Chàng tỷ phú shipper

Với phương châm "hãy bao quát mọi thứ ở độ cao 10.000m, để rồi nỗ lực chiến đấu trên mặt đất", Tony Xu (trong ảnh) đã phát triển DoorDash trở thành một "đế chế" trong lĩnh vực giao hàng theo yêu cầu.
0:00 / 0:00
0:00
Chàng tỷ phú shipper

Thói quen không đổi

Khi tiếng chuông đóng cửa Sở Giao dịch chứng khoán New York vang lên, Tony Xu đã trở thành nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành công ty trị giá 72 tỷ USD, trong ngày doanh nghiệp này lên sàn chứng khoán. "Đó là cảm giác siêu thực", Tony khẳng định.

Dẫu vậy, anh không vì lý do ấy mà làm gián đoạn thói quen hằng tuần của mình. Bắt đầu từ 5 giờ 30 phút sáng tới tận trưa, Tony vẫn tiến hành các cuộc họp đánh giá kết quả kinh doanh thường nhật. Ở thời điểm cả thế giới sửng sốt với màn ra mắt của DoorDash, Tony và cộng sự còn đang bận tranh luận trên Zoom về các khía cạnh hoạt động của công ty, phân tích tiến độ, dự liệu khả năng thất bại, đồng thời xây dựng kế hoạch tương lai. Mãi đến tận đêm hôm ấy, anh mới khui chai champagne đã giữ lạnh trong tủ suốt cả ngày.

Sở hữu công ty có thị phần giao thực phẩm hàng đầu tại Mỹ, Tony Xu có được thành công nhờ việc duy trì những thói quen nhỏ, cả về chuyên môn lẫn cá nhân. "Tôi thường dậy sớm để chạy bộ và sau đó dùng bữa sáng với con gái nhỏ. Mỗi tối thứ sáu hằng tuần, tôi sẽ dành thời gian hẹn hò với vợ mình", anh chia sẻ.

Ở công ty, sự thành công của DoorDash phụ thuộc vào việc thường xuyên tiếp xúc với mọi cấp độ hoạt động. Đó có thể là… thỉnh thoảng làm shipper. Chính Tony và những người đồng sáng lập đã tự mình lái xe giao hàng cho hệ thống Domino’s Pizza.

Đây được xem như một trong những trải nghiệm vô giá. Anh nhận ra lý do một số nhà hàng giao đồ ăn rất nhanh và hiệu quả, trong khi các nơi khác mất thời gian hơn nhiều. Rõ ràng, nếu không tự mình thâm nhập vào lĩnh vực này, thật sự rất khó để doanh nghiệp nhỏ biết họ cần bao nhiêu shipper, hoặc thậm chí nhận ra đâu mới là cách giải quyết khó khăn trong thời điểm diễn ra những sự kiện đặc biệt: trận bóng đá hấp dẫn, hay ngày lễ tình nhân…

Trách nhiệm với cộng đồng

Nhìn lại thời điểm dịch Covid-19 bùng phát trên diện rộng, Tony Xu nhanh chóng định hướng lại công ty về vấn đề an toàn, cũng như liên tục đưa ra các biện pháp hỗ trợ đội ngũ nhân viên giao hàng. DoorDash cung cấp các thiết bị bảo hộ miễn phí, hỗ trợ tài chính và dịch vụ y tế từ xa cho những người bị ảnh hưởng. Không chỉ nỗ lực bảo vệ những người đồng hành, công ty còn ra sức thuyết phục họ về tương lai bùng nổ của ngành này, ngay sau thời kỳ đại dịch.

Chiến dịch #OpenForDelivery (tạm dịch: mở cửa trở lại cho việc giao hàng) đã được DoorDash đẩy mạnh. Các nhà hàng cần được cấp phép hoạt động và công việc giao hàng cũng cần được thúc đẩy. Đương nhiên, chiến dịch này cũng gián tiếp giúp đỡ cho các đối thủ cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, Tony khẳng định đây là điều cần thiết phải thực hiện.

Hơn thế nữa, chiến dịch này cũng phản ánh triết lý sâu sắc: đầu tư và thúc đẩy doanh nghiệp, từ nhà bếp đến ngưỡng cửa khách hàng. Chính DoorDash đã bắt đầu từ niềm đam mê giúp đỡ các chủ dự án nhỏ. Ngày nay, với hơn 300.000 nhà hàng và 200.000 nhân viên trên nền tảng này, niềm đam mê đã thật sự phát triển thành trách nhiệm chung với xã hội.

Mục tiêu tiếp theo là việc trao quyền tự thực hiện cho các doanh nghiệp. "Các đơn vị không nhất thiết phải hoạt động thông qua DoorDash, mà có thể tạo ra các kênh kỹ thuật số của riêng mình. Trong trường hợp họ không có đội ngũ kỹ sư riêng để tạo hệ thống đặt hàng, chúng tôi sẽ giúp đỡ họ xây dựng cửa hàng trực tuyến, sau đó tích hợp vào hệ thống để giữ được khả năng cạnh tranh trong cuộc chiến về thương mại điện tử", Tony Xu hé lộ, và khẳng định: "Rõ ràng, bạn sẽ phải làm nhiều việc hơn là chỉ đẩy mạnh công tác hậu cần hoặc đặt hàng, trong nỗ lực xây dựng dịch vụ tổng thể trên thị trường".

Chàng tỷ phú shipper ảnh 1

Việc giải quyết xung đột với khách hàng mỗi ngày giúp DoorDash nhận ra điều mà công ty còn thiếu. Từ đó, mỗi bộ phận sẽ xử lý những vướng mắc trơn tru hơn.

Tinh thần của "Dasher"

Khi Tony Xu mới năm tuổi, gia đình anh chuyển đến Mỹ với vỏn vẹn 200 USD trong tài khoản ngân hàng. Người bố vừa đi học, vừa làm việc tại một nhà hàng trong khuôn viên Trường đại học Illinois. Dù là bác sĩ tại Trung Quốc, giấy phép hành nghề y của mẹ Tony không được công nhận ở Mỹ, và bà đã phải làm ba công việc mỗi ngày trong suốt 12 năm. Chính khoảng thời gian đó đã mang đến rất nhiều bài học và cũng tạo ra nguồn cảm hứng để Tony thành lập DoorDash như bây giờ.

Bản thân Tony Xu cũng được xem như "miếng bọt biển" của tri thức. Anh có khả năng "nhồi nhét" nhiều thứ trong khoảng thời gian ngắn đến khó tin. Tony từng làm việc cho ứng dụng thương mại điện tử RedLaser và sau đó là cố vấn cho cả eBay và PayPal. Mất 10 năm để chàng sinh viên nhập cư trở thành người đứng đầu một trong những công ty phát triển nhanh nhất ở Mỹ. Theo Forbes, Tony hiện nắm giữ tài sản ròng 1,3 tỷ USD, giúp anh đứng thứ 2.190 trong danh sách tỷ phú năm 2022 của Forbes. Hiện tại, DoorDash không chỉ phát triển ở tất cả 50 bang của Mỹ mà còn xuất hiện tại Canada, Australia, Nhật Bản và Đức...

Dự kiến, thị trường giao đồ ăn trực tuyến trên thế giới sẽ đạt ngưỡng 200 tỷ USD vào năm 2025, tăng khoảng 50% so năm 2021. Điều này đòi hỏi các mô hình kinh doanh phải được tối ưu hóa liên tục. Ngay từ đầu, DoorDash đã chú trọng cải thiện công nghệ đồng thời xây dựng kho dữ liệu trong những năm dài hoạt động. Từ việc xem xét thời gian chuẩn bị cho các mục menu cụ thể, dự báo thời tiết, mô hình giao thông địa phương, khả năng cung cấp chỗ đậu xe, hiệu quả của Dasher và vô số chỉ số quan trọng khác...

Một trong những kinh nghiệm của DoorDash là việc bắt đầu các cuộc họp bằng cách đọc các tài liệu mà mọi người đã ghi chép lại. Từ đó, tất cả sẽ đoán được vấn đề là gì ngay từ những cấp thấp nhất. Bên cạnh đó, công ty yêu cầu mọi người phải giao hàng hoặc làm dịch vụ chăm sóc khách hàng mỗi tháng ít nhất một lần. Điều này sẽ cung cấp thông tin chân thực để giải quyết đúng vấn đề đang tồn tại.

"Không có đường tắt. Xây dựng DoorDash cũng giống như việc bạn luôn leo dốc. Việc giải quyết xung đột với khách hàng mỗi ngày giúp DoorDash nhận ra điều mà công ty còn thiếu. Từ đó, mỗi bộ phận sẽ xử lý những vướng mắc trơn tru hơn. Đó chính là tinh thần cũng như cách mà chúng tôi làm việc", Tony tự hào.