"Nếu không thể thay đổi được sa mạc ta có thể làm xương rồng” - đó là điều cô gái Nguyễn Thị Ngọc Tâm hay nói với những thế hệ học sinh của cô trong những tình huống khó khăn cần vượt qua. Cô đã thực hành đúng như thế trong suốt hành trình sống luôn nỗ lực vượt lên hoàn cảnh của mình.
32 tuổi nhưng số lần gãy xương không nhớ, không đếm được. Ngày dạy học đêm ngủ ngồi. Nhưng khi được hỏi có bao giờ nghĩ đến chuyện lớp học dừng hoạt động không, Ngọc Tâm nói không chút đắn đo: “Chỉ cần trái tim còn đập, Tâm còn thở thì lớp học vẫn tiếp tục”.
Mạnh mẽ, lạc quan, gương mặt sáng với khuôn miệng luôn cười, Ngọc Tâm tạo cho người khác thói quen nghĩ tích cực sống hướng thiện, mọi lúc, mọi nơi. “Bác sĩ bảo tôi chỉ sống được đến năm 30 tuổi, vậy mà giờ tôi đã 32 tuổi rồi” - ngay đến cả sự sống, cái chết của bản thân, Tâm còn “buôn” ráo hoảnh, như một phần tất yếu của cuộc sống vậy. “Tôi luôn suy nghĩ tích cực, từ đó sẽ có những hành động tích cực. Từ hành động tích cực sẽ trở thành thói quen và luôn sống tích cực” - đã là triết lý thì có bao giờ sai, nhưng làm được mới là khó - Ngọc Tâm thì luôn như thế!
Nhìn lại tuổi thơ của mình, ký ức sống ở viện chiếm nhiều “kho nhớ” nhất! Cô ấm ức: các bạn thì được đến trường còn mình chỉ đến bệnh viện. 8 tuổi, Tâm bày tỏ khát khao cháy bỏng được đến trường, bố mẹ thương con quá, bàn nhau bán nhà riêng ở thành phố, về sống chung với ông bà ngoại để bố mẹ cô đi làm thì còn nhờ cậy ông bà tiện bề chăm sóc, đưa đón cháu gái đến trường. “Ông ngoại tôi thương cháu nên nói: Ông sẽ cố sống để đưa cháu đi học cho biết chữ”. Vậy là hằng ngày, cả hai ông bà và mẹ thay nhau bế Tâm đến trường. “Đến bây giờ đi đâu mẹ cũng vẫn bế tôi vì tôi chỉ nặng có 15 kg”, chị hồn nhiên như đang nói về ai đó chứ không phải mình! Cuộc đời là hành trình cố gắng không ngừng, cô gái Nguyễn Thị Ngọc Tâm đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp ngành, đoàn thể. Thời gian qua, cả nước căng thẳng với dịch bệnh, Nguyễn Thị Ngọc Tâm vẫn miệt mài bền bỉ làm việc thiện, chị được chọn là một trong 10 gương mặt được nhận Giải thưởng Tình nguyện Quốc gia 2020 do Trung ương Đoàn trao tặng.
Nỗ lực cố gắng học lên đến lớp 9, ốm đau liên miên, sức khỏe ngày càng kém đi, phần vì trường cấp ba quá xa, Ngọc Tâm đành dừng việc đến trường. “Do từ bé đã phải dùng quá nhiều loại thuốc, đến nay tôi bị đủ thứ bệnh. Do cơ thể không bình thường, nên khi ngủ tôi cũng không nằm được mà chỉ ngủ ở tư thế ngồi hoặc úp mặt xuống giường”. Ai cũng lấy làm ngạc nhiên khi nghe Ngọc Tâm kể về tình trạng sức khỏe tồi tệ của mình với một giọng thản nhiên đến vậy. Với một người nhiều thiệt thòi như thế, sống được đã là khó khăn, ấy thế nhưng chị luôn lạc quan với suy nghĩ, rằng khó khăn chỉ là thử thách. “Mình phải vượt qua chính mình thì mới sống có ích cho đời. Không quan trọng mình sống bao lâu, mà quan trọng mình sống sâu và ý nghĩa như thế nào” - slogan của Tâm trong mọi tình huống cuộc sống.
Chủ động ra quyết định dừng đến lớp, Tâm vẫn ít nhiều bị sốc. Cô loay hoay tìm tòi sách vở để tự đọc, tự học thêm tại nhà. 14 tuổi, mùa khai giảng đầu tiên nghỉ học, cô mở lớp dạy thêm cho trẻ từ mầm non đến hết chương trình tiểu học. Năm 2004, căn phòng vỏn vẹn 10 m2 của Tâm được chuyển đổi công năng thành lớp học, Tâm vẫn tự gọi đó là lớp 5 không: không bảng, không phấn, không bục giảng, không giáo án, không học phí. “Cô giáo” nhỏ xíu ngồi lọt thỏm trên xe lăn, học sinh đủ mọi lứa tuổi được chỉ dạy bất cứ điều gì còn chưa hiểu. Cách xưng hô ở đây cũng chẳng giống nơi nào. Cô Tâm chẳng bao giờ nói to. Vậy mà vào lớp với cô Tâm, những em bé nghịch đến mấy cũng trở nên đằm lại. Phụ huynh đến gửi con cho Tâm đùa: không biết cô có võ gì!
Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn do thu nhập chỉ từ nghề nông và chút lương hưu ít ỏi của bố, nhưng suốt 17 năm dạy học, chị chưa từng thu một đồng học phí nào của học trò. “Có gia đình gửi tiền điện, nước thì tôi lại dùng tiền đó gây Quỹ học bổng Ngọc Tâm Thủy Tinh để tặng các em có thành tích học tập tốt và những học sinh nghèo hiếu học”, chị Tâm cho biết. Bắt đầu từ Không gian đọc Ngọc Tâm Thủy Tinh ra đời năm 2017 với hơn 1.500 đầu sách, do chị tự tích lũy và quyên góp được, để học sinh có nơi tìm hiểu kiến thức ngoài nhà trường.
Trần Thị Hằng, 26 tuổi, là lứa học sinh đầu tiên của chị Tâm. Sau khi tốt nghiệp đại học Hằng được nhận vào làm tại một trung tâm Anh ngữ ở Hà Nội. Em được chị Tâm dạy kèm từ năm lớp 3 đến hết lớp 8 tất cả các môn. Cách chị truyền đạt giản dị mà dễ hiểu, dễ nhớ. Có lẽ cũng một phần vì chị chẳng bao giờ to tiếng quát nạt. Có chị kèm cặp, em học tốt lên mỗi ngày. Ngày đó, em quý chị Tâm lắm, buồn vui gì cũng kể với chị. Lên Hà Nội học tập rồi sinh sống, chị vẫn ở nhà cũ, chia tay lứa học sinh này lại đón lứa học sinh khác. Nghĩ về chị lúc nào cũng thấy yêu thương ấm áp. Chị em xa nhau đã lâu, nhưng mỗi ngày Hằng vẫn thường vào trang Facebook của chị Tâm, biết rằng cô vẫn khỏe, thế là yên lòng. Những vần thơ tự răn sửa, yêu thương mình mỗi ngày, nhẹ nhõm lắm: Em nhớ mạnh mẽ nhé/Niềm vui ở quanh ta/Nụ cười vẫn luôn hé/khó khăn nào cũng qua; Mỗi sớm mai thức dậy/nở nụ cười thật xinh/đời buồn đau sướng khổ/do suy nghĩ của mình; Em sinh vào ngày nắng/Mẹ dạy em rất nhiều/cuộc đời không bình lặng/con hãy sống và yêu; Hãy mỉm cười đón bình minh/Tự tin sống hết mình em nhé/cuộc đời là do em tự vẽ/thắm màu hồng và đẹp đẽ từ tâm...
Tâm đã và luôn là hiện thân của tinh thần vượt lên hoàn cảnh. Sống như những đóa hoa!