Chống để xây!

Những ngày tháng này, Đảng, Nhà nước, nhân dân ta đang nhìn lại 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, soi trong dòng chảy lịch sử, trong những nỗ lực của công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chúng ta càng nhận thức sâu sắc hơn về những định hướng sáng suốt, nhân văn của Người.
Quang cảnh Kỳ họp thứ 46 diễn ra ngày 29/8/2024 của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương.
Quang cảnh Kỳ họp thứ 46 diễn ra ngày 29/8/2024 của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương.

Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Đảng, Nhà nước và nhân dân đã đưa ra khỏi đội ngũ những thành phần thoái hóa, biến chất; răn đe, phòng ngừa những đối tượng, mầm mống vi phạm; giữ “sạch” môi trường kinh tế-xã hội để các yếu tố tích cực có điều kiện nảy nở. Đó thật sự là một cuộc chiến cam go, lâu dài, phức tạp như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Bỏ đi những thứ cũ kỹ, hư hỏng để xây nên những gì đẹp đẽ, tốt tươi.

Thực hiện lời dặn dò đau đáu vì nước non của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các thế hệ lãnh đạo Đảng, Nhà nước qua nhiều thời kỳ đã chú trọng đến phát triển đảng, chèo lái đưa đất nước vươn đến những thành tựu trong phát triển và hội nhập quốc tế sâu rộng. Song, trong quá trình ấy, có những thời điểm, phát triển nóng về kinh tế đã bộc lộ những điểm bất cập trong tổ chức xã hội cũng như trong xây dựng Đảng.

Nhận thức được những nguy cơ nếu không thực hiện phòng chống tham nhũng, lấy lại niềm tin trong Đảng, trong dân, người học trò xuất sắc - cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đặt vấn đề chống tham nhũng, tiêu cực làm ưu tiên, làm trọng tâm của chương trình hành động của Đảng. Nhiều lần, cố Tổng Bí thư sử dụng hình ảnh: cắt một cành sâu để cứu cả cái cây, hay xử lý một người để cứu muôn người..., qua đó nhấn mạnh đến tính cấp thiết của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đó chính là tinh thần chống để xây, xử lý để làm trong sạch đội ngũ mà việc chống tham nhũng suy đến cùng là nhằm để phát triển kinh tế-xã hội, để củng cố niềm tin trong nhân dân.

Thật vậy! Liên hệ cụ thể đến nhiều biện pháp quyết liệt được các cơ quan chức năng áp dụng thời gian qua, sẽ thấy: điều tra kỹ càng, xử lý chặt chẽ, vạch rõ mức độ vi phạm, sẽ càng có cơ hội thu hồi về cho ngân sách các khoản thất thoát; chặn đứng một đường dây tiêu cực, ngăn lại những nhóm lợi ích bất chính, sẽ giảm nguy cơ mất mát công quỹ và tiền của xã hội; loại ra những kẻ trục lợi bất chính sẽ bớt đi lực cản; giảm đi tham nhũng, tiêu cực, nhũng nhiễu, cửa quyền… sẽ bớt được tệ nạn hối lộ, chạy chọt, móc ngoặc…

Công cuộc phòng, chống tham nhũng chắc chắn sẽ còn lâu dài, vất vả. Nhưng điều đó cho thấy hiệu quả và thành công trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ đóng góp nhiều hơn cho công cuộc xây dựng đất nước, phát triển xã hội. Đó là phòng, chống liên tục trong các lĩnh vực, địa phương sẽ càng làm trong sạch đội ngũ, củng cố niềm tin trong lĩnh vực, địa phương đó; phòng, chống mạnh mẽ càng khiến cho cán bộ, đảng viên làm đúng, làm tốt nhiệm vụ của mình, cũng như đối tác thêm tin cậy, tích cực hợp tác, đầu tư; phòng, chống được thực hành khoa học, minh bạch, sáng tạo… sẽ càng góp phần xây dựng văn hóa, ý nghĩa nhân văn, nền tảng lý luận của chính công cuộc phòng, chống đó.

Đây là những tác dụng đa dạng, thiết thực khi việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, đề cao, chính là nhằm phát triển kinh tế, ổn định xã hội, xây dựng môi trường sống tốt đẹp, minh bạch hơn cho mỗi người dân Việt Nam. Chống để xây thật sự là như thế!