Con sóng dịch chuyển số

Khác với những giai đoạn thay đổi cơ cấu kinh tế trước đây, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự trỗi dậy của các phương tiện kỹ thuật số đã mở ra cơ hội thay đổi cuộc sống trong nhiều khía cạnh, từ cách làm việc, học tập, giao tiếp, giải trí của mỗi cá nhân cho đến các hoạt động kết nối...

Các kỹ sư NASA ứng dụng công nghệ thực tế ảo trên trạm vũ trụ ISS.
Các kỹ sư NASA ứng dụng công nghệ thực tế ảo trên trạm vũ trụ ISS.

AI hỗ trợ ra quyết định

Các chuyên gia phân tích của hãng tư vấn toàn cầu Deloitte cho rằng, trí tuệ nhân tạo (AI) và các thuật toán học máy (machine learning-ML) ngày càng trở nên tinh vi, có khả năng giải quyết nhiều bài toán lớn cho doanh nghiệp. Chúng giúp phát hiện các điểm bất thường, đưa ra dự đoán và góc nhìn sâu sắc về các biến động trong sản xuất, kinh doanh, thị trường. Ước tính, thị trường AI và ML có khả năng tăng trưởng 9 tỷ USD vào năm 2022, với tốc độ tăng trưởng kép là 44% và có khả năng đạt 38,2 tỷ USD vào năm 2026.

AI được sử dụng trong an ninh mạng nhằm phân nhóm, xử lý và lọc dữ liệu. Mặt khác, ML giúp phân tích dữ liệu quá khứ và đưa ra các giải pháp tối ưu cho hiện tại và tương lai, làm cho an ninh mạng tự động hơn và không có rủi ro. Ngoài ra, các công ty có thể kết hợp AI đàm thoại và các quy trình tự động hóa bằng robot để khách hàng có thể dễ dàng truy vấn thông tin cũng như cải thiện trải nghiệm người dùng. Điều này cho phép giảm nhẹ khối lượng công việc ở các bộ phận quản trị, hậu cần, kế toán và nhân sự.

Số hóa và ảo hóa

Hiện tại, chuyển đổi số là xu thế bắt buộc, không thể tránh khỏi. Các công nghệ hỗ trợ quá trình ảo hóa nơi làm việc, cũng như giúp ký kết hợp đồng từ xa dần trở nên thịnh hành. Đây là giai đoạn bản lề khi hầu hết người dân trên thế giới phải học cách thích nghi với các trải nghiệm kỹ thuật số, cho dù làm việc tại nhà, học trực tuyến hay mua hàng qua mạng.

Thậm chí, thế hệ trẻ cũng đang rất hào hứng với làn sóng vũ trụ ảo (metaverse): thế giới kỹ thuật số tồn tại song song thế giới vật chất. Hiện các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Facebook và Microsoft đang nỗ lực thúc đẩy để sớm biến giấc mơ này thành hiện thực. Không chỉ các doanh nghiệp, chính quyền thành phố Seoul (Hàn Quốc) mới ra thông báo sẽ triển khai thực hiện dịch vụ công mới thông qua nền tảng metaverse của riêng mình.

Xu hướng này thúc đẩy các doanh nghiệp phải tạo ra các trải nghiệm liền mạch và hòa quyện hơn, giữa thế giới thực và môi trường kỹ thuật số. Khách hàng cũng mong đợi sự kết hợp tốt nhất của cả hai theo hướng cá nhân hóa cao mà không phải hy sinh sự tiện lợi của các giao dịch trực tuyến. Deloitte dự báo trong 18 đến 24 tháng tới, xu hướng xây dựng trải nghiệm khách hàng cần hướng đến phù hợp với hành vi, thái độ và sở thích của từng khách hàng.

IoT kết hợp AI, ML

Theo dự báo, đến năm 2030, khoảng 50 tỷ thiết bị IoT (internet of things-internet vạn vật) sẽ được sử dụng trên khắp thế giới, tạo ra một mạng lưới kết nối khổng lồ, từ điện thoại thông minh đến thiết bị nhà bếp. Trong thực tế, IoT có thể ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như: smart home, smart city, smart car, quản lý giao thông, nông nghiệp, chăm sóc sức khoẻ từ xa, tự động hóa... Phần cứng sẽ là hạng mục công nghệ được chi tiêu lớn nhất nhằm phát triển các module, cảm biến, cơ sở hạ tầng và bảo mật. Tới năm 2022, chi tiêu toàn cầu cho IoT được dự báo sẽ đạt 1.100 tỷ USD. Sự sẵn sàng này chính là cơ hội cho những công ty khởi nghiệp muốn tạo đột phá trong tương lai. Theo số liệu từ quỹ đầu tư CB Insights năm 2020, các startup IoT tại Mỹ đã nhận được 7,4 tỷ USD từ các quỹ đầu tư mạo hiểm trong suốt sáu năm qua.

Công ty nghiên cứu thị trường International Data Corporation dự báo những thiết bị như máy móc và cảm biến trong lĩnh vực IoT dự kiến sẽ tạo ra 79,4 Zettabyte (ZB) dữ liệu vào năm 2025 (1 ZB tương đương 11 nghìn tỷ GB). Sự phát triển cấp số nhân của các thiết bị thông minh đem về nguồn dữ liệu khổng lồ. Đến năm 2022, AI và ML sẽ nhanh chóng có được những "hiểu biết" sâu sắc khi kết hợp số lượng lớn các dự án IoT. Điều này sẽ tạo ra tính kết nối mạng liền mạch, khả năng chuyển đổi mượt mà và không bị gián đoạn.

Ngoài ra, vẫn còn rất nhiều công nghệ có tiềm năng đóng góp vào kinh tế số của Việt Nam như dữ liệu lớn (big data), điện toán đám mây (cloud computing), Chế tạo đắp lớp (additive manufacturing)… Ước tính khoảng 70% tổng cơ hội kỹ thuật số của Việt Nam có thể xuất phát từ những ứng dụng công nghệ như vậy. Và nếu được tận dụng tối đa, công nghệ số có thể đem lại khoảng 74 tỷ USD vào năm 2030, tương đương 27% GDP của Việt Nam trong năm 2020. Cơn sóng dịch chuyển số hiện tại là thời cơ cho Việt Nam tiến thẳng vào lĩnh vực công nghiệp mới nhằm thu hẹp khoảng cách với các quốc gia phát triển trên thế giới.