Cần dũng cảm chọn lộ trình xây dựng hệ thống điện bền vững

Trong tương lai, sự phát triển của ngành điện sẽ ngày càng gặp nhiều thách thức lớn hơn trong việc thỏa mãn nhu cầu tăng trưởng kinh tế và cải thiện đời sống nhân dân. Nhân Dân cuối tuần phỏng vấn Chủ tịch Liên minh năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) bà Ngụy Thị Khanh (trong ảnh) về giải pháp thực hiện Quy hoạch điện VIII.

Cần dũng cảm chọn lộ trình xây dựng hệ thống điện bền vững

- Thưa bà, đã có rất nhiều ý kiến đóng góp vào quá trình xây dựng Quy hoạch điện VIII, trong đó có nhiều ý kiến trái chiều về phân bổ nguồn điện. Quan điểm của bà về vấn đề này?

- Dự thảo Quy hoạch điện VIII đã được Bộ Công thương chuẩn bị công phu với nhiều đợt tham vấn, giải trình, chỉnh sửa… Tuy vậy, cần phải lưu ý, việc phát triển các nhà máy điện than mới là lựa chọn chứa nhiều rủi ro và khó khả thi. Vì sao? Bởi với xu thế chung của thế giới, nếu còn dùng điện than nhiều, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ phải đối mặt với thuế carbon của các nước phát triển và mất đi ưu thế cạnh tranh. Thêm nữa, Việt Nam cũng đánh mất cơ hội thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ các doanh nghiệp FDI có nhu cầu sử dụng điện sạch và theo đuổi mục tiêu trung hòa carbon mà họ cam kết.

Bên cạnh đó, bài học từ Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) đã cho thấy, hàng loạt dự án điện than chậm tiến độ do khó tiếp cận tài chính, khi lần lượt các quốc gia đầu tư lớn cho điện than tại Việt Nam là Nhật Bản, Hàn Quốc, và mới đây Trung Quốc đã ra tuyên bố không tiếp tục đầu tư cho điện than ở nước ngoài. Chúng tôi cho rằng, tính khả thi của những dự án này cần được đánh giá lại dựa trên khả năng tiếp cận vốn trong thực tế, quá trình phát triển những dự án này ở quá khứ và những thay đổi lớn gần đây của ngành than và dịch chuyển tài chính toàn cầu...

- Ðối với truyền tải điện, cũng có nhiều băn khoăn chung quanh vấn đề cân đối vùng, miền, hạn chế truyền tải liên miền..., thưa bà?

- Với Quy hoạch lần này, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ xu hướng cân đối vùng, miền, hạn chế truyền tải liên miên, ở đâu có tải ở đó chúng ta phát triển nguồn. Như vậy, sự đa dạng và an toàn cho hệ thống điện sẽ lớn hơn rất nhiều. Hiện nay, chúng ta đã có hệ thống truyền tải 500 kV bắc - nam, thường xuyên phải vận hành căng thẳng. Ngoài việc áp lực lớn lên hệ thống, truyền tải liên miền còn dẫn đến tổn thất lớn về mặt năng lượng.

Vì vậy cần có lộ trình giảm việc liên kết liên vùng, cân bằng nguồn nội vùng, và phát triển các nguồn điện phân tán. Mô hình phân tán sẽ giảm được rủi ro cho hệ thống, đồng thời phát huy nội lực của từng khu vực, giảm chi phí về lâu dài.

- Nhiều địa phương, doanh nghiệp có đề nghị Bộ Công thương trình Chính phủ phương án kéo dài thời gian hưởng cơ chế giá cố định điện gió (FIT). Quan điểm của bà về vấn đề này?

- Cơ chế giá FIT là cơ chế hỗ trợ được nhiều Chính phủ áp dụng nhằm khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo trong giai đoạn đầu để tạo điều kiện thúc đẩy hình thành thị trường. Tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành hai quyết định về cơ chế giá FIT cho điện gió và điện mặt trời. Và các chính sách hỗ trợ này đã tạo nên làn sóng đầu tư vào hai loại hình năng lượng tái tạo trong vòng ba năm qua.

Bản chất của các chính sách hỗ trợ, trợ giá có tính chất ngắn hạn, sẽ kết thúc khi công nghệ mới đã có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, cần phải có các chính sách mới khác "gối đầu" ngay sau đó để bảo đảm thị trường được vận hành và thúc đẩy cạnh tranh, minh bạch, giảm giá thành và kịp thời thông tin tới các nhà đầu tư. Mặt khác, do các tác động của đại dịch Covid-19, nhiều dự án điện gió bị ảnh hưởng vì giãn cách xã hội, nên nếu có thể gia hạn thêm một vài tháng tương ứng với thời gian các dự án bị ảnh hưởng bởi giãn cách thì sẽ công bằng cho các chủ đầu tư.

Về giải pháp lâu dài để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên, Việt Nam cần đẩy nhanh thực hiện thị trường điện cạnh tranh minh bạch, đặc biệt là thị trường điện bán lẻ cạnh tranh.

- Vậy, để tạo nên một thị trường điện bền vững, Quy hoạch điện VIII cần có giải pháp gì?

- Ðể Quy hoạch điện VIII sớm đi vào cuộc sống, cần kiên định với con đường phát triển năng lượng tái tạo, ưu tiên chính sách để tạo ra hệ sinh thái cho phát triển năng lượng tái tạo bền vững, thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh rõ ràng. Bên cạnh đó, cần xem xét ngay việc nghiên cứu ứng dụng các giải pháp pin tích trữ không gây hại môi trường gắn với đẩy mạnh các giải pháp quản lý nhu cầu, sử dụng năng lượng hiệu quả.

Ngoài ra, những dự án điện than có tính khả thi thấp, các địa phương không ủng hộ và khó tiếp cận tài chính (tương đương khoảng 16.400 MW) cần được xem xét lại cẩn trọng và tìm các phương án thay thế. Các phương án thay thế có thể bao gồm: Ðiện mặt trời nổi kết hợp với các nhà máy thủy điện hiện có, đẩy mạnh khai thác tiềm năng điện gió, điện mặt trời phân tán, phát triển mô hình kết hợp "lợi ích kép - dual use" điện mặt trời, điện gió với nông nghiệp, thủy sản kết hợp thực hiện các chương trình sản xuất sạch hơn, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn năng lượng.

Chúng ta cần xây dựng một hệ thống điện có tỷ lệ năng lượng sạch lớn hơn để khai thác triệt để nguồn tài nguyên năng lượng sạch. Ðồng thời, thúc đẩy sự tham gia của khối tư nhân, thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh lành mạnh.

-Xin trân trọng cảm ơn bà! ■

HƯƠNG TRÀ (thực hiện)