Mai một các thang âm cổ
- Bàng hoàng phát hiện ra nguy cơ mai một vốn cổ truyền, nhưng anh lại gọi đó là cơ duyên, may mắn?
- Về mặt logic, sự mai một của các thang âm cồng chiêng là điều tôi có thể nhìn thấy trước từ lâu rồi, bởi vì mình là nguời làm nghề. Có những bộ chiêng nghi lễ, một năm người ta chỉ đánh một lần trong lễ ăn trâu mừng lúa mới, mà nhiều năm nay Nhà nước lại không khuyến khích lễ ăn trâu nữa, nên bộ chiêng đó không có cơ hội được sử dụng, dần dần bị sai âm đi, rồi thanh niên thế hệ sau sẽ không biết tiếng chiêng cổ thang âm như thế nào. Một nguyên nhân thứ hai nữa, rất mạnh, là tác động của thang âm bình quân Tây phương. Đồng bào nghe nhạc mới, chơi nhạc mới từ nhỏ nên thế hệ thanh niên hiện nay nghe quen thang âm đó, chấp nhận nó nên các dàn cồng chiêng dần bị chỉnh theo.
Dù đã nhìn thấy nguy cơ đó từ lâu rồi, nhưng cho đến tháng 11/2022, khi tỉnh Kon Tum mời tôi tham gia Ban giám khảo Hội thi cồng chiêng, xoang các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum lần thứ nhất, tôi mới bàng hoàng nhận ra những điều mình lo ngại đã trở thành hiện thực. Trong cuộc liên hoan đó, có rất nhiều dàn cồng chiêng sai âm, bị phô nhưng người dân vẫn biểu diễn. Tôi lên hỏi, thì có đội chiêng trả lời là người ta biết cái chiêng đó sai âm nhưng không có ai biết chỉnh nên họ đành phải sử dụng. Nhưng tệ hơn là có những dàn chiêng sai âm rất nhiều song khi hỏi những người chơi thì họ không biết đó là sai âm. Tức là họ không nhận ra được thế nào là đúng và chấp nhận những âm sai đó. Bên cạnh các dàn chiêng sai âm theo kiểu phô hoặc lai tây, còn vấn đề nữa là lai nhau, dàn chiêng của Xơ Đăng nhưng nghe lại giống Ba Na hay Gia Rai... Hiện trạng đó phản ánh một nguy cơ rất lớn: các thang âm đặc sắc của cồng chiêng Tây Nguyên bắt đầu bị mai một.
Điều nữa là sau khi khảo sát thì tôi phát hiện ra Kon Tum có rất ít tay chỉnh chiêng giỏi. Tôi đã trao đổi tất cả những vấn đề đó với lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum và rất may mắn là phương án đề xuất giải pháp của tôi đã nhanh chóng được chấp thuận. Đó là cơ duyên dẫn tới việc ra đời Dự án Tập huấn chỉnh âm cồng chiêng Kon Tum, quy tụ 14 nghệ nhân, diễn ra trong chín ngày đầu tháng 6 vừa rồi.
Các nghệ nhân chỉnh chiêng ở Kon Tum thực hành đo thang âm theo sự hướng dẫn của nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền. |
Trao phương pháp để người dân tự bảo tồn
- Chỉnh chiêng vốn được coi là kỹ thuật rất khó, thực tế là ở Tây Nguyên hiện còn rất ít nghệ nhân chỉnh chiêng. Trong khi chính nhiều người dân còn không nhận thức đầy đủ về thang âm cổ truyền của dân tộc mình. Anh đã làm thế nào với quỹ thời gian hạn hẹp chín ngày đó?
- Tôi phải cầu cứu bạn tôi là anh Phạm Chí Khánh-nguyên là Nghệ sĩ Ưu tú ở Nhà hát Tuồng Việt Nam, có nghề "tay trái" là chế tác và buôn bán nhạc cụ. Anh Khánh là người rất giỏi. Trước đây tôi hay nhờ anh ấy sửa chữa nhạc cụ. Quãng năm 2007, sau khi tôi học chỉnh chiêng của cụ nghệ nhân người Gia Rai có tâm sự với anh ấy, vì tôi biết nhà anh ấy buôn bán cồng chiêng từ 20 năm trước rồi, là nếu anh cần thì em chỉnh chiêng cho. Anh ấy cười, bảo, thợ nhà tao ai chẳng biết chỉnh chiêng. Tôi mới vỡ ra một điều: những người buôn bán, chế tác phải là những người giỏi nhất trong việc kiểm soát tiếng vang và âm chuẩn nhạc cụ.
Khi tôi ngỏ ý, anh ấy đồng ý ngay, bảo: cồng chiêng là của đồng bào, mình có phải là người chỉnh chiêng kiếm tiền đâu, nhưng mình biết chỉnh thì mình sẽ dạy lại cho đồng bào. Khi vào lớp học mới biết anh Khánh có phương pháp truyền dạy rất khoa học. Trên mỗi chiếc cồng, chiêng, anh ấy phân ra các vùng cấu tạo khác nhau, lấy phấn vẽ lên mặt chiêng. Bản chất của việc chỉnh chiêng là khi anh làm cho mặt chiêng căng lồi lên thì âm thanh cao, và nếu gò cho mặt chiêng chùng xuống thì âm thanh thấp đi... cùng rất nhiều thủ thuật. Anh Khánh đã hướng dẫn các nghệ nhân cách thức khi muốn âm cao lên thì gò vào đâu, thấp đi thì gò vào đâu và đặc biệt là cách khử tạp âm.
Điều tôi không thể tưởng tượng được là chỉ sau hai ngày học theo phương pháp của anh Khánh thì nghệ nhân đã biết chỉnh chiêng thành công. Nghề chỉnh chiêng trên Tây Nguyên, như đồng bào cho biết, thì chỉnh một bộ chiêng, tùy theo số lượng, giá từ 3 triệu đến 5 triệu đồng, không rẻ. Đấy là nghề kiếm ra tiền. Tôi cũng từng chứng kiến có người dân ở Gia Lai mua cả một con lợn mang đến ông thợ chỉnh chiêng để xin học nghề mà không được.
Điều thú vị nữa là các thợ chỉnh chiêng trên Tây Nguyên lâu nay chủ yếu là dùng búa sắt, anh Khánh thì tự nghiên cứu và thửa riêng một bộ búa gỗ. Anh ấy lý giải là dùng búa gỗ thì mặt chiêng sẽ bền hơn. Cán bộ nghiệp vụ của Sở đã mang ba chiếc búa ấy ra hàng đặt làm luôn 20 bộ về phát cho các nghệ nhân tham gia lớp học.
Phần 2 của dự án là chỉnh các bộ chiêng về đúng thang âm cổ truyền của mỗi dân tộc. Tôi đưa ra bảng chỉ số thang âm, vẽ phóng to, sau đó cán bộ của Sở in cho mỗi người một bản. Trên cơ sở bảng chỉ số đó, tôi áp dụng các kết quả nghiên cứu trước đây để kiểm tra thang âm của từng bộ cồng chiêng. Tôi tập cho đồng bào nghe quãng siêu nhỏ - đó là công việc của người chỉnh chiêng - cần phải có một cái tai cầu toàn. Cách dạy ở đây không giống như với người Kinh, vì tiếng Việt nhiều đồng bào chưa sõi. Các khái niệm phải được diễn giải hết sức nôm na. Điều vui là đồng bào nhanh chóng tiếp thu được.
Sau khi biết phương pháp rồi, thì các thầy chỉ đứng ngoài kiểm tra thôi. Cả tôi và anh Khánh đều thống nhất quan điểm: dạy làm sao để cho họ trở về có thể dạy lại cho người khác, chứ không phải chỉ để mình họ biết chỉnh. Chính vì vậy, chúng tôi rất kỷ luật khâu ghi chép, yêu cầu các bác phải ghi cẩn thận để khi về có thể dạy lại cho bọn trẻ buôn làng.
Từng bước, chúng tôi dắt tay họ đi từ nhận thức đến thực nghiệm và trao cho họ phương pháp. Với phương pháp này thì tôi tin là đồng bào có thể tự bảo tồn bền vững các thang âm cổ truyền theo thời gian. Mệt, nhưng vui lắm.
Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan khi nghe tin về lớp học đã nhắn với tôi: em phải làm sao cho tin này loang càng rộng càng tốt, để làm sao cho mọi người thấy hết sự phong phú và đa dạng của cồng chiêng Tây Nguyên chính là thang âm cổ truyền.
- Với những bộ chiêng đã được chỉnh theo thang âm lai tây mà người dân lại chấp nhận thì nên ứng xử thế nào?
- Thế thì tức là mất rồi đấy. Với những trường hợp đó thì phải về giảng lại cho người dân, hướng dẫn cho họ biết thế này mới là đúng của ông bà mình truyền lại. Nếu đồng bào chấp nhận là điều mừng, còn nếu họ nói, không, tao thích thang âm giống của phương Tây, thì đành phải chịu thôi. Nhưng đáng mừng là hiện nay ở Tây Nguyên người dân vẫn rất trân trọng các thang âm cổ truyền, họ chỉ không biết làm thế nào cho đúng thôi.
Cuộc thực nghiệm vừa rồi có thể nói là cực kỳ hấp dẫn.
- Được biết, từ câu chuyện của Kon Tum, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai đã liên hệ mời anh, và Dự án tập huấn chỉnh âm cồng chiêng Gia Lai vừa diễn ra trong chín ngày cuối tháng 8?
- Khóa tập huấn tại Kon Tum mới dạy được cho 14 người. Hiện tại do hết kinh phí nên tạm dừng lại, nhưng tôi được biết Kon Tum đang có dự định tổ chức tiếp một lớp nữa.
Lớp tập huấn tại Gia Lai vừa rồi dành cho các nghệ nhân người Ba Na. Đến 25/10 sẽ có lớp dành cho nghệ nhân người Gia Rai. Về logic, có bao nhiêu đội cồng chiêng thì cần đạt đến độ phủ sóng mỗi đội có một người biết chỉnh chiêng.
Ước mơ của tôi là phủ sóng và bình dân hóa nghệ thuật chỉnh chiêng.
- Anh có chia sẻ rằng, trong những bộ chiêng đồng bào mang tới lớp học, có những chiếc bị đúc sai quy cách, không đúng với đặc điểm của cồng chiêng Tây Nguyên?
- Đúng vậy. Trước đây tôi cũng từng rất tin tưởng một số lò đúc chiêng ở Quảng Nam. Nhưng hiện tại, tình trạng đúc chiêng mới để... vứt đi là hiện thực. Điều đó thật sự đáng báo động. Khoảng vài chục năm gần đây Quảng Nam nỗ lực khôi phục lại nghề chế tác cồng chiêng, nhưng không còn giữ được bí quyết nghề cổ.
- Nghĩa là cần phải quay lại nơi đúc để xem lại khâu sản xuất?
- Không phải xem lại nữa, mà phải tập huấn lại, bởi vì, các quy luật cơ bản của cồng chiêng Tây Nguyên mà lò đúc không nắm được thì không thể sản xuất các sản phẩm phù hợp. Không ít tiền của của nhà nước đã bị lãng phí bởi những bộ chiêng sai quy cách này.
- Xin cảm ơn những chia sẻ của anh, và xin được chúc cho hành trình biến điều KHÔNG THỂ thành CÓ THỂ (như cách anh gọi các lớp tập huấn chỉnh chiêng) sẽ lan tỏa và thành công tốt đẹp!