Ca sĩ Trọng Tấn:

Cứ đắm đuối với nghề, mọi thứ sẽ đến

Live concert "Trọng Tấn-Anh Thơ: 20 năm hát tình ca" đang được Trọng Tấn-Anh Thơ, cặp song ca vàng của dòng nhạc trữ tình cách mạng, lên kế hoạch thực hiện tại sáu tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu trong hai tháng 10 và 11. Tranh thủ thời gian nghỉ giữa các ca tập luyện, ca sĩ Trọng Tấn trò chuyện cùng chúng tôi.
0:00 / 0:00
0:00
Ca sĩ Trọng Tấn (bên phải) và Anh Thơ biểu diễn trong một chương trình nghệ thuật. Ảnh: Nguyễn Đăng
Ca sĩ Trọng Tấn (bên phải) và Anh Thơ biểu diễn trong một chương trình nghệ thuật. Ảnh: Nguyễn Đăng

Ðể song ca ăn ý, phải có sự đồng điệu trong tâm hồn

- Sau 20 năm sánh bước song ca trên con đường âm nhạc, Trọng Tấn và Anh Thơ lần đầu sẽ cùng rong ruổi xuyên Việt với các bản tình ca. Điều mà các anh, chị mong muốn nhất lúc này cho tour diễn là gì?

- Vì là lần đầu thực hiện một live show xuyên Việt, tôi cùng Anh Thơ và nhà tổ chức không tránh khỏi một chút hồi hộp. Bạn biết đấy, rất nhiều khó khăn. Ở các thành phố lớn, như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, phía nhà tổ chức dễ đo lường khán giả và cũng dễ bán vé vì mức chi tiêu của người dân ở đó nhìn chung cao hơn. Còn tại nhiều địa phương khác, chúng tôi đều biết rằng nhu cầu thưởng thức âm nhạc của khán giả là rất lớn, nhưng không phải bà con nào cũng có đủ điều kiện tài chính để mua vé xem live show.

Chúng tôi cân nhắc mức giá vé hợp lý ở từng điểm diễn, làm sao để khán giả yêu mến Trọng Tấn-Anh Thơ có cơ hội đến với chương trình. Với ý nghĩa tri ân khán giả đã ủng hộ Trọng Tấn-Anh Thơ trên suốt chặng đường 20 năm qua, chúng tôi xác định có thể phải bù lỗ.

- Từ kinh nghiệm cá nhân, anh có thể chia sẻ những yếu tố quan trọng làm nên một cặp song ca ăn ý?

- Để hai ca sĩ có thể hát song ca, điều cần thiết nhất là sự ăn ý không chỉ trong giọng hát mà còn trong tâm hồn. Nghĩa là phải có một "số rung" phù hợp, sự đồng điệu trong màu giọng. Làm sao để khi song ca, hai ca sĩ cùng có được sự hòa quyện từ trong cách hát, cách xử lý kỹ thuật, từ đó mang lại cảm xúc cho khán giả.

- Hay phải chăng còn vì anh và ca sĩ Anh Thơ là những người bạn đồng hương thân thiết nên hiểu nhau và dễ hòa cảm xúc khi hát song ca?

- Điều này cũng là một phần đấy, chúng tôi cùng tuổi, cùng lớn lên ở miền quê Thanh Hóa, cùng uống nước dòng sông Mã mà (cười).

- Trong các địa điểm tổ chức show diễn sắp tới có Nhà hát Lam Sơn (thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa). Đêm diễn tại quê hương của các anh, chị có gì đặc biệt hơn các đêm diễn khác, ít nhất là về nội dung chương trình?

- Về nội dung của tất cả các đêm diễn, chúng tôi vẫn đang tính toán cùng nhau, mục tiêu là luôn có những bất ngờ cho khán giả tại địa phương đó.

Riêng đêm diễn ở Nhà hát Lam Sơn đối với tôi và Anh Thơ chắc chắn là vô cùng đặc biệt, chỉ mới nhắc đến thôi đã tràn ngập cảm xúc. Nhưng thật lòng, hát ở sân khấu quê nhà cũng có chút áp lực riêng nên chúng tôi càng phải cẩn trọng trong mọi khâu tổ chức, lựa chọn ca khúc. Là những người con của quê hương Thanh Hóa đi xa lập nghiệp và có chút thành công, nhân đêm diễn này, chúng tôi dự định sẽ trao quà cho một số bà con có hoàn cảnh khó khăn.

"Nhạc đỏ" truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ

- Anh có chia sẻ là khán giả của anh, của dòng nhạc cách mạng và trữ tình dân gian mà công chúng quen gọi là "nhạc đỏ" ngày càng đông đảo, đặc biệt là khán giả trẻ. Điều gì trong dòng nhạc này hấp dẫn các bạn trẻ giữa thời buổi họ có quá nhiều phương tiện giải trí để lựa chọn?

- Tôi cảm thấy rằng, có nhiều bạn trẻ sớm quan tâm đến những ước mơ, hoài bão lớn hơn cái cá nhân mình, muốn xây dựng con đường cống hiến cho cộng đồng và khi tiếp cận dòng nhạc trữ tình cách mạng, họ tìm thấy bản thân họ trong đó.

Tại nhiều chương trình biểu diễn ở các trường đại học, tôi thấy sinh viên rất hào hứng, rất mở lòng với dòng nhạc này. Những ca khúc cách mạng trữ tình thật sự là một di sản quý trong nền âm nhạc Việt Nam, luôn có sức mạnh truyền cảm hứng cho các thế hệ trẻ.

- Như vậy, việc làm mới dòng nhạc này là cần thiết chứ nhỉ, nhưng "mới" bao nhiêu là đủ, theo anh?

- Nếu muốn đưa ca khúc được sáng tác từ 50-60 năm trước đến gần công chúng hôm nay, nhất là người trẻ thì chúng ta luôn cần phải làm mới nó. Nhưng theo tôi, dù làm gì thì làm, vẫn phải luôn giữ cho được tinh thần, hồn cốt của bài hát, chứ biến một ca khúc của dòng nhạc này thành bản mới theo phong cách rock, rap thì chưa chắc đã được khán giả chấp nhận.

Tôi cho rằng, việc làm mới những ca khúc đã quá quen thuộc với nhiều thế hệ khán thính giả nên tựa vào các bản phối có tiết nhịp, mầu sắc trẻ trung hơn. Mọi sự "nêm nếm" cần hợp lý và giữ được tinh thần nguyên bản của tác phẩm.

Những ca khúc "nhạc đỏ" luôn gắn liền với lịch sử dân tộc, kể chuyện một thời hào hùng mà gian lao của đất nước. Tôi nghĩ rằng, để có thể thể hiện tốt các ca khúc của dòng nhạc này, ca sĩ phải hiểu về quá khứ cha ông, phải thấm được cội nguồn văn hóa dân tộc. Khi ấy, họ sẽ hát bằng cả tình yêu và trái tim mình dành cho quê hương. Nếu ca sĩ có một nền tảng tốt về văn hóa lịch sử, những gì họ làm mới sẽ hài hòa, là điểm cộng để ca khúc đi vào đời sống hôm nay.

- Gần đây trong đời sống âm nhạc xuất hiện một số tác giả trẻ sáng tác các ca khúc về chủ đề tình yêu quê hương đất nước, niềm tự hào dân tộc, chẳng hạn như "Lá cờ" của Tạ Quang Thắng hay "Việt Nam ngày mới" của Tạ Duy Tuấn. Anh nhận xét gì về những ca khúc này?

- Tôi có nghe và thấy hay, rất ủng hộ các bạn, nó trẻ trung đúng với tâm thế của tuổi hai mươi hôm nay. Về mặt âm nhạc, không thể gọi đó là các ca khúc "nhạc đỏ" nhưng lại là những ca khúc có thể đánh thức tình cảm lớn lao của người trẻ về trách nhiệm đối với nhân dân, Tổ quốc, đặc biệt có ý nghĩa khi mà đâu đó, chúng ta thấy có một bộ phận giới trẻ sống thiếu lý tưởng. Tôi nghĩ, những ca khúc như vậy cần được cộng đồng xã hội khuyến khích, quan tâm vì nó lan tỏa một nguồn năng lượng tích cực đến mọi người nghe.

- Trở lại với tour diễn xuyên Việt sắp tới của anh và chị Anh Thơ, các ca khúc thuộc dòng nhạc cách mạng và trữ tình dân gian sẽ được làm mới như thế nào?

- Nhạc sĩ Dương Cầm phụ trách toàn bộ phần âm nhạc của chương trình. Chúng tôi tin tưởng anh ấy có thể bảo đảm cho sự hợp lý trong cách làm mới các ca khúc dòng nhạc này: hướng đến sự sang trọng, đa màu sắc, chất liệu hòa âm hiện đại nhưng vẫn giữ được cái cốt tủy trong tinh thần của từng ca khúc. Chúng tôi không có ý định phô trương kỹ xảo mà tập trung vào giọng hát.

- Từng có quan niệm ca sĩ theo dòng nhạc cách mạng thì có thu nhập chẳng đáng là bao so các ca sĩ hát nhạc "thị trường", nhưng thực tế hình như không phải vậy. Trọng Tấn, Anh Thơ và nhiều ca sĩ theo dòng nhạc này đều sống tốt bằng nghề…

- Tôi nghĩ dòng nhạc nào cũng cần một sự chuyên tâm, lòng đam mê và tinh thần học hỏi. Mình cứ đắm đuối với nghề, không tính toán thì nghề sẽ nuôi mình, mọi thứ sẽ đến.

- Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!