Ðại học FPT, một mô hình mới

NDO - Trong khi Nhà nước đang tìm những giải pháp cải cách giáo dục đại học, thực tiễn đòi hỏi chất lượng nguồn nhân lực phải đáp ứng nhu cầu xã hội hiện đại; thì một trường đại học tư thục của một tập đoàn công nghệ thông tin hàng đầu nước ta - Trường Ðại học FPT -  tuy mới thành lập nhưng đã có những bước đi táo bạo, với tầm nhìn xa đã gợi lên niềm hy vọng mới.

Từ một hướng đi táo bạo...

Khác hẳn không khí nóng nực ngoài đường, bên trong tòa nhà Detech (trụ sở hiện tại của ÐH FPT) tọa lạc ở số 8 Tôn Thất Thuyết (Hà Nội) lúc nào cũng mát lạnh bởi hệ thống điều hòa hiện đại. Ngoài sảnh, các sinh viên trẻ trung cá tính coi laptop (máy tính xách tay) như vật bất ly thân, năng động và vui vẻ. Thầy giáo và sinh viên thảo luận sôi nổi trong các phòng tiện nghi, được trang bị hệ thống cách âm đặc biệt. Theo chân một bạn sinh viên năm thứ hai vào thăm trường, gặp đúng ngày các sinh viên đến thi môn tiếng Anh, tôi nhận thấy ngay sự khác biệt, trước hết là không khí thi cử. Các sinh viên ở đây chờ đến lượt vào thi vấn đáp với phong cách rất tự tin và trao đổi với nhau bằng tiếng Anh. Bên phía hội trường cũng đang diễn ra lễ bảo vệ tốt nghiệp của sinh viên khóa 4. Trên bục, trưởng nhóm trình bày trước hội đồng như một diễn giả. Bảo vệ một đề tài về kỹ thuật phần mềm nhưng người nghe không hề cảm thấy khô khan. Bài thuyết trình thật sự lôi cuốn, thỉnh thoảng những nụ cười cùng tiếng vỗ tay lại vang lên...

Cách đây 5 năm, năm 2006, Trường ÐH FPT được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập. Ban đầu, nhiều người hoài nghi về mô hình của trường với cơ sở vật chất rất hiện đại, học phí cao ngất ngưởng và cam kết 100% sinh viên khóa 1 có việc làm ngay sau tốt nghiệp. Thời gian đầu hoạt động, trường đã không tránh khỏi những va vấp, dư luận cũng đã lên tiếng. Nhưng sau 5 năm hoạt động, tới nay trường đã có gần năm nghìn sinh viên hệ chính quy, sáu nghìn sinh viên các hệ đào tạo ngắn hạn học tập tại bốn cơ sở chính và các trung tâm đào tạo khác ở Hà Nội, Ðà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh. Với gần 10 nghìn sinh viên chuyên ngành công nghệ thông tin (CNTT) và truyền thông (TT) các hệ, Trường ÐH FPT đã trở thành đơn vị đào tạo nhân lực CNTT và TT lớn nhất Việt Nam hiện nay, được Bộ Thông tin và Truyền thông tặng Giải thưởng Sao Khuê.

Ðược hỏi về chương trình đào tạo của trường, ông Nguyễn Xuân Phong, Phó Hiệu trưởng, cho biết: "Chương trình được thiết kế dựa theo chuẩn ACM (Hoa Kỳ) và ITSS (Nhật Bản), có bổ sung các giáo trình chuyên ngành của các hãng công nghệ như Microsoft, IBM"...

Nhằm hướng mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội, lãnh đạo nhà trường đã có những đột phá quan trọng trong việc kết hợp với các doanh nghiệp nhằm rèn giũa kỹ năng cũng như làm quen với môi trường làm việc thực tế cho sinh viên. Từ năm thứ ba, sinh viên được đi thực tập - làm việc tại doanh nghiệp và hưởng lương theo đóng góp thực tế với thời gian từ 8 đến 12 tháng. Một số sinh viên xuất sắc đã được cử đi thực tập tại Anh, Mỹ, Nhật Bản, Xin-ga-po, Ma-lai-xi-a... Như vậy có thể coi, sau khi ra trường, sinh viên đã có một năm kinh nghiệm làm việc, và đây là một lợi thế.

Ông Trịnh Ngọc Thái, cán bộ tuyển dụng Công ty FPT IS, tỏ ra rất hài lòng với trình độ chuyên môn của các sinh viên FPT đang thực tập tại công ty. Ðiều nổi trội nhất ở các em là khả năng tiếng Anh và kỹ năng mềm. Chị Hà Thu Trang, cán bộ Công ty Tinh Vân cũng chia sẻ: "Là đơn vị thường xuyên tuyển dụng nhân sự CNTT, tôi thấy sinh viên ở đây năng động, chịu khó học hỏi, nắm bắt thực tế nhanh, đáp ứng tốt yêu cầu của công việc".

Hiện nay, 100% sinh viên tốt nghiệp đợt 1, tháng 4-2011, đã có việc làm với thu nhập khởi điểm trung bình trên sáu triệu đồng/tháng, nhiều sinh viên có mức thu nhập trên 10 triệu đồng. Ðợt 2 tốt nghiệp cuối tháng 7 vừa qua, ngay trước lễ bảo vệ tốt nghiệp đã có gần 90% sinh viên có việc làm, trong đó 10% đi làm việc ở nước ngoài (Nhật Bản, Anh, Xin-ga-po)...

Là một trong những sinh viên xuất sắc, giành giải nhất môn Quản trị dự án phần mềm, Nguyễn Hoàng Phú cùng bốn sinh viên khác của trường được mời sang Nhật Bản làm việc tại Tập đoàn tài chính SBI Holdings. Phú tâm sự: "Ðể được làm việc tại SBI Holdings, em phải trải qua các vòng thi tuyển và phỏng vấn rất khắt khe cả về chuyên môn lẫn trình độ tiếng Nhật. Em và các bạn giành được cơ hội lớn này là nhờ rất nhiều vào quá trình học tập tại trường".

Cựu sinh viên Dương Thanh Long, thủ khoa tốt nghiệp ÐH FPT, là người Việt Nam duy nhất giành được học bổng Eramus Mundus dạng tự do năm 2011 chuyên ngành Language and Communication Technology trị giá 42 nghìn ơ-rô và hiện đang làm việc tại Công ty FPT Software. Long bảo: "Ðiều quan trọng nhất là tôi đã được nhà trường trang bị khá đầy đủ những yếu tố mà mọi nhà tuyển dụng cần". Cũng như nhiều bạn còn đang theo học, Nguyễn Hoàng Việt tỏ ra hài lòng với lượng kiến thức đồ sộ được nhà trường cung cấp.   

... đến những khó khăn phía trước

Trước hết, mức học phí 11.200 USD cho bốn năm học là rất cao so với mặt bằng chung ở Việt Nam, và đây là một trong những "cản trở" đối với không ít học sinh có trình độ nhưng không có điều kiện kinh tế. Tại lễ tốt nghiệp, cô Dương Thúy Hằng, mẹ của sinh viên Ðặng Cao Mạnh, tâm sự: Học đến năm thứ hai thì Mạnh bảo thôi không học ở FPT nữa, vì ngại gia đình không thể đủ khả năng kinh tế cho em theo đến hết khóa. Cô đã khóc và động viên con: "Con hãy nghĩ đến bố mẹ, đến các em, cả nhà mình đã dốc hết sức rồi. Không buông xuôi được đâu, con thương mẹ thì cố gắng lên, theo cho đến cùng. Và ngày ấy đã đến".  Bác Mai Văn Phòng, phụ huynh của sinh viên Mai Văn Ðoàn đang học năm thứ hai, từ Nho Quan (Ninh Bình) mang theo hơn 20 triệu đồng nộp học phí cho con. Ðôi bàn tay rám nắng vuốt vuốt lại gói tiền được bọc hai lần túi bóng, bác Phòng nói: "Tôi thấy mức học phí rất cao. Ở địa phương, mới chỉ có một mình Ðoàn theo học được ở đây. Chúng tôi cũng đã rất cố gắng"...

Ðó chỉ là một vài trong rất nhiều nỗi niềm và ý chí quyết tâm của các sinh viên cùng các bậc phụ huynh có con em theo học tại nhà trường. Và phải chăng đó cũng là cơ sở cho phép chúng ta cùng hy vọng với tầm nhìn xa, cách làm hay của tập đoàn và nhà trường, trong thời gian không lâu nữa, những kết quả đào tạo cao hơn của ÐH FPT sẽ góp phần thúc đẩy chất lượng giáo dục đại học của nước ta phát triển. "Chúng tôi biết rằng, thời kỳ đầu của ÐH FPT là những năm đầy gian khó, còn nhiều điều chưa được hoàn thiện. Nhưng chúng tôi đã cố gắng và sẽ tiếp tục cố gắng hết sức vì các em, thế hệ tương lai của đất nước với mong muốn tột cùng là cung cấp nguồn nhân lực đi mở mang bờ cõi tri thức, tỏa sáng trí tuệ Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu" - TS Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng nhà trường nói.

Hiện nay, Trường ÐH FPT đã đưa vào hoạt động phần đầu của cơ sở chính tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (quy mô tổng thể sau khi hoàn thành là 30 ha với 25 nghìn sinh viên). Và như vậy, trong hướng phát triển tới đây, Trường ÐH FPT sẽ trở thành trường đại học CNTT và TT hàng đầu Việt Nam cũng như trong khu vực. Trường sẽ có cơ sở đào tạo tại các tỉnh thành lớn trong cả nước và mở rộng cơ sở đào tạo tại nước ngoài trong 5 năm tới.

* Ðể hướng tới mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực cao đáp ứng nhu cầu xã hội, ngoài đầu tư xây dựng cơ sở vật chất khang trang, thiết bị hiện đại, ÐH FPT còn tiến hành hợp tác với một số trường đại học uy tín của các nước trong lĩnh vực trao đổi giảng viên, sinh viên, tạo điều kiện cho sinh viên hai trường có cơ hội học tập và trải nghiệm trong môi trường mới. Trường đã mời các giáo sư, chuyên gia quốc tế giàu kinh nghiệm tới giảng dạy và đào tạo cho sinh viên và cán bộ trong trường, như ÐH Bunkyo, ÐH Kyushu (Nhật Bản); ÐH Hoschule Furtwangen (Ðức); ÐH Seattle, ÐH kỹ thuật California (Hoa Kỳ); ÐH Greenwich (Anh), v.v.