Chuyên gia tư vấn tâm lý Ðinh Ðoàn:

Cần có những chương trình hiệu quả

NDO - "Giáo dục giới tính", cụm từ nghe đã quen tai, song thực chất vấn đề lại chưa được hiểu một cách cặn kẽ, còn nhiều tranh cãi. Bên cạnh mặt tích cực mà công tác giáo dục giới tính (GDGT) thời gian gần đây đem lại, vẫn còn rất nhiều vướng mắc: gia đình chưa "cởi mở", nhà trường chưa có phương pháp dạy và học hiệu quả, xã hội chưa thật sự coi trọng. Chung quanh vấn đề này, Báo Nhân dân Cuối tuần đã có cuộc trao đổi với chuyên gia tư vấn tâm lý Ðinh Ðoàn, giọng nói quen thuộc trên chương trình tư vấn trực tiếp "Cửa sổ tình yêu" của Ðài Tiếng nói Việt Nam.
Tiến sĩ Ðinh Ðoàn nói chuyện về giới tính cho học sinh trường THCS huyện Cao Phong - Hòa Bình.
Tiến sĩ Ðinh Ðoàn nói chuyện về giới tính cho học sinh trường THCS huyện Cao Phong - Hòa Bình.

Khái niệm "giáo dục giới tính" rất rộng, bao gồm việc giáo dục về giải phẫu sinh dục, sinh sản, quan hệ tình dục, sức khỏe sinh sản, các quan hệ tình cảm, quyền sinh sản và các trách nhiệm, tránh thai, các khía cạnh khác của thái độ tình dục của loài người. Ở Việt Nam, GDGT đã được nhắc đến từ hơn hai mươi năm trước. Năm 1981, Chính phủ đã có những nỗ lực để đưa giáo dục sức khỏe sinh sản vào trường học. Ðến những năm đầu thế kỷ 21, vấn đề này cùng với giáo dục phòng, chống HIV/AIDS cũng đã được quan tâm nhiều hơn, đặc biệt là sự hỗ trợ nhiều mặt của các tổ chức phi chính phủ. Nhưng đến nay, có thể nói vấn đề GDGT ở nước ta vẫn ở "những bước đi rón rén".

- Thưa chuyên gia tư vấn tâm lý Ðinh Ðoàn, qua lời mở đầu của ông phần nào đã khái quát cơ bản những khía cạnh cần đề cập của GDGT mà chúng ta đang bàn. Qua đó, chúng tôi muốn biết cụ thể hơn thực trạng của vấn đề này ở nước ta hiện nay ra sao?

- Vâng, cụ thể hơn là do có nhiều cách hiểu chưa đầy đủ về GDGT, khiến vấn đề này có những cách nhìn nhận sai lệch. Thứ nhất, GDGT bị hiểu đơn giản là dạy cách nhận biết về sự khác biệt giữa con trai và con gái về cấu tạo cơ thể, về hệ sinh sản. Chính vì thế, không ít giáo viên và cả các cán bộ quản lý giáo dục đã rất tự tin tuyên bố rằng mình có dạy học sinh về giới tính, bởi vì "có đủ" trong sách giáo khoa môn Sinh học. Thứ hai, GDGT bị đồng hóa với hướng dẫn tình dục, khiến cho nhiều người e ngại đưa GDGT vào trường học, bởi "trẻ con đã biết gì" mà hướng dẫn "chuyện đó", từ đó cũng có ý kiến cho rằng GDGT là "bậy bạ". Thứ ba, GDGT không chỉ là cung cấp kiến thức, mà quan trọng hơn là giáo dục kỹ năng, thái độ ứng xử. Một học sinh thuộc làu làu về cấu tạo cơ thể, hệ sinh dục, quy trình thụ thai, mang thai, sinh đẻ, nhưng vẫn có thể "bị dại" như thường, vẫn "ngố" tới mức bị người khác xâm hại mà không biết, vẫn không đủ kỹ năng làm chủ bản thân, không biết từ chối điều mình không muốn. GDGT cho thế hệ trẻ nói chung phải là sự hợp lực của ba môi trường: gia đình - nhà trường và xã hội. Trên thực tế sự "hợp lực" này còn rất nhiều lúng túng, dẫn đến trẻ em Việt Nam "bị hổng" kiến thức về giới tính, phải chịu nhiều thiệt thòi.

- Một bất cập mà chúng ta thấy rõ nhất là, trong khi những kiến thức cần thiết về GDGT phải đi qua "cửa hẹp" tới các gia đình, nhà trường bởi rất nhiều "rào cản", thì cánh cửa của các phương tiện truyền thông lại "quá rộng" cho những thông tin hỗn tạp về chủ đề này. Liệu khi đứng giữa ranh giới "rộng" và "hẹp" ấy, người trẻ có thấy hoang mang?

- Chắc chắn là các bạn trẻ đang bị "ngợp" giữa biển thông tin hiện nay. Công bằng mà nói, không ít những kiến thức hữu ích liên quan đến giới tính, sức khỏe sinh sản, tình dục mà các bạn trẻ có được hiện nay nhờ vào các phương tiện truyền thông. Nhiều tờ báo, cơ quan truyền thông có các trang "hôn nhân gia đình", "chàng và nàng", "chuyện khó nói" và các chuyên mục "chia sẻ", "cửa sổ tình yêu", "tâm sự",... đều cung cấp kiến thức về giới tính, sức khỏe sinh sản. Ðặc biệt, báo mạng thì đâu đâu cũng thấy bàn đến "chuyện ấy". Chỉ có điều, khi bầu không khí về giới tính chưa thật sự cởi mở, thì vấn đề giới tính và tình dục được coi là vấn đề "nóng", nhạy cảm. Chính vì thế, một số tờ báo, trang mạng sa đà vào khai thác quá sâu, quá kỹ, giật tít thật kêu để "câu khách". Những kiến thức, thông tin đưa lên đây vừa thừa, vừa thiếu, không có hệ thống, nên tính giáo dục chưa cao, nhiều lúc gây hậu quả xấu.

- Không chỉ các bạn trẻ còn thiếu kiến thức về GDGT, ngay cả người lớn cũng hiểu chưa đúng tầm quan trọng của vấn đề này. Vậy theo ông, làm sao nhìn nhận vấn đề tích cực, dần xóa bỏ những quan niệm lạc hậu về vấn đề giới tính, để người lớn không phải "lúng túng" khi xử lý các tình huống nhạy cảm mà con em đặt ra?

- Ðừng trách cha mẹ, thầy cô còn "lạc hậu" về vấn đề giới tính, bởi họ là sản phẩm của nền giáo dục trước đây, ngại nói về vấn đề nhạy cảm. Ðừng bắt một cô giáo dạy Văn, vừa dạy các em "cảm thụ vẻ đẹp văn chương", lại còn lồng ghép GDGT, tránh thai, phòng chống bệnh tật. Nếu đã có chủ trương đưa GDGT vào nhà trường như một môn học bắt buộc, thì ngoài việc xây dựng nội dung, chương trình, phải nghĩ đến việc đào tạo đội ngũ giáo viên nguồn chuyên trách. Những giáo viên này được đào tạo bài bản, có đủ kiến thức, kỹ năng, phương pháp giảng dạy, họ sẽ không còn lúng túng. Truyền thông cũng góp phần không nhỏ làm cho bầu không khí GDGT bớt e ngại. Khi trên đài, trên báo, trên truyền hình hằng ngày nói về vấn đề này một cách có khoa học, hệ thống, bài bản, phù hợp với thực tế cuộc sống, người ta sẽ "quen tai", sau này có nói với nhau hay với con cái cũng dễ dàng hơn. Cần có những chương trình hiệu quả, đừng kêu gọi suông rằng "hãy cởi mở đi", khó lắm.

- Qua những lý giải và phân tích của chuyên gia, ngay lúc này ông có thể chia sẻ với bạn đọc nỗi lo âu lớn nhất của mình về công tác GDGT hiện nay?

- Chúng ta phải xót xa, nhận trách nhiệm về mình khi để những em học sinh bị xâm hại tình dục, khi thấy các em mặc đồng phục vô tư dắt nhau vào nhà nghỉ, khi có em học sinh nữ 14-15 tuổi đẻ rơi trong lớp học hay những em học sinh vô tư đưa nhau đi nạo phá thai mà vui như đi hội, không chút mặc cảm, e dè. Chúng ta cần xem lại lập luận rằng, ta không thể bắt chước nước ngoài vì chúng ta có nền văn hóa Á Ðông, kín đáo, tế nhị. Ở nước ngoài người ta GDGT từ sớm, vì thế những "tai nạn" mà các em gặp phải không nhiều như ở nước ta. Ðừng nghĩ rằng các em không có nhu cầu hiểu biết về bản thân, thực ra, trong hàng nghìn thứ biết, "biết mình" là quan trọng nhất. Muốn giáo dục các em, ta không chỉ đứng trên cao để các em với lên, mà phải hòa mình, đồng cảm, chìa bàn tay ra với các em, vừa tầm và thân thiện.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!