không thay đổi cách nghĩ của mình.

Ngày tôi còn bé, sách khảo cứu của miền nam còn khá nhiều. Tôi nhớ năm cấp 3 tôi đọc Việt Nam văn học sử yếu của cụ Dương Quảng Hàm, nó khá khó hiểu đối với tôi.

Sau tôi đọc Việt Nam văn học sử và Văn minh sử của cụ Lê Văn Siêu thấy dễ hơn hẳn. Ý nghĩa thông thoáng, câu từ hàm súc, mà trình bày rất mạch lạc. Nó như một cuốn kỷ yếu của nền văn học nước nhà, rồi theo sự chỉ dẫn đó, biết ở thời nào thì tìm ai mà đọc, ai hay cái gì, dở chỗ nào, nặng về tác phẩm mà nhẹ đời tư.

Thi thoảng tôi cũng trộm vài lời bình của cụ mà tôi thích, biên vào bài làm văn về nhà. Nhưng giáo viên dạy chúng tôi hồi đó, được đào tạo ở miền bắc, họ không biết cụ là ai, và cái cách lập luận trình bày của cụ họ cũng không chấp nhận. Dù bé, nhưng tôi cũng hiểu được rằng, sử dụng sách của “chế độ cũ” để tham khảo là không được, nên tôi dấu tiệt, thành thử chỉ luôn dừng lại ở điểm 5.

Thời gian gần đây, sách cụ Lê Văn Siêu đã được tái bản trở lại. Tôi mến mộ cụ cũng bởi một phần cụ là dân công chánh, sau vào nam làm thầu khoán và báo chí. Không hiểu cụ học kiểu gì mà ngoài 30 đã viết những cuốn sách đến giờ tôi đọc còn không hiểu hết.

Sau này lớn lên, đọc nhiều hơn, hiểu biết được cơ bản hơn một chút, tôi thấy rằng, thật ra trong suốt phổ thông chúng tôi đã không được dạy về văn chương như một nghệ thuật. Cách soạn sách giáo khoa đi kèm với cách dạy phân tích tác phẩm, như người đồ tể thực hiện công việc của mình, xẻ con lợn ra xem da lông nạc mỡ xương như nào nặng nhẹ ra sao rồi kết luận nó hay nó đẹp.

Cách dạy và học kiểu phân tích tác phẩm theo dàn ý, để tìm ý... đã vô tình bóp nghẹt đi niềm yêu nghệ thuật văn chương của khá nhiều người. Bởi chúng tôi đã không được học, không được đọc và không được hướng dẫn đủ để nhận biết, như thế nào là Đẹp.

Năm này qua năm khác trong trường phổ thông, chúng tôi đã nằm lòng tiểu sử của các nhà văn, thuộc làu làu tư tưởng chủ đề của các tác phẩm, thật ra các trích đoạn tác phẩm là chính... mà không được chủ động, không được độc lập cảm thụ tác phẩm theo quan điểm cá nhân mà nhất nhất, phải theo dàn ý được giáo viên thiết lập. Đó thật sự là điều đáng tiếc.

Học văn đã không hướng tới được mục tiêu cao đẹp học làm người, ngược lại giờ văn đã thành nỗi ám ảnh với nhiều học sinh bởi thói quen học văn... như vẹt, làm bài theo... văn mẫu...

Đến lạm dụng ngữ liệu trong các đề thi

Chương trình phổ thông mới bắt đầu thực hiện từ năm học 2020-2021 hứa hẹn mang lại nhiều đổi thay trong việc dạy văn, học văn, thi văn. Tâm lý xã hội cởi mở hơn, sự phổ cập của internet cũng khiến cả giáo viên và học sinh có nhiều công cụ hơn để tiếp cận với sách, chứ không chỉ may mắn hiếm hoi vì “vớ” được những cuốn của cụ Lê Văn Siêu như tôi một thời.

Tuy nhiên có thực tế là, tâm lý đám đông, chạy theo trào lưu hay nói theo ngôn ngữ mạng là trend, đã khiến những khái niệm giáo dục khai phóng được (bị) áp dụng sai lệch mà dễ nhận thấy ở cách ra đề thi môn văn, đặc biệt là các đề thi chọn học sinh giỏi.

Nhiều đề thi tưởng là đổi mới, độc, lạ thật ra đã lạm dụng các ngữ liệu một cách cẩu thả, bứt các ngữ liệu ra khỏi văn bản tổng thể hoặc nguồn của ngữ liệu cũng không được dẫn chính xác..., để yêu cầu thí sinh bình, xét trong những bài làm gọi là... nghị luận.

Mới đây, cá nhân tôi thật sự cảm thấy đáng tiếc, thậm chí phẫn nộ khi đọc được một đề thi chọn học sinh giỏi của một địa phương có truyền thống danh hương.

Đề thi cho thí sinh đọc bài thơ trích trong tập Đồng dao cho người lớn của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo rồi yêu cầu viết bài nghị luận xã hội để trả lời câu hỏi: “Phải chăng sống hết mình với tất cả những gì mình có là cách thức để con người chuyển hóa nỗi khổ niềm đau thành an vui hạnh phúc?” và một câu nghị luận văn học, lấy ngữ liệu từ câu nói: “Thơ hay tựa như người con gái đẹp, ở góc nhìn nào người ta cũng có thể phát hiện ra những góc nhìn riêng”, yêu cầu thí sinh phân tích bài thơ đã đọc và bình luận ý kiến này.

Học sinh dù lớp 10, chưa đủ 16 tuổi, thì vẫn được chế tài bởi Luật Trẻ em, được bảo hộ theo hệ thống luật pháp về trẻ em mà Việt Nam đã có. Ngay cả trích dẫn văn bản cũng ghi rất rõ, rút ra từ tập Đồng dao cho người lớn, tập thơ của thi nhân Nguyễn Trọng Tạo với nhiều ẩn dụ dành cho... người lớn.

Hướng dẫn sử dụng đã ghi rất rõ, chống chỉ định với trẻ con, và bài thơ với ý tứ hoàn toàn không phù hợp với trẻ em, nhất là tâm lý lứa tuổi mới lớn lại được chọn làm đối tượng để các em làm văn nghị luận.

Hơn nữa, ngữ liệu “Thơ hay như một người con gái đẹp...” vốn là một câu nói của học giả Lâm Ngữ Đường, nhưng bị biên tập mất phần hồn, chỉ còn phần xác. Ý của tác giả thật ra là: “Thơ hay như người con gái đẹp, cái để làm quen là nhan sắc, nhưng cái để sống với nhau lâu dài là đức hạnh”, nêu bật hai mặt của một vấn đề, thực thể và tâm hồn.

Nhan sắc của thơ là vỏ câu chữ, đức hạnh của thơ là giá trị tư tưởng. Người con gái đẹp cũng cần hai thứ đó. Mượn lời để đặng ý, đặng ý thời quên lời. Khởi đầu có thể là dung nhan, nhưng để tồn tại lâu dài thì đức hạnh và tư tưởng mới là thứ đáng để nói.

Tâm hồn, tình cảm, đạo đức, lối sống của học sinh nói riêng và mỗi con người chúng ta nói chung mới là cái cốt lõi cần hướng tới, chứ không chỉ cái đẹp đơn thuần hình thức cái đẹp thỏa mãn con mắt nhìn...

Tôi nghĩ mỗi nhà một quan điểm, mỗi cha mẹ một cách thức, không ai giống ai. Riêng tôi, sẽ cố gắng không nặng nề điểm số mà coi nhẹ đi cái tổn thương cho tâm hồn con trẻ.

Bởi năm tháng qua đi, điểm số và thành tích ở một thời điểm cũng chưa hẳn có ích nhiều cho cuộc sống. Cố gắng để con cái chúng ta hiểu được tầm quan trọng, cái hay, cái đẹp của văn chương ngay từ trong nhà trường, thì ít nhất trẻ con cũng có được một niềm vui có ích, niềm vui hướng thiện, để giúp tụi nhỏ có được một chốn neo giữ trong tâm hồn chúng, hướng đến cái đẹp và sự thiện lành.

Thật ra những điều cốt lõi này đã được nêu ra trong Đề cương văn hóa Việt Nam ra đời từ 80 năm trước, mà cả nước ta vừa tưng bừng kỷ niệm: Dân tộc, khoa học, đại chúng...