Manh nha dấu hiệu về lực lượng kế cận
- Dư luận nói rất nhiều về thực trạng xuống cấp của các đơn vị nghệ thuật truyền thống chuyên nghiệp trong cả nước. Vậy nhưng Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên tuồng, chèo năm 2017 lại có gần 100 nghệ sĩ trẻ tham gia, và theo đánh giá của Hội đồng giám khảo, có nhiều tài năng trẻ được phát hiện. Xin ông cho biết nhận định về điều này?
- Theo tôi chữ “xuống cấp” của các loại hình nghệ thuật tuồng, chèo ở đây được hiểu là sự lạc hậu, xuống cấp của cơ sở vật chất, hệ thống nhà rạp, các phương thức tổ chức biểu diễn lỗi thời hoặc lấy việc thưa vắng khán giả đến xem làm thước đo. Cần có sự phân định rõ ràng để hiểu rằng về mặt chuyên môn, nghề nghiệp thì trình độ của lực lượng nghệ sĩ nói chung, diễn viên trẻ nói riêng không hề đi xuống. Điều này hiển thị rất rõ ở Cuộc thi tài năng diễn viên trẻ sân khấu tuồng, chèo 2017 vừa diễn ra. Việc hội đồng giám khảo có một sự lúng túng rất đáng yêu là vì họ nhìn thấy một lực lượng nghệ sĩ trẻ rất có triển vọng đang hiện hữu tại các đơn vị tham gia cuộc thi lần này. Gần 100 nghệ sĩ trẻ đang ở tuổi trên dưới 30 ở 19 đơn vị dự thi là con số đáng mừng vì họ đang là những hạt nhân nòng cốt biểu diễn tại các đơn vị hiện nay. Hơn thế, tôi còn thấy mừng hơn khi chứng kiến Nhà hát Tuồng Việt Nam không những đưa diễn viên trẻ đi dự thi mà còn đưa cả một lực lượng gần 30 học sinh đang được Nhà hát (NH) trực tiếp phối hợp với Trường ĐH Sân khấu điện ảnh Hà Nội đào tạo tới Thanh Hóa tham dự cuộc thi để được xem và học hỏi lớp nghệ sĩ trẻ của đơn vị đi thi. Đó là chưa kể có một số lượng học sinh đang được đào tạo như vậy ở NH Chèo Việt Nam. Nhìn vào những gương mặt trẻ, đầy tiềm năng về thanh sắc đã manh nha cho những dấu hiệu khi tuồng, chèo đã và sẽ luôn có lực lượng trẻ kế cận.
- Là một đạo diễn, một chỉ đạo nghệ thuật và cũng từng là lãnh đạo của một nhà hát nghệ thuật dân tộc, ông đánh giá như thế nào về phương thức đào tạo và sử dụng tài năng trẻ của các đơn vị nghệ thuật truyền thống hiện nay?
- Cách đây hai tuần, tôi được Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam mời giảng dạy cho một lớp tập huấn nâng cao vai trò chỉ đạo của các đơn vị nghệ thuật toàn quân. Khi kết thúc khóa học, nhiều lãnh đạo đơn vị, chỉ đạo nghệ thuật mới hiểu rõ vị trí của người làm chỉ đạo nghệ thuật hiện nay là như thế nào. Và thực tế là không phải lãnh đạo đơn vị nào cũng có thể đảm đương được vai trò chỉ đạo nghệ thuật. Tại Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên tuồng, chèo năm 2017, chúng ta có thể thấy sự thành bại phụ thuộc rất lớn vào vai trò chỉ đạo nghệ thuật của từng đơn vị. Việc chọn nghệ sĩ đi dự thi, việc phân vai diễn và đầu tư cho từng trích đoạn đòi hỏi người làm chỉ đạo nghệ thuật phải có “con mắt xanh” để có thể khích lệ những diễn viên trẻ có khả năng của đơn vị mình. Sự thành công của diễn viên trẻ các nhà hát như NH Tuồng Việt Nam, NH Chèo Việt Nam, NH nghệ thuật truyền thống cung đình Huế, NH Chèo Hà Nội cho thấy rất rõ vai trò của lãnh đạo cũng như chỉ đạo nghệ thuật của từng nhà hát. Được chọn vai phù hợp với khả năng, diễn viên trẻ còn được nhà hát huy động những cây đa, cây đề nổi tiếng của làng chèo, làng tuồng huấn luyện, rèn dạy đến nơi đến chốn. Rõ ràng, các đơn vị này đã rất có ý thức trong việc gìn giữ, phát triển nghiệp Tổ bằng việc nuôi dưỡng, đào tạo diễn viên trẻ. Đào tạo tài năng trẻ cho thương hiệu của từng nhà hát, từng đơn vị nghệ thuật rõ ràng đòi hỏi phải có kế hoạch bài bản và phải được lãnh đạo đơn vị quan tâm thường xuyên. Không thể có tài năng nếu diễn viên trẻ không có vai diễn, không được rèn luyện nâng cao trình độ để đạt tới độ thuần thục trong nghề.
“Có thực mới vực được đạo”
- Đào tạo được một đội ngũ diễn viên trẻ có tài năng kế cận nghiệp tuồng, chèo đã khó, giữ chân các nghệ sĩ trẻ để các em tiếp tục bám nghề, gìn giữ nghệ thuật truyền thống lại càng khó khăn hơn. Ông nghĩ gì khi nhiều lãnh đạo đoàn cho rằng họ đang “gặp khó” để giữ chân những tài năng trẻ?
- Tôi rất chia sẻ với lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật sân khấu truyền thống hiện nay. Họ đang phải đối diện với bài toán nan giải về “cơm áo gạo tiền” khi mà các vở diễn sân khấu truyền thống dựng ra không thể bán vé doanh thu. Tuồng, chèo ngày càng trở nên xa lạ và không còn là nhu cầu thưởng thức đối với khán giả, hoạt động biểu diễn èo uột như cảnh chợ chiều, chỉ trông cậy vào các mùa lễ hội. Hơn thế, một số địa phương đã và đang thực hiện việc sáp nhập các đoàn nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, cải lương... thành mô hình nhà hát nghệ thuật mặc dù biết đây chỉ là giải pháp tình thế nhằm tinh giảm biên chế và co cụm lực lượng chứ không phải sáp nhập để đầu tư quy mô và dĩ nhiên những diễn viên trẻ rất khó có thể được vào biên chế mặc dù họ có thể đang là lực lượng diễn chủ chốt ở đơn vị. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã đưa ra Thông tư liên tịch Quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành nghệ thuật biểu diễn và điện ảnh, nghệ sĩ sẽ được xét thăng hạng viên chức theo chế độ đặc thù. Tuy nhiên, nhiều bất cập về chế độ, chính sách đưa vẫn chưa được giải quyết bởi vì kinh phí hoạt động của nhiều đơn vị vẫn đang phải phụ thuộc vào ngân sách địa phương. Địa phương nào quan tâm thì đời sống nghệ sĩ và hoạt động của đơn vị nghệ thuật được phát triển, địa phương nào không quan tâm thì đơn vị và nghệ sĩ sẽ bị thiệt thòi.
Nhiều bất cập về chế độ, chính sách đang “làm khó” tài năng trẻ các bộ môn nghệ thuật truyền thống.
Trong ảnh: Trích đoạn dự thi Đào Tam Xuân đề cờ của NH nghệ thuật truyền thống cung đình Huế.
- Có quá nhiều rào cản không thể sớm được tháo gỡ, trong khi tài năng nghệ thuật thì không thể cứ thắc thỏm chờ đợi?
- Theo tôi, cần phải có quy định thống nhất ở cấp quốc gia để bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể truyền thống trong đó có các loại hình nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo để các địa phương thực hiện, chứ không thể làm theo kiểu tùy hứng như hiện nay. Cả nước hiện chỉ có bảy đoàn tuồng và gần 20 đoàn nghệ thuật chèo. Việc đào tạo tài năng cho lĩnh vực này vô cùng khó khăn, vậy tại sao nhà nước không thể có một chế độ lương bổng cũng như đầu tư thích đáng hơn để gìn giữ nghệ thuật truyền thống của dân tộc? Những nỗi niềm mà các đơn vị nghệ thuật cũng như nghệ sĩ tuồng, chèo hôm nay đang phải đối diện đó là, Nhà nước cần phải vào cuộc để chọn lọc, tìm ra những đơn vị nghệ thuật tiêu biểu, có vị trí trong đời sống xã hội để đầu tư trọng điểm thay việc đầu tư dàn trải và phó mặc cho địa phương tách nhập một cách cơ học khiến nhiều thương hiệu nghệ thuật bị mất đi hoặc bị nghiệp dư hóa như thời gian qua. Các đơn vị nghệ thuật tuồng, chèo cần được đầu tư xứng đáng để tạo vị thế trong xã hội... Rõ ràng “có thực mới vực được đạo”, có môi trường và điều kiện để tỏa sáng tài năng bằng những vai diễn và những đêm diễn thì mới có thể giữ chân những tài năng trẻ gắn bó và cống hiến cả cuộc đời với nghệ thuật truyền thống. Đây là câu chuyện cần sự “vào cuộc” quyết liệt của các đơn vị có trách nhiệm thuộc bộ chủ quản và các địa phương.
- Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!