Startup xuyên biên giới

Khởi nghiệp bền vững có thể thay đổi cuộc đời mỗi người, thay đổi cộng đồng hay thậm chí cả một quốc gia. Theo Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), trong nỗ lực giúp tạo ra sự an toàn và phục hồi lớn sau đại dịch, gần 70% số lượng các startup trẻ bước đầu đã tạo ra được các mối quan hệ hợp tác quốc tế tốt.

Cuộc thi Cúp Khởi nghiệp toàn cầu (EWC) tạo cho các ứng viên cơ hội kết nối rộng mở trong hệ sinh thái khởi nghiệp quốc tế.
Cuộc thi Cúp Khởi nghiệp toàn cầu (EWC) tạo cho các ứng viên cơ hội kết nối rộng mở trong hệ sinh thái khởi nghiệp quốc tế.

Tạo hệ sinh thái quốc tế

Năm 2021 tiếp tục là khoảng thời gian khó khăn với Việt Nam và phần lớn các quốc gia khác trên thế giới. Đại dịch Covid-19 hoành hành khiến hoạt động của phần lớn các doanh nghiệp bị đình trệ, nhiều đơn vị phải thu hẹp sản xuất, hay thậm chí là giải thể. Theo báo cáo của UNDP, 92% số startup được khảo sát khẳng định đã bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh, 85% đã phải thay đổi lại mô hình kinh doanh và 7% bị giảm doanh số rất nhiều so năm trước. Tuy nhiên, giữa thời điểm nhiều ngành kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề, sự phát triển vượt bậc của công nghệ cũng giúp một số ngành nhận được nhiều ưu đãi hơn như giáo dục (edtech), hay tài chính (fintech)... Điều này đồng thời mở ra những cơ hội mới để doanh nghiệp thay đổi cách làm việc khác hẳn so trước đây.

Theo bà Ana Maria Torres, Đại diện mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu GEN, dịch bệnh làm hành vi tiêu dùng và sự tương tác giữa con người thay đổi rất nhiều. Đó là những yếu tố tạo nên thách thức làm thế nào để các quốc gia đặc biệt là các doanh nghiệp có thể thích nghi với sự thay đổi ấy. Chìa khóa cốt lõi ở đây là phương pháp để có thể xoay trục thật nhanh, trang bị các kỹ năng kinh doanh kịp thời và tạo ra sự thay đổi về cách suy nghĩ. Các doanh nghiệp trẻ và đặc biệt là đội ngũ startup rất cần được bổ sung kiến thức thông qua các chương trình đào tạo, diễn đàn nhằm kết nối họ với những câu chuyện truyền cảm hứng, những cá nhân có khả năng giúp đỡ và giải quyết các vấn đề họ đang gặp phải.

Hơn bao giờ hết, dịch Covid-19 đã tạo ra cơ hội lớn để các quốc gia có thể hợp tác và làm việc cùng nhau, bởi thách thức mà chúng ta đối mặt hôm nay không còn nằm ở cấp độ quốc gia nữa mà nó thật sự tác động đến tất cả các nước trên thế giới. "Chính vì thế, chúng ta phải ngồi lại cùng nhau, làm việc với tất cả những bên liên quan và cùng nhau hợp tác nhằm mang đến những giải pháp mang tầm quốc tế", bà Ana nhận định.

Xoay trục kinh doanh

Theo số liệu thống kê, khu vực châu Á-Thái Bình Dương có 66 triệu doanh nghiệp trẻ. Các nước đưa ra chính sách để phục hồi sau đại dịch đều chú trọng xác định rõ lĩnh vực có khả năng thu hút đầu tư và đưa ra các chính sách giúp cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các startup phát triển theo phương châm "không để ai bị bỏ lại phía sau". Ông Beniam Gebrezghi, chuyên gia UNDP khu vực châu Á-Thái Bình Dương, chia sẻ: "Hiện nay, UNDP khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã có mặt ở hơn 28 quốc gia với nỗ lực nhằm tạo ra hệ sinh thái đa dạng cũng như mang đến giải pháp hỗ trợ cho các doanh nhân khởi nghiệp".

Dù là hành trình đầy thách thức, nhiều doanh nghiệp đã rất linh hoạt bền bỉ và kịp thời xoay trục kinh doanh bằng các chiến lược phản ứng với Covid-19. Dựa trên các dữ liệu báo cáo của UNDP, nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, trong đó 86% trong số này đã tạo ra những sản phẩm dịch vụ mới, chuyển đổi mô hình vận hành hoạt động của mình.

"Việc kết nối quốc tế thành công giúp tạo ra những nỗ lực toàn cầu vì không cá nhân nào có thể làm một mình mà cần phải có sự tiếp cận thông qua hệ sinh thái để phát triển doanh nghiệp. Thông qua những lời khuyên, các doanh nghiệp trong từng khu vực sẽ có sự thấu cảm và những hành động cụ thể để đối mặt thách thức. UNDP đã phát triển các chương trình nghiên cứu chuyên sâu về tác động đến các doanh nhân trẻ và thấy rằng không có giải pháp duy nhất cho các doanh nghiệp mà phải nhìn nhận vấn đề rõ ràng từ các quốc gia này đến quốc gia khác để có chiến lược phù hợp nhất với từng khu vực", ông Beniam Gebrezghi bổ sung thêm.

Tương tự UNDP, Mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu GEN cũng phối hợp với nhiều tổ chức trên thế giới, trong đó có Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), xây dựng nhiều chương trình thúc đẩy song song các sự kiện sắp tới như Cuộc thi Cúp Khởi nghiệp toàn cầu (EWC), nhằm góp phần tìm ra tài năng giỏi nhất trong top 100 và có hơn 80% đến từ khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đây không đơn thuần là màn so tài giữa các startup mà còn là sự hỗ trợ cơ hội thuộc về hệ sinh thái giúp tất cả có nhiều quyền truy cập nguồn lực hơn, có thêm kỹ năng về con người, cùng các kỹ năng khác để cùng nhau đối mặt các thách thức mà các doanh nghiệp phải đối mặt.