Cú bật nhảy huy hoàng

Không có nụ cười tài tử của Leonardo Di Caprio hay cái nhướn mày thuần túy điện ảnh như Matthew McConaughey, Brendan Fraser nhìn chẳng hề giống một diễn viên chuẩn bị chinh phục tượng vàng Oscar, ở ngay lần đầu được đề cử. Anh hơi lạc lõng tại kinh đô điện ảnh Hollywood (California, Mỹ), nơi từng chôn vùi chính "một Fraser phiên bản khác", trẻ trung hơn, sung mãn hơn và quyến rũ hơn, ngay vào thời điểm phiên bản ấy vừa ngỡ như chạm vào đỉnh cao sự nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Cú bật nhảy huy hoàng

Chiến thắng của Fraser tại Lễ trao giải Oscar 2023, vì vậy, càng trở nên ngọt ngào.

Lao dốc và chạm đáy

Những khán giả từng đi qua thời điểm cuối những năm 1990, đầu những năm 2000, khi đĩa VCD và DVD dần thay thế băng VCR, khó có thể quên Brendan Fraser. Loạt phim "The Mummy" (tựa Việt: Xác ướp) với Fraser thủ vai Rick O’Connell là "bom tấn" nổi tiếng bậc nhất thế giới.

Hai phần phim vào năm 1999 và 2001 đưa tên tuổi Fraser lên hàng ngũ "nam thần" tại kinh đô điện ảnh Hollywood. Các cửa hàng luôn phải chuẩn bị nhiều đĩa phim "Xác ướp" hơn bình thường để phục vụ khán giả muốn theo dõi hành trình của chàng thợ săn cổ vật Rick O’Connell.

Song, đằng sau thành công ấy là vô vàn đau đớn. Tài tử này từng suýt chết nhiều lần trong quá trình quay "Xác ướp". Bạn diễn Rachel Weisz từng tiết lộ: Fraser đã ngừng thở trong một cảnh quay ngay đầu phần 1, và chỉ tỉnh lại sau khi được hồi sức tim phổi (CPR).

Fraser ra vào bệnh viện liên tục trong những năm này. Từ cột sống, đầu gối đến cổ họng, ở đâu anh cũng phải phẫu thuật để đáp ứng lịch trình quay khốc liệt. Chính điều này tàn phá sức khỏe Fraser, trực tiếp ngăn anh tham dự nhiều dự án phim khác tại Hollywood.

Bước ngoặt của cả cuộc đời tài tử này đến vào năm 2003, khi anh bị Phillip Berk - Chủ tịch Hiệp hội Báo chí nước ngoài ở Hollywood (HFPA) quấy rối tình dục tại một bữa tiệc. Fraser lập tức yêu cầu Berk xin lỗi, nhưng dĩ nhiên, ngài chủ tịch quyền lực của HFPA nói đấy chỉ là trò đùa. Fraser không vạch trần hành động này của Berk, bởi các vấn đề lạm dụng ngày đó tại Hollywood là một thứ "vùng xám". Anh im lặng, rơi vào trầm cảm và biến mất khỏi màn ảnh.

Fraser chỉ tiết lộ chuyện này vào năm 2018, khi các bê bối quấy rối và lạm dụng tại Hollywood bị vạch trần. Anh tin mình bị liệt vào "danh sách đen" tại Hollywood, sau khi không hưởng ứng hành vi của nhân vật quyền lực như Berk. "Tôi gần như không được mời tới các sự kiện của giải Quả cầu Vàng", Fraser thổ lộ.

Sự nghiệp lao dốc cùng tình trạng trầm cảm kéo dài còn khiến hôn nhân của Fraser sụp đổ. Năm 2007, anh chia tay cô vợ Afton Smith. Cuộc ly hôn này giáng thêm nhiều đau khổ vào Fraser, khi Smith đòi giữ nguyên khoản trợ cấp nuôi con lên mức 900.000 USD/năm, dù Fraser bị gạch tên khỏi nhiều dự án phim. Smith thậm chí còn lớn tiếng cáo buộc Fraser giấu tài sản trước tòa.

Sự nghiệp lẫn hạnh phúc gia đình đều chạm đáy, Fraser tăng cân không phanh. Hình ảnh nam thần trong "Xác ướp" ngày nào hoàn toàn biến mất. Thay vào đó là ông già ngoài 50 tuổi, bụng phệ, chỉ thỉnh thoảng xuất hiện trong các dự án phim độc lập kém tiếng. Xót xa, nhưng phần lớn giới mộ điệu cũng đành tin rằng Brendan Fraser thật sự đã hết thời.

Cú bật nhảy huy hoàng ảnh 1
Brendan Fraser của hiện tại đã vươn đến một tầm vóc cao lớn gấp bội, so với chính những phiên bản hào nhoáng của mình trong quá khứ.

Ngược dòng

Tượng vàng Oscar cho vai "Nam chính xuất sắc nhất" năm nay, vì thế, càng khiến tất cả giới mộ điệu ngỡ ngàng. Có một sự thật: Ngay ở đỉnh cao sự nghiệp, Fraser chưa bao giờ "bén mảng" nổi tới "vòng gửi xe" giải Oscar. Loạt phim "Xác ướp" trứ danh của anh, thật ra, chỉ được xem là phim hạng B đối với những chuyên gia phê bình điện ảnh khắt khe của Viện Hàn lâm. Diễn xuất của Fraser thu hút khán giả đại chúng, nhưng chẳng quá khó để tìm ra diễn viên làm được điều tương tự như thế ở Hollywood.

Kiểu diễn vui nhộn và khá cường điệu của anh ngày đó, từ "George of Jungle" đến "Xác ướp", có thể làm bật ra nụ cười từ những khán giả nhí đến người già. Nhưng để đạt được Oscar hay những bậc thang danh giá tương tự, anh còn phải làm được cho người ta rơi lệ, đấy mới là vấn đề.

Chính đạo diễn của "The Whale" - Darren Aronofsky - cũng thừa nhận "chưa từng xem trọn vẹn" bất kỳ phim nào của Fraser diễn trước kia. Aronofsky chọn tài tử "Xác ướp" chỉ từ việc xem trailer của một phim kinh phí thấp của Brazil, nơi Fraser đóng vai phụ. Đạo diễn này tiết lộ mất 10 năm ấp ủ dự án "The Whale", nhưng không thể bấm máy vì không biết tuyển diễn viên chính thế nào, cho đến khi thấy Fraser.

"Tôi thấy Fraser, và cứ như bóng đèn đột ngột sáng lên vậy", Aronofsky nói. Diễn xuất của Fraser trong "The Whale" gần như hoàn hảo. Anh đóng vai một thầy giáo béo phì (Charlie) không thể đứng dậy vì cân nặng lên tới 270 kg, chỉ còn một tuần để sống và đang cố gắng kết nối với cô con gái bị bỏ rơi từ năm tám tuổi.

Để vào vai diễn này, Fraser phải mặc lớp hóa trang nặng tới 136 kg. Bất chấp thử thách về mặt chịu đựng vật lý, nam diễn viên vẫn khiến khán giả bật khóc vì cảm xúc được thể hiện tuyệt vời. Vai diễn Charlie được Guardian nhận định "đo ni đóng giày" cho Fraser. Quá khứ trầm cảm cũng như trạng thái tăng cân phi mã của Fraser là chất liệu không thể tốt hơn để anh vào vai ông thầy giáo Charlie tội nghiệp.

Khi "The Whale" lần đầu công chiếu tại Liên hoan phim Venice vào giữa năm 2022, khán giả đã đứng dậy vỗ tay suốt sáu phút khi phim kết thúc để ca ngợi Fraser. "Nam thần" Hollywood một thời giờ đã quá mức ục ịch so với chính mình, nhưng vẫn cố gắng cúi gập người cảm ơn và bật khóc. Ít ai dám nghĩ đấy lại là khởi đầu cho sự trở lại có lẽ là bất ngờ nhất lịch sử điện ảnh.

Khi tên Brendan Fraser được cất lên trong danh sách đề cử giải "Nam chính xuất sắc nhất" tại Oscar, tài tử sinh năm 1968 chỉ nhoẻn miệng bẽn lẽn, trước những tràng vỗ tay của các đồng nghiệp.

Có lẽ chính anh cũng không nhận ra: Brendan Fraser "phiên bản hiện tại" đã không chỉ vượt qua mọi rào cản, từ tâm lý, thể chất đến "quyền lực đen tại Hollywood". Anh còn tự vươn lên và thực hiện một cú bật nhảy huy hoàng trong kỹ năng diễn xuất, thứ "vốn liếng" cơ bản nhất của một diễn viên.

Trong suốt 117 phút của "The Whale", nhân vật Charlie do Fraser thủ vai đã nói cụm từ "Tôi xin lỗi" (I’m sorry) 17 lần. Nhưng với bức tượng vàng này, Fraser đã chứng minh rằng anh xứng đáng với vinh quang, mà không cần xin lỗi bất kỳ ai.