Sau khi được các anh thợ lò dày dạn kinh nghiệm hướng dẫn, trang bị đầy đủ bảo hộ lao động, chúng tôi tiến vào giếng chính, bắt đầu hành trình chui lò. Xuống mức -110m, men theo con dốc khá nghiêng, trơn trượt chúng tôi mới xuống được mức -150m, rồi đi bộ khoảng 200m tới vị trí ga tàu song loan. Lao động trong hầm lò, chỉ sau hai tiếng đồng hồ, bộ quần áo bảo hộ đã sũng mồ hôi, chuyển sang mầu đen óng do được ướp bụi than.
Càng vào sâu, hầm lò chỉ còn một mầu đen thăm thẳm, đơn điệu về hình ảnh, mầu sắc nhưng lại hỗn loạn bởi âm thanh của các loại máy móc, tiếng khoan, mìn nổ, than rơi. Anh Đặng Văn Phong, Phó Trưởng phòng Kỹ thuật Công nghệ mỏ, Công ty Than Mạo Khê, trên đường đi tâm sự: "Ăn cơm dương gian, làm việc âm phủ" là cụm từ được dùng để nói về nghề thợ lò. Một nghề vô cùng vất vả, hiểm nguy, có cả máu và nước mắt. Nếu không có sức khỏe, thiếu sự kiên trì, bền bỉ, dũng cảm, nhất là tình yêu nghề khó có thể trụ được.
Vài năm trước, ngành than đối diện với nguy cơ thiếu thợ lò. Thợ lò trẻ mới vào nghề, vài tháng đầu có trong tay cả chục triệu đồng thì phấn khởi nhưng chỉ một thời gian, có người yêu là phân tâm. Do đặc thù công việc vất vả, nặng nhọc, ít có thời gian gặp gỡ người yêu, trên mặt đất lại có quá nhiều cám dỗ, nếu không được thợ cả dìu dắt, hướng dẫn tận tình, đồng nghiệp sát cánh động viên, thợ trẻ rất dễ bỏ nghề. Bên cạnh đó, giới trẻ ngày càng có nhiều điều kiện tiếp cận các ngành nghề khác với mức thu nhập bảo đảm, thợ lò ngày càng trở thành báu vật của vùng mỏ. Nếu "bám" được lò qua 5 năm đầu, nhất là khi ổn định, lập gia đình, chắc chắn thợ lò sẽ không bỏ nghề.
Gương lò dọc vỉa than chúng tôi dừng chân ở mức -150m thuộc Vỉa 9a Đông Nam III. Quản đốc Vũ Văn Đoàn, PXKT5 cho biết: "Phân xưởng được công ty giao chỉ tiêu sản lượng 600 tấn/ngày. Bình quân mỗi ca chui lò, thợ lò có được thu nhập một triệu đồng, tám tiếng cho mỗi ca làm việc, ngày như đêm, đông như hè chỉ lủi thủi trong lòng đất.
Tôi cùng kỹ sư Phong tiếp tục lên gương lò thượng. Lội qua những đoạn đường ướt nhẹp, ngập bùn than, chúng tôi leo lên những nấc thang sắt cheo leo, trèo lên các tầng than trên cao. Không khí bắt đầu đông đặc, khó thở. Các anh thợ lò chia sẻ độc hại, vất vả, luôn đối diện với hiểm nguy là đặc thù nghề nghiệp phải chấp nhận. Bù lại, họ ngày càng được tập đoàn, công ty, công đoàn đưa ra những đãi ngộ rất tốt để thu hút thợ mới, giữ chân thợ cũ.
Công ty Than Mạo Khê sau 66 năm khai thác liên tục, tài nguyên ở các mức nông đã hết, hiện đang khai thác ở mức -230m, đòi hỏi phải áp dụng nhiều giải pháp nhằm "trẻ hóa" sức khai thác của mỏ cùng với tinh thần "kỷ luật và đồng tâm": Trong đó, đầu tư ứng dụng khoa học-công nghệ hiệu quả vào sản xuất được ưu tiên hàng đầu. Thông qua chương trình hành động "3 hóa" (cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa) vào sản xuất, kinh doanh, quản lý, những năm gần đây, công ty đạt sản lượng gần hai triệu tấn than nguyên khai/năm. Năm 2022, được tập đoàn giao chỉ tiêu kế hoạch khai thác 2,05 triệu tấn than, công ty chủ động sắp xếp bố trí sản xuất hợp lý, phù hợp với công nghệ khai thác cho từng diện sản xuất; duy trì các cơ chế khuyến khích, khen thưởng tạo động lực thi đua lao động sản xuất.
Không chỉ ở Than Mạo Khê, các công ty than trong tập đoàn ngày càng đầu tư nhiều máy móc, trang thiết bị hiện đại vào khai thác, nên năng suất nhờ đó tăng cao, góp phần tăng thu nhập, tạo ổn định của thợ mỏ. Năm 2021, TKV đã có hơn ba nghìn thợ lò thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm, chiếm 13,2% tổng số thợ lò.
Ngày làm việc của thợ mỏ không có bắt đầu, không có kết thúc, bởi ba ca, tám tiếng nối tiếp nhau xuyên suốt 24 giờ. Khi dòng người từ các gương lò tỏa ra từ các hầm xương cá, các ngách, lên "song loan", lên mặt đất, là lúc dòng thợ mới vào tiếp quản. Trên "song loan", mùi mồ hôi, mùi than hòa quyện, hoi nồng trong khoang tàu bé chật.
Tan ca, được trở về an toàn gặp lại vợ con, khoảnh khắc ấy dù luôn lặp lại mỗi ngày, nhưng đối với thợ lò, đó luôn là những giây phút đặc biệt. Bởi thế: Mỗi khi tan ca/Anh cùng em lại ghi thêm một chiến công.