Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn:

Còn nhiều trở lực cho điện ảnh Việt Nam

Giữa những tranh luận gần đây về chất lượng nghệ thuật của một số bộ phim có doanh thu chưa từng có trong lịch sử phát hành phim Việt Nam, chúng tôi có cuộc trò chuyện với đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn, người có lẽ không bỏ sót bất kỳ một bộ phim truyện chiếu rạp nào của Việt Nam trong nhiều năm qua. Từ góc nhìn của anh, điện ảnh nước nhà còn nhiều điều cần sự kiên nhẫn chờ đợi.
0:00 / 0:00
0:00
Còn nhiều trở lực cho điện ảnh Việt Nam

Dòng phim nào cũng có ý nghĩa xã hội

- Phim ra rạp luôn cần người xem và cần thu hồi lại chi phí cũng như có lợi nhuận. Nhưng lâu nay, vẫn có quan điểm chi phối dư luận rằng, phim mà thu bộn tiền là chiều theo thị hiếu khán giả phổ thông, là "phim thị trường"-mang hàm nghĩa tiêu cực. Trong khi đó, có những phim được giới chuyên môn và báo chí đánh giá cao về chất lượng nghệ thuật, thuộc dòng "phim nghệ thuật", lại khó thu hút khán giả. Từ góc độ của một người làm nghề, anh có thể bình luận gì về vấn đề này?

- Về bản chất, điện ảnh là một quang phổ với vô vàn sắc thái, mà dù đứng ở bất kỳ góc độ nào để quan sát thì vẫn thấy, nó luôn là một ngành nghệ thuật bị chi phối bởi các yếu tố kinh tế. Thực chất, hai khuynh hướng mà ta đang bàn tới chỉ là hai cách tiếp cận khác nhau của điện ảnh, hướng đến đối tượng khán giả khác nhau mà thôi.

Trước hết là khuynh hướng làm phim cho đại chúng. Để có càng nhiều người xem càng tốt, bộ phim thường có tính trần thuật cao, có câu chuyện hấp dẫn với mục đích giải trí. Dạng thức cao nhất của khuynh hướng này là các phim bom tấn Hollywood, như vũ trụ phim Marvel, như Avatar; ai cũng xem được, và có lẽ mọi người đều thích xem. Bên cạnh đó, một bộ phận khán giả có nhu cầu được thưởng thức điện ảnh ở những hình thái đặc biệt hơn, thách thức hơn trong ngôn ngữ thể hiện. Từ đó sinh ra những người làm phim theo đuổi việc tạo ra bộ phim tuy không dành cho đông đảo mọi người, nhưng chúng góp phần khai phá các biên giới sáng tạo mới của điện ảnh.

Giữa hai khuynh hướng này, chẳng có cái nào cao cấp hơn cái nào. Người thường xuyên xem các liên hoan phim quốc tế sẽ gặp rất nhiều "phim nghệ thuật" ngây ngô. Ngược lại, có rất nhiều phim đại chúng trở thành những tác phẩm kinh điển. Mỗi khuynh hướng đều có ý nghĩa riêng, chỗ đứng riêng. Chỉ cần bộ phim được làm đến nơi đến chốn là xứng đáng để chúng ta trân trọng.

- Nhận xét của anh về sự "đến nơi đến chốn" trong cách làm những bộ phim thuộc dòng đại chúng ở nước ta, nhất là những phim đạt doanh thu lớn như thời gian vừa qua?

- Theo tôi, những phim đạt doanh thu cao đều là phim đại chúng được làm đến nơi đến chốn. Vì việc thu hút khán giả đến rạp xem phim không phải chỉ trông chờ vào công tác truyền thông hay tên tuổi ngôi sao. Những yếu tố đó chỉ là thứ yếu. 90% thành công của một bộ phim được quyết định bởi nội lực của bộ phim đó. Sự hào nhoáng có thể lôi kéo được hàng nghìn khán giả, nhưng để làm cho hàng triệu con người bỏ tiền ra mua vé thì bắt buộc phải có được hiệu ứng truyền miệng tích cực do bản thân bộ phim đã thuyết phục được họ.

Uy quyền của hiệu ứng truyền miệng là rất lớn. Thí dụ như một bộ phim tuy kịch bản chỉ ở mức khá nhưng nếu ngôi sao hay người làm phim được công chúng yêu mến, thì khán giả có thể bỏ qua yếu tố kịch bản mà nhấn mạnh vào phần tích cực của phim; chẳng hạn, họ sẽ nói: "Kịch bản cũng tàm tạm thôi nhưng xem được, đánh đấm hay, cảnh quay đẹp!". Ngược lại, vẫn phim đó nhưng ngôi sao đang gặp trục trặc về quan hệ công chúng, thì người xem xong có khi sẽ bình luận với người đang muốn đi xem: "Ôi giời, phim đó chỉ được mỗi cái đánh đấm, chọn phim Hollywood mà xem…".

- Anh nhắc đến Hollywood khiến tôi liên tưởng việc xuất khẩu điện ảnh của Việt Nam. Một số phim có sự tham gia hợp tác của nước ngoài như Hàn Quốc chẳng hạn thì việc phát hành phim ở đó là đương nhiên. Nhưng với những phim được thực hiện hoàn toàn bởi ekip trong nước mà để xuất khẩu thì vấn đề lớn nhất đã và đang phải đối diện có thể là gì?

- Việc xuất khẩu phim là việc bình thường thôi vì nó không có rào cản kỹ thuật nào cả. Bên cạnh đó, giá chào bán của phim Việt Nam thường không cao nên các đối tác quốc tế cũng dễ cân nhắc. Vậy nên, có khá nhiều phim Việt Nam đã trình làng tại các rạp chiếu nước bạn. Tuy nhiên, điểm chung là doanh thu ở nước ngoài của các bộ phim ấy hầu như là không đáng kể. Và đây mới là câu chuyện chúng ta cần quan tâm.

- Là vì phim chưa hay, chưa có ngôn ngữ điện ảnh tương thích với nhu cầu, mong muốn của khán giả quốc tế, thưa anh?

- Điều đầu tiên phải nói đến là sức mạnh mềm văn hóa của chúng ta còn rất yếu. Ngay cả điện ảnh Hàn Quốc, với một nền kinh tế phát triển, một chiến lược quốc gia đặc biệt chú trọng xuất khẩu văn hóa, mà cũng phải mất 20 năm mới trở nên quen thuộc với công chúng quốc tế. Ở phương diện này, Việt Nam vẫn đang chỉ ở vạch xuất phát.

Yếu tố con người của Việt Nam cũng đáng nói. Nhân lực trong ngành điện ảnh chia ra làm hai khối: "above-the-line" (nhà sản xuất, đạo diễn, biên kịch, diễn viên) và "below-the-line" (nhóm nhân lực chuyên môn kỹ thuật). Hiện nay, chất lượng nhân lực của khối "below-the-line" rất tốt; họ lành nghề, tiệm cận trình độ quốc tế. Tiếc thay, những người có vai trò quyết định đến chất lượng các bộ phim lại thuộc khối "above-the-line", có năng lực và trình độ còn nhiều hạn chế, đặc biệt là các nhà sản xuất. Người làm sáng tạo phải được bồi đắp nền tảng thẩm mỹ từ thuở thiếu thời. Nhưng hoàn cảnh lịch sử đã ngăn cản thế hệ làm phim sung sức hiện nay tiếp cận sớm với điện ảnh; phải đến tận những năm 2000, khi thế hệ này đã ngoài 20-30 tuổi. Có lẽ chúng ta phải kiên nhẫn chờ tới khi thế hệ sinh ra sau năm 2000- 2010 trưởng thành. Họ lớn lên cùng với internet, được tiếp xúc với nền văn hóa đa dạng của thế giới từ rất sớm. Những tích lũy đó kết hợp với sự phát triển kinh tế và điều kiện hạ tầng làm phim khiến tôi tin rằng, họ sẽ đủ sức vươn ra thế giới.

Còn nhiều trở lực cho điện ảnh Việt Nam ảnh 1
Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn (sinh năm 1984) được chú ý ngay từ bộ

phim điện ảnh đầu tay Dành cho tháng Sáu (năm 2012). Sau bộ phim Mặt trời, con ở

đâu? (năm 2018), anh dành nhiều hơn thời gian để nghiên cứu điện ảnh trong và

ngoài nước với một chương trình học tập tại Trường Điện ảnh châu Á Busan (Busan

Asian Film School) năm 2019. Đầu năm 2020, bản Báo cáo ngành công nghiệp điện

ảnh Việt Nam 2018-2019 mà anh soạn thảo và công bố đã được giới làm điện ảnh và

văn hóa đánh giá cao. Hiện tại, anh tập trung vào một số dự án phim độc lập với

hy vọng sẽ bấm máy sớm trong năm 2023.

"Nước lên, thuyền lên"

- Ngược trở lại hơn 10 năm trước, khi làm bộ phim đầu tay mà anh vừa là biên kịch, đạo diễn, nhà sản xuất, trở lực lớn nhất đối với anh thời điểm đó là gì?

- Thứ nhất là kinh phí, tôi không có đủ tiền để đầu tư theo ý muốn. Thứ hai là thị trường điện ảnh lúc đó cũng mới chỉ manh nha hình thành, quy mô rất nhỏ. Thứ ba là cơ sở vật chất kỹ thuật cho làm phim giai đoạn đó cũng chưa lý tưởng, còn thiếu và yếu lắm. Hiện nay, hai yếu tố sau đã được cải thiện nhiều rồi nhưng yếu tố đầu tiên vẫn luôn nan giải.

- Thưa anh, việc ban hành Luật Điện ảnh (sửa đổi) trong đó chính thức cho ra đời mô hình Quỹ Điện ảnh đưa lại hy vọng gì cho những người thiên về chọn hướng làm phim độc lập, phim "không dành cho tất cả mọi người" và cho cả nền công nghiệp điện ảnh nước ta trong tương lai gần?

- Mô hình của Quỹ vẫn chưa rõ nét nên tôi cũng chưa hình dung được Quỹ sẽ vận hành như thế nào. Thực tế lâu nay, hầu hết nếu không muốn nói là tất cả các phim không theo khuynh hướng đại chúng của Việt Nam đều đi gọi vốn từ các nguồn nước ngoài. Đây cũng là điều bình thường trong ngành điện ảnh toàn cầu, nhưng tôi tin là người làm phim Việt Nam sẽ thấy ấm lòng hơn khi có sự hỗ trợ từ chính đất nước mình. Và, nếu như một dự án phim của Việt Nam đã được Quỹ Điện ảnh quốc gia của Việt Nam tài trợ một phần thì hồ sơ dự án sẽ có thêm sức nặng, việc gọi vốn quốc tế của họ sẽ có thêm lợi thế.

- Trân trọng cảm ơn anh!