Tăng giá khám chữa bệnh theo yêu cầu

Đáp ứng tốt hơn nhu cầu người bệnh

Khám chữa bệnh theo yêu cầu (KCBTYC) là dịch vụ y tế ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của người dân khi sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh (KCB) tại các cơ sở y tế công lập, góp phần hạn chế người có điều kiện kinh tế phải ra nước ngoài đồng thời thu hút người nước ngoài KCB tại Việt Nam, tạo điều kiện phát triển các gói BHYT bổ sung.
0:00 / 0:00
0:00
Khám chữa bệnh theo yêu cầu tại Khoa nhi, Bệnh viện ĐH Y (Hà Nội).
Khám chữa bệnh theo yêu cầu tại Khoa nhi, Bệnh viện ĐH Y (Hà Nội).

Được đánh giá là linh hoạt và chất lượng, dịch vụ y tế này ngày càng được nhiều người có nhu cầu lựa chọn. Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư số 13/2023/TT-BYT quy định khung giá và phương pháp định giá dịch vụ KCBTYC do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước cung cấp. Điều người dân quan tâm hơn cả ở Thông tư này là giá khám chữa bệnh tăng cao hơn trước.

Người bệnh vừa mừng vừa lo

Chị H.T.N (46 tuổi, ở Hải Phòng) là bệnh nhân K vú, hiện đang điều trị tại Bệnh viện K cơ sở 1 tại Hà Nội bằng dịch vụ KCBTYC. Phát hiện bệnh từ 4 tháng trước, đều đặn cứ 20 ngày, chị lại theo xe khách từ Hải Phòng lên Hà Nội để truyền thuốc, nhanh thì sáng đi chiều về, nhưng phần lớn là nghỉ lại một đêm ở viện. Nhờ dịch vụ KCBTYC, chị chủ động được thời gian, không phải chờ đợi lâu.

Chị cho rằng, dịch vụ thăm khám điều trị thì không có sự khác biệt so với khám và điều trị theo bảo hiểm, tuy nhiên, giường bệnh sạch sẽ, có nhà vệ sinh riêng, điều hòa riêng... khiến chị thoải mái tâm lý, yên tâm điều trị bệnh hơn. Khi biết giá dịch vụ KCBTYC thời gian tới sẽ tăng, do điều kiện kinh tế gia đình không dư giả, chị khá lo lắng. Tuy nhiên, chị cho rằng, so với mức sống chung, tăng giá thời điểm này để tăng chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu người bệnh cũng là hợp lý. Chị N khẳng định thời gian tới vẫn tiếp tục sử dụng gói dịch vụ này.

Thông tư mới ban hành sẽ được áp dụng tại các bệnh viện công bắt đầu từ ngày 15/8/2023.Theo đó có 1.937 loại dịch vụ kỹ thuật (DVKT), xét nghiệm theo yêu cầu được quy định mức giá tối đa và tối thiểu, phẫu thuật nội soi robot điều trị các bệnh lý lồng ngực có giá cao nhất trong danh mục này, với hơn 134 triệu đồng, tối thiểu là hơn 91 triệu. Với các DVKT chẩn đoán hình ảnh, cao nhất là chụp PET/CT mô phỏng xạ trị với mức giá tối đa hơn 28,7 triệu đồng; tối thiểu hơn 20,5 triệu đồng chưa bao gồm thuốc cản quang...

So sánh với khung giá KCBTYC của Thông tư 13 (sửa đổi Thông tư 39/2018) và 14/2019/TT-BYT (sửa đổi Thông tư 37/2018) do Bộ Y tế ban hành năm 2019, mức giá tối thiểu của các DVKT trong danh mục KCBTYC tương đương hoặc cao hơn vài trăm nghìn đồng.

Về khung giá dịch vụ KCBTYC tại bệnh viện hạng 1 tối thiểu 100.000 đồng/lượt và tối đa 500.000 đồng/lượt. Đối với các cơ sở KCB khác, giá tối thiểu 30.500 đồng và tối đa 300.000 đồng/lượt. Về giá phòng, với giường điều trị nội trú DV loại 1 giường/phòng có giá tối đa 4 triệu đồng; loại 2 giường/phòng tối đa 3 triệu đồng/giường; loại 3 giường/phòng tối đa 2,4 triệu đồng/giường.

Dù Bộ Y tế có khung giá rõ ràng, kể cả tỷ lệ bệnh nhân, bác sĩ giỏi, giường bệnh dịch vụ... nhưng trên thực tế, người bệnh vẫn còn nhiều băn khoăn về KCBTYC và khám theo bảo hiểm y tế (BHYT).

Ông T.M. Đ (55 tuổi có hộ khẩu thường trú tại Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết bị sỏi thận được chỉ định mổ. Gia đình lựa chọn gói KCBTYC đúng tuyến là Bệnh viện Bưu điện. Ông cho rằng, với bệnh nghiêm trọng cần điều trị lâu dài, hoặc người già trẻ em, gia đình thường ưu tiên chọn gói KCBTYC cho nhanh, người bệnh đỡ mất thời gian chờ đợi so với khám BHYT. Tuy nhiên, nếu với mức giá tăng lên trong thời gian tới, gia đình sẽ phải cân nhắc kỹ hơn khi chọn dịch vụ.

Đáp ứng tốt hơn nhu cầu người bệnh ảnh 1
Khu vực đón tiếp bệnh nhân KCBTYC của Bệnh viện K cơ sở I.

Không ảnh hưởng đến bệnh nhân có BHYT

Việc quy định khung giá KCBTYC nhằm tạo cơ sở pháp lý để các cơ sở KCB phát triển đồng thời cung cấp dịch vụ KCBTYC, hướng dẫn xây dựng khung giá đúng quy định pháp luật. Theo quy định, các chuyên gia, bác sĩ giỏi tham gia KCBTYC tối đa 30% thời gian, phần còn lại là KCB cho đối tượng có BHYT hoặc người bệnh không có BHYT nhưng cần hỗ trợ. Tất cả giá dịch vụ phải niêm yết công khai để người dân lựa chọn. Thông tư cũng cho phép các cơ sở KCB quyết định lựa chọn xây dựng mức giá dịch vụ khác nhau theo chuyên khoa, thời gian thực hiện dịch vụ, trình độ chuyên môn của y bác sĩ, kỹ thuật... trong phạm vi quy định.

Việc ban hành Thông tư không ảnh hưởng đến người có thẻ BHYT; người không có thẻ BHYT nhưng không đăng ký tự nguyện sử dụng các dịch vụ KCBTYC.

Khung giá dịch vụ ban hành tại Thông tư bao gồm mức giá tối đa và tối thiểu, theo đó mức giá cụ thể dịch vụ KCBTYC được phê duyệt không được thấp hơn hoặc cao hơn khung giá quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

Giá dịch vụ KCBTYC chỉ áp dụng cho đối tượng là người tự nguyện đăng ký sử dụng các dịch vụ KCBTYC (chiếm tỷ lệ từ 5-10% tại các bệnh viện tuyến tỉnh và trung ương, tuyến huyện gần như không có). Người có thẻ BHYT vẫn thực hiện chi trả theo mức giá quy định tại Thông tư số 39/2018/TT-BYT; người không có thẻ BHYT nhưng không đăng ký tự nguyện sử dụng các dịch vụ KCBTYC thì thực hiện chi trả theo mức giá quy định tại Thông tư số 14/2018/TT-BYT. Do vậy, Bộ Y tế khẳng định, việc ban hành Thông tư không ảnh hưởng đến người có thẻ BHYT; người không có thẻ BHYT nhưng không đăng ký tự nguyện sử dụng các dịch vụ KCBTYC. Bộ Y tế yêu cầu tỷ lệ giường bệnh theo yêu cầu tại các cơ sở KCB không quá 20% so với số giường thực hiện bình quân năm trước.

Việc ban hành Thông tư số 13/2023/TT-BYT Quy định khung giá và phương pháp định giá dịch vụ KCBTYC do cơ sở KCB của nhà nước cung cấp phù hợp với chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước; khuyến khích các đơn vị chủ động, tích cực triển khai và đầu tư trang thiết bị, cơ sở hạ tầng. Nguồn thu từ hoạt động dịch vụ được tái đầu tư để tiếp tục đầu tư, phát triển kỹ thuật. Tạo điều kiện để huy động ngân sách Nhà nước đầu tư vào các lĩnh vực, địa bàn không thu hút được nguồn lực đầu tư, hỗ trợ thực hiện các chính sách về y tế cơ sở.

Rà soát, điều chỉnh khung mức giá ở các cơ sở khám chữa bệnh

Trao đổi về Thông tư này với cơ quan báo chí, ông Dương Đức Thiện, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) cho biết: Để phục vụ cho việc ban hành Thông tư này, thời gian qua, Bộ đã tiến hành khảo sát tại gần 100 cơ sở y tế từ tuyến huyện trở lên đến tuyến trung ương có cung ứng dịch vụ KCBTYC. Với những khảo sát này, ban soạn thảo đã có những bằng chứng thực tiễn trong xây dựng giá dịch vụ phản ánh đúng thực tiễn của hoạt động KCBTYC hiện nay.

“Theo đó, đối với những cơ sở khám chữa bệnh hiện đang có khung mức giá KCBTYC cao hơn quy định tại Thông tư này cần phải rà soát lại để điều chỉnh phù hợp với quy định tại Thông tư”- ông Thiện nhấn mạnh.

PGS, TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho rằng việc ban hành Thông tư 13 của Bộ Y tế là kịp thời để đón đầu Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2024. Theo ông, Thông tư 13 tạo điều kiện cho các bệnh viện nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, điều này giúp cả bệnh nhân và nhân viên y tế đều hưởng lợi.

Theo tìm hiểu, trước đây giá KCBTYC tối đa tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội là 450.000 đồng/lượt, tuy nhiên cách đây một thời gian, Bệnh viện đã chủ động điều chỉnh giá khám tối đa 300.000 đồng/lượt, không có sự phân biệt khi khám giáo sư hay bác sĩ giỏi. Về giá giường bệnh dịch vụ tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, giường dịch vụ thấp nhất giá 320.000 đồng/giường, có 7 phòng bệnh có giá 2,2 triệu/giường/phòng.

Đáp ứng nhu cầu KCBTYC ngày càng cao của người dân

Tại Bệnh viện Bạch Mai, trung bình mỗi ngày KCB khoảng 6.000-8.000 lượt người bệnh. Trong 3 năm qua hầu hết giá khám và giá dịch vụ khác đều theo giá BHYT. Giá khám theo yêu cầu của GS, PGS là 150.000 đồng/lượt; TS và BSCKII là 120.000 đồng/lượt; Thạc sĩ và BSCKI là 70.000 đồng/lượt.

PGS, TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho rằng: Thông tư 13 là cơ sở hành lang pháp lý quan trọng để các bệnh viện dựa vào đó ban hành giá kỹ thuật cho dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu.

Theo Thông tư 13, dải giá rộng tối đa là 500.000 đồng/lượt khám. Ông Cơ cho biết bệnh viện đang nghiên cứu để có thể xây dựng mức giá phù hợp nhằm bảo đảm quyền lợi của người dân, không áp dụng đồng loạt giá cao mà người dân có sự lựa chọn dải giá khi tới KCBTYC tại Bệnh viện Bạch Mai. Hiện Bệnh viện này đang rà soát, để sớm bàn thảo, xây dựng và ban hành mức giá khám bệnh theo yêu cầu để thực hiện từ ngày 15/8/2023, khi Thông tư 13 có hiệu lực.