Sống đẹp

Chuyện về một người Mỹ thầm lặng yêu Việt Nam

Michael Dineen (ảnh dưới) là nhà văn Mỹ đã dành nhiều năm nghiên cứu về cuộc chiến tranh Mỹ tại Việt Nam và cuộc đời những người lính ở hai bên chiến tuyến. Dù chưa từng đến nhưng ông luôn cảm thấy yêu mến đất nước, con người Việt Nam và mong muốn làm điều gì đó tốt đẹp cho đất nước này.
0:00 / 0:00
0:00
Chuyện về một người Mỹ thầm lặng yêu Việt Nam

Đam mê tìm hiểu lịch sử chiến tranh

Michael Dineen (Mike) sinh năm 1968, sống tại Huntington, Long Island, New York, Mỹ. Năm 2018, ông xuất bản tiểu thuyết Suburban Gangsters (Xã hội đen vùng ngoại ô) viết về đề tài nóng của xã hội là tội phạm ma túy trong giới trẻ và hậu quả khủng khiếp của nó đối với gia đình, xã hội.

Hồi nhỏ, gia đình Mike thường ngồi vào bàn ăn tối khi chiếc tivi nhỏ phát bản tin thời sự. Bố Mike rất quan tâm tin tức về chiến sự vì ông từng tham gia quân đội. Ông ngoại Mike cũng từng là lính hải quân tham gia Thế chiến thứ hai trước khi trở thành luật sư.

Cậu bé Mike cùng xem và bị cuốn hút bởi những tin tức về cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Người hàng xóm của Mike, ông Billy Williams là một cựu quân nhân bị thương tật mất hai chân và bỏng hơn 50% cơ thể khi tham chiến. Đó là những cảm nhận đầu tiên về sự tàn bạo của chiến tranh mà Mike biết được.

Chuyện về một người Mỹ thầm lặng yêu Việt Nam ảnh 1

Một số cuốn sách về Việt Nam mà Michael Dineen rất yêu thích.

Theo năm tháng, niềm đam mê tìm hiểu về Việt Nam cũng lớn dần lên. Mike đã đọc hàng trăm cuốn sách, hàng nghìn tài liệu, xem rất nhiều phim về lịch sử chiến tranh Việt Nam. Chính Mike cũng không thể lý giải nổi một đất nước nhỏ bé, xa xôi, chưa từng đến, lại có sức hút kỳ lạ đến vậy. Mike đã chia sẻ những hiểu biết về Việt Nam với mẹ mình, bà Eileen Diggins cũng tin rằng niềm đam mê đó sẽ giúp con thay đổi cuộc đời.

Sau khi rời quân ngũ, ông Michael Dineen Sr, bố của Mike trở thành cảnh sát cứu hỏa của Sở Cứu hỏa New York. Ngày 11/9/2001, Trung tâm thương mại thế giới tại New York bị tấn công. Dù đã nghỉ hưu nhưng Michael tức tốc đến hiện trường tham gia cứu nạn. Ông tình nguyện ở lại vùng đất số 0 trong nhiều ngày để tìm kiếm những người sống sót.

Rất nhiều đồng đội của ông đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Nhiều ngày sau vẫn có những cảnh sát cứu hỏa chết vì ngộ độc khói. Và đó cũng là nguyên nhân khiến Michael mắc bệnh ung thư.

Trải qua bốn năm điều trị với nhiều đợt dùng hóa chất và xạ trị đã khiến Michael bị mất trí nhớ. Hơn ba năm qua, Mike một mình chăm sóc bố, mỗi đêm chỉ ngủ được ba đến bốn tiếng. Chính những đêm dài không ngủ là khoảng thời gian Mike hướng về đất nước Việt Nam. Ông kết bạn, giao lưu với nhiều người Việt Nam qua các trang mạng xã hội và cảm thấy mình đang có một mối quan hệ thật đặc biệt với đất nước này.

“Việt Nam đã thay đổi cuộc đời tôi!”

Vào thập niên 1990, chàng thanh niên nông nổi Michael Dineen đã mắc những sai lầm nghiêm trọng khiến anh phải nhập viện. Biết con trai đam mê tìm hiểu Việt Nam, bà Eileen Diggins đã mang vào viện cho con những cuốn sách về Việt Nam. Một trong số đó là cuốn “We Were Soldiers Once... and Young” (Đã một thời chúng tôi là những người lính và... trẻ trung) của nhà báo Joseph L. Galloway và Trung tướng Hal Moore.

Cuốn sách miêu tả diễn biến trận Ia Đrăng, trận đánh mở đầu chiến dịch Plei Me làm chấn động nước Mỹ, cùng lời ghi chú: “Trận đánh đã làm thay đổi cuộc chiến tranh ở Việt Nam”.

Trong trận này, Hal Moore là trung tá trực tiếp chỉ huy một tiểu đoàn thuộc Sư đoàn kỵ binh số 1 Hoa Kỳ đổ bộ xuống thung lũng Ia Đrăng chiến đấu với Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 66 Quân đội nhân dân Việt Nam do Thượng tá Nguyễn Hữu An chỉ huy.

Nhiều năm sau thất bại cay đắng này, Trung tướng Hal Moore và các tướng lĩnh của Mỹ đã dành nhiều lời ca ngợi Thượng tướng Nguyễn Hữu An và những người lính của ông về tinh thần chiến đấu dũng cảm, cách đánh mưu trí, sáng tạo.

Câu chuyện thu hút đến mức Mike quên hết những gì tồi tệ vừa xảy ra với mình mà chỉ nghĩ về những người lính Việt Nam dũng cảm. “Tôi thật sự kinh ngạc khi đọc những lời ngợi ca đầy sự kính trọng những người lính Việt Nam của nhà báo Joseph và Tướng Hal Moore - người trực tiếp chỉ huy chiến đấu chống lại họ ở thung lũng Ia Đrăng”, Mike nói.

Cuốn sách đã tạo ra “cơn khát” tìm hiểu về Việt Nam trong tâm trí Mike. Những năm sau đó, Mike đã tìm rất nhiều sách, báo, tài liệu về Việt Nam và thường xuyên trao đổi thư từ với nhà báo Joseph L. Galloway để học hỏi những kinh nghiệm từ ông.

Khi đọc “Kontum diary” (Nhật ký Kon Tum) của Paul Reed, Mike đã rất xúc động trước tình bạn đẹp đẽ giữa hai người lính ở hai bên chiến tuyến mà khởi nguồn là sự trở về của cuốn nhật ký chiến trường tưởng chừng bị lãng quên. Khi cựu binh Mỹ Paul Reed trở lại Việt Nam tìm gặp và trao trả cuốn nhật ký cho ông Phạm Văn Nghĩa ở Thái Bình cũng là lúc vết thương chiến tranh được chữa lành.

Sau lần gặp đó, Paul đã tạo mọi điều kiện để ông Nghĩa sang Mỹ chữa trị đôi mắt bị thương trong chiến tranh. “Cuộc chiến đã đẩy những người lính ở hai bên chiến tuyến đối đầu nhau, tìm diệt nhau, nhưng khi chiến tranh kết thúc, họ trở thành những người bạn tuyệt vời. Tôi thực sự hạnh phúc khi thấy điều này”, Mike chia sẻ.

Năm 2007, cuốn sách “Last Night I Dreamed of Peace” (Đêm qua tôi mơ thấy hòa bình) được ấn hành tại Mỹ. Ngay sau đó, Mike đã tìm đọc say sưa. Những dòng nhật ký thấm đẫm tình yêu cuộc sống, thiên nhiên, con người của bác sĩ Đặng Thùy Trâm được viết trong chiến hào, trong hầm trú bom, trong phòng bệnh, viết trong cơn đói, viết giữa cô đơn, giữa những nỗi đau, đã chạm đến trái tim Mike.

“Tôi đã khóc rất nhiều khi đọc những dòng nhật ký đó - Mike nói. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cô ấy vẫn kiên cường sống với lý tưởng của mình và không ngừng khát khao, tin tưởng về một cuộc sống tươi đẹp trong hòa bình”.

Khi đọc tiểu thuyết “The Sorrow of War” (Nỗi buồn chiến tranh) của Bảo Ninh, Mike đã bị “sốc”.

Ký ức về những trận đánh kinh hoàng với kỵ binh không quân Mỹ ở Tây Nguyên, về cuộc sống gian khổ, về nỗi nhớ gia đình của người lính, khiến Mike chìm sâu trong nỗi buồn ám ảnh.

Nhất là khi tác giả viết về những người lính tử trận biến thành hồn ma lang thang trong “khu rừng của những linh hồn gào thét”, những sang chấn tâm lý kéo dài của người lính sống sót trở về.

Mike đồng cảm sâu sắc với những người lính ở cả hai phía vì họ đều phải đối mặt với cái chết và những nỗi đau - “Mỗi dòng của cuốn sách chất chứa vẻ đẹp đầy ám ảnh bằng thứ ngôn ngữ thi ca tráng lệ. Tôi tự nhủ không bao giờ mình viết được cái gì đẹp như Bảo Ninh đã làm trong “Nỗi buồn chiến tranh”, Mike chia sẻ.

Chính “Nỗi buồn chiến tranh” đã thôi thúc Mike tìm hiểu sâu hơn về cuộc đời lính chiến. Ông kết bạn với rất nhiều cựu chiến binh ở cả hai phía để lắng nghe, chia sẻ những câu chuyện, những trải nghiệm, những khó khăn của riêng họ. “Càng tìm hiểu về lịch sử chiến tranh Việt Nam, tôi càng ngưỡng mộ và kính trọng những người lính Việt Nam. Sức mạnh tinh thần, sự kiên cường và ý chí không chịu khuất phục của họ là điều mà tôi rất nể phục”.

Cựu chiến binh, Trung tá Đặng Hà Thụy là người đã để lại ấn tượng sâu sắc với Mike khi ông đã gần 80 tuổi nhưng vẫn dồn tâm sức cho việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Ông chủ động liên lạc với những “cựu thù”, đề nghị họ giúp đỡ tìm kiếm các vị trí chôn cất đồng đội.

Từ những chỉ dẫn của các cựu binh Mỹ qua sự kết nối của Trung tá Đặng Hà Thụy, đầu năm 2022, cơ quan chức năng đã tìm được ngôi mộ tập thể của khoảng 60 liệt sĩ hy sinh trong trận đánh tại đồi Xuân Sơn, xã Ân Hữu, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định.

“Khi tôi đọc và xem những bức ảnh kể về cuộc gặp gỡ các cựu binh Mỹ trở lại Xuân Sơn giúp cựu thù tìm hài cốt liệt sĩ, tôi đã khóc. Đó không phải những giọt nước mắt của nỗi buồn, mà là những giọt nước mắt của niềm vui khi những người từng là kẻ thù có thể đến với nhau, gác lại quá khứ và trở thành những người bạn thân thiết”.

Với tình yêu và sự kính trọng nhân dân Việt Nam, Mike mong muốn được đóng góp, giúp đỡ những nạn nhân chiến tranh để cùng nhau xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn. Ông cũng nỗ lực truyền đi thông điệp về một Việt Nam hòa bình, hữu nghị, góp phần xây dựng những cầu nối mới giữa hai quốc gia, dân tộc và hai nền văn hóa.

“Tôi vẫn luôn hy vọng một ngày nào đó, tôi sẽ được đặt chân tới Việt Nam và khám phá những điều tuyệt vời mà đất nước này mang lại. Tôi muốn dành một phần lợi nhuận từ cuốn sách của mình để ủng hộ các cựu chiến binh Việt Nam và những người dân bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam trong chiến tranh”, Mike nói.