Chết người vì một hạt nhãn
Hồi giữa tháng 3, một ca tai nạn thương tâm đã xảy ra tại Hà Nội. Một bé trai hai tuổi đã bị hóc hạt nhãn đến mức ngừng thở. Bé được gia đình chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cấp cứu trong tình trạng tím tái, ngưng thở toàn thân, phải thở máy. Kết quả thăm khám cho thấy hạt nhãn bị mắc trong họng đã bịt kín toàn bộ thanh quản. Dù đã gắp được dị vật, được đặt nội khí quản nhưng vì bé bị ngừng thở, ngừng tim quá lâu nên không thể qua khỏi sau ba ngày nằm viện.
BS Hoàng Đình Ngọc, Phó Giám đốc BV Tai mũi họng Trung ương cho biết, năm nào cũng vậy, cứ vào đầu hè, số ca hóc dị vật là các loại hạt trái cây lại tăng lên. Không chỉ có dị vật là hạt trái cây mà còn nhiều dị vật tiềm ẩn khác như các loại hạt như hướng dương, lạc, các vật trang trí, trang sức nhỏ và đặc biệt là thạch.
Khoa Nhi (BV Bạch Mai) từng tiếp nhận bệnh nhi 16 tháng tuổi (Đống Đa, Hà Nội) bị hóc hạt hướng dương trong tình trạng bị xẹp phổi, khiến bé tím tái, suy hô hấp. Còn tại BV Tai mũi họng Trung ương từng tiếp nhận bệnh nhân bị hóc dị vật là đồ trang trí, trang sức. Riêng với hóc thạch, tỷ lệ tử vong rất cao.
Theo PGS, TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai), hóc bất cứ dị vật nào cũng nguy hiểm bởi dị vật chắn vào đường thở của bé, khiến bé nhanh chóng khó thở, suy hô hấp, nhưng hóc thạch nguy hiểm hơn bội lần. “Bởi thạch vốn mềm nên khi trôi xuống đường thở, nó rất dễ “thay đổi hình dáng”, ôm khít lấy đường thở có thể khiến bệnh nhân tử vong ngay lập tức”, TS Dũng nói.
Cẩn trọng với dị vật bỏ quên
BS Ngọc cho biết, với những trường hợp hóc, bé nhanh chóng suy hô hấp gia đình còn phát hiện và đưa đến viện. Nhưng thực tế, có nhiều trẻ cũng bị hóc dị vật, nhưng ở dạng “hội chứng xâm nhập thoáng qua” nên dễ bị bỏ qua. Biểu hiện khi vừa bị hóc, trẻ khó thở, tím tái, hốt hoảng, khóc thét nhưng sau đó dị vật trôi xuống khí quản, phế quản thì giảm hoặc hết triệu chứng nên nhiều người nhầm tưởng dị vật đã trôi xuống.
Thực tế, nhiều trẻ bị khó thở, ho dai dẳng sau đó do dị vật vẫn nằm trong thực quản, đường thở ép vào thanh quản, khí quản. Vì thế, sau cơn ho sặc sụa của trẻ, dù trẻ đỡ triệu chứng, trở lại bình thường thì cha mẹ cũng cần quan sát, theo dõi, nếu vẫn thấy trẻ húng hắng ho, khò khè thì nên đưa trẻ tới viện.
Để giảm nguy cơ hóc dị vật ở trẻ, cha mẹ không nên cho con chơi những đồ chơi nhỏ, dễ vỡ. Luôn để mắt tới trẻ, không để trẻ cho đồ chơi, đồ trang sức vào miệng. Khi mua đồ chơi cho bé, cần chú ý không chọn những đồ có chi tiết nhỏ, có thể tháo rời mà mua theo hình khối lớn, khó vỡ.
Trong trường hợp trẻ đang ăn bỗng dưng tím tái, ngưng thở, cần nhanh chóng sơ cứu bằng cách dốc ngược đầu trẻ xuống đất và dùng tay vỗ mạnh vào lưng để dị vật qua khỏi thanh môn, trẻ sẽ dễ thở hơn, sau đó đưa trẻ đến BV gần nhất để được xử trí.
Theo TS Dũng, hóc dị vật là tai nạn bất ngờ, có thể xảy ra bất cứ lúc nào nên người lớn luôn phải chú ý tới trẻ. Tuyệt đối không cho trẻ chơi các đồ chơi có thể nhét vừa vào miệng. Khi cho trẻ ăn uống, cần bỏ hạt. Với những trái cây trơn, tròn như vải, nhãn không chỉ bỏ hạt, cần tách nhỏ trước khi cho trẻ ăn. Cũng cần lưu ý, trẻ rất hay vừa ăn vừa chạy nhảy rất dễ bị hóc. Vì thế, hãy tập cho trẻ thói quen khi ăn không cười đùa, chạy nhảy. Nhất là ở nhiều trẻ nhỏ lười ăn, bố mẹ hay pha trò, trẻ cũng rất dễ bị sặc, rất nguy hiểm.