Chuyện từ căn bếp "rối tinh rối mù" của tôi

Mở quán Phở Việt Nam ở nước ngoài có lẽ đã trở thành mô hình khởi nghiệp phổ biến nhất trong khoảng chục năm trở lại đây. Với tôi và ông xã, những người lớn lên ở nước ngoài, đi ăn quán phở Việt hay ăn phở mẹ nấu mỗi dịp cuối tuần vốn là một điều gì đó rất đỗi bình thường. Song, từ chính điều bình thường ấy, chúng tôi lựa chọn một ngã rẽ đáng nhớ.
0:00 / 0:00
0:00
Tác giả chụp lưu niệm cùng những vị khách yêu quý hương vị Phở của Doctor Phở.
Tác giả chụp lưu niệm cùng những vị khách yêu quý hương vị Phở của Doctor Phở.

Ở thời điểm qua Nhật Bản tìm hiểu trước khi quyết định có chuyển đến đây lập nghiệp hay không, ý tưởng về việc mở một quán phở đầu tiên tại thành phố Tsukuba, nơi tập trung các viện nghiên cứu hàng đầu của đất nước này, đã bắt đầu len lỏi trong tâm trí chúng tôi - "hai tay đầu bếp siêu nghiệp dư".

Tháng 3/2018, chúng tôi chính thức định cư tại Nhật Bản và chỉ ba tháng sau, tiệm phở đầu tiên mang tên Doctor Phở được ra đời.

Chuyện từ căn bếp "rối tinh rối mù" của tôi ảnh 1
Khách xếp hàng trước tiệm phở của vợ chồng chị Ngọc. Ảnh: NVCC

Cảm giác lần đầu nấu nồi phở to đùng trong khi bên ngoài, khách xếp hàng dài chờ đợi, là vô cùng khó tả, với tất cả những hồi hộp, lo lắng, cuống quýt, tự hào… quyện lấy nhau. Mọi thứ trong bếp rối tung. Tháng 6, trời Tsukuba bắt đầu nóng, mồ hôi lấm tấm khắp trán, nhưng tôi vẫn luôn nhớ cách hai đứa nhìn nhau, cười rất nhiều, cười thật tươi. Hình như, phải có đến nửa Viện Nghiên cứu khoa học vật liệu quốc gia, nơi chồng tôi làm việc đã tới dự khai trương ủng hộ hai vợ chồng. Hai đứa luôn cảm thấy may mắn và biết ơn rất nhiều bạn bè đã giúp đỡ chúng tôi trong những ngày đầu khó khăn cũng như cực kỳ "liều lĩnh".

Cảm giác đứng trong cái bếp ngổn ngang và có phần hỗn loạn ấy như vẫn chỉ vừa diễn ra ngày hôm qua. Hôm nay, hai vợ chồng đã có đến bốn cái bếp "rối tinh rối mù" như thế. Chúng tôi đã tiến tới mô hình chuỗi nhà hàng Việt, với các món ăn đặc trưng truyền thống Việt Nam mà linh hồn của thực đơn vẫn luôn là tô phở bò. Tất cả nguyên liệu đều được chế biến tại bếp trung tâm và chuyển tới các cửa hàng theo ngày để bảo đảm nước phở thơm ngon đúng vị tại tất cả các quán.

Nhưng, cũng khó tin, trong tất cả các nhà hàng ấy, không có một ai là đầu bếp chuyên nghiệp. Nguyên nhân chính là bởi chúng tôi cần phải tiết kiệm chi phí dành cho đầu bếp (vốn rất cao ở nước ngoài) cũng như tránh phụ thuộc vào một vài cá nhân đơn lẻ. Do đó, chúng tôi luôn cố gắng hệ thống lại tất cả mọi quy trình nấu ăn, chế biến, để bất cứ nhân viên nào cũng đều có thể thực hiện dễ dàng.

Bốn năm qua, kể từ ngã rẽ bất ngờ ấy, chúng tôi đã có thêm cho mình rất nhiều kỷ niệm đáng yêu và cơ hội làm quen những người bạn thú vị.

Chuyện từ căn bếp "rối tinh rối mù" của tôi ảnh 2
Những vị khách đặc biệt của quán, vợ chồng phi hành gia nổi tiếng Koichi Wakata (bên phải), từ yêu mến món Phở đã trở thành bạn của vợ chồng chị Ngọc.

Một buổi tối vắng vẻ, có một cặp vợ chồng tới quán. Người vợ là người Đức, chồng là người Nhật Bản. Tôi lớn lên ở Đức, nên rất nhanh chóng, chúng tôi trở thành bạn bè. Một vài tháng trôi qua, chúng tôi tổ chức một bữa tiệc tại quán. Đột nhiên, mọi người khách khi thấy hai vợ chồng ấy bước vào thì reo hò, lao tới xin chữ ký. Lúc đó, chúng tôi mới biết, ông chồng người Nhật Bản vẫn luôn vô tư cười đùa cùng gia đình tôi ấy là phi hành gia nổi tiếng Koichi Wakata. Khi tôi viết những dòng này, ông đang trên trạm điều hành vũ trụ. Có lần, ông gọi về cho chúng tôi, và câu đầu tiên ông thốt lên là: "Hello Ngọc, I’m missing phở so much!" (Chào Ngọc, tôi nhớ phở quá!).

Dư vị của lời chào đặc biệt ấy thật sự rất ấm áp và tự hào.

Phở là món duy nhất mà người Việt Nam chúng ta ở nhiều lứa tuổi đều có thể ăn mọi lúc, mọi nơi. Phở, đối với riêng tôi, có nghĩa là Ấm áp, là Quê hương, là Mẹ.

Nếu như ở Việt Nam, phở được chia theo hai trường phái miền bắc và miền nam thì với những người sống ở nước ngoài thế hệ thứ hai, thứ ba như chúng tôi, phở lại được định nghĩa theo cách mà mỗi người mẹ trong gia đình nấu.

Tôi sinh ra ở Hà Nội, là con gái "đất phở phố Hàng", còn ông xã sinh ra tại TP Hồ Chí Minh. Từ ngày mở quán đến giờ, có lẽ chúng tôi đã "đấu với nhau hơn cả nghìn linh một hiệp", về chuyện phở của mẹ mỗi đứa "phải nấu như thế này, thế kia cơ!!!". "Phở Nam" hay thiên về vị ngọt đậm, nước hơi đục. "Phở Bắc" mẹ tôi nấu, hằn sâu vào ký ức, nước trong, vị thanh. Song, dù là vùng miền nào, đối với một người yêu phở và kinh doanh nhà hàng, có lẽ điều quan trọng nhất đối với một bát phở chính là nước dùng thơm ngọt, đậm đà.

Sau khi mở nhà hàng thứ tư, có nhiều người hỏi bao giờ chúng tôi sẽ dừng lại. Tôi thật sự không có câu trả lời. Tôi cũng luôn muốn cân bằng giữa công việc và gia đình, con cái, nên thực tế, cũng có không ít những giai đoạn tôi đã nghĩ đến chuyện cần phải dành nhiều thời gian cho bản thân và gia đình hơn nữa.

Song, có một điều chưa bao giờ thay đổi. Mỗi khi đứng trong căn bếp "rối tung" của tôi, và nấu một món nào đó cho những thực khách đang chờ ở ngoài kia, mọi khó khăn, mọi suy tính đều nhòa đi. Chỉ còn lại niềm vui và sự hứng khởi khi được trình bày một món ăn ngon cho ai đó. Món ăn Việt, do một người Việt nấu…

Thật ra, bí quyết nấu phở ngon cũng rất đơn giản: Ninh xương ngon, đủ giờ, đủ gia vị, và đủ… tình yêu.