Song, đến thời điểm đó, số tiền cả nước chung tay quyên góp ủng hộ đồng bào vùng bão lũ đã lên tới 1.094 tỷ đồng, và vẫn đang tiếp tục tăng lên nhanh chóng. Trong nghịch cảnh, tinh thần “lá lành đùm lá rách” truyền lại từ cha ông vẫn rực sáng.
Ngọn lửa ấy đã lập tức cháy lên, ngay từ những ngày đầu tiên cơn bão số 3 tàn phá Quảng Ninh, đổ vào Thủ đô Hà Nội, tiến lên trung du rồi gieo rắc tang thương suốt một dải chiến khu xưa Việt Bắc. “Miền bắc gặp nạn, anh em miền nam lẽ nào ngồi yên!”, “Đồng bào miền bắc ơi, đợi Huế nhé!”, “Miền trung hướng về miền bắc ruột thịt”…
Nhìn những chuyến xe vun vút lao đi trên đường thiên lý, chở theo cả hàng đêm thức trắng gom nhu yếu phẩm, đóng hàng, gói bánh chưng… của hàng triệu con người, cả những đồng tiền thấm đẫm mồ hôi của những bà mẹ già tần tảo, cả sự hưởng ứng nhiệt thành dành cho những lời kêu gọi: “Chúng em vẫn cần thêm hàng cứu trợ cho bà con vùng lũ” hay “Chúng em xin một chuyến xe 0 đồng”, dù dạn dày chai sạn đến đâu, ai cũng có thể thấy mắt mình bất giác cay cay...
“Bầu ơi thương lấy bí cùng”, đạo lý dân tộc nghìn đời ấy vẫn luôn được thể hiện đậm nét, bất cứ lúc nào đất nước đối diện khó khăn, thử thách. Đạo lý ấy tiếp nối và càng được làm sáng rõ trong thế hệ trẻ qua những lời kêu gọi, qua những quán ngữ như “Việt Nam tôi đó!” hay “Kiếp sau có là cây, cũng nhất định phải mọc trên đất Việt!”.
Nhưng cũng chính vì vậy, sau sự tận tâm và niềm kiêu hãnh, cũng vẫn còn những khúc mắc như từ thời cả nước chống dịch, hay đợt bão lũ miền trung lịch sử năm 2020 - một hệ quả tất yếu khi có lúc, có nơi hoạt động cứu trợ, thiện nguyện bùng lên theo hướng tự phát, tự giác, thiếu thông tin, thiếu tính tổ chức. Điều đó cũng có nghĩa là nhiều lúc còn thiếu tính khoa học, để có thể cứu trợ đúng người, đúng nơi, đúng đối tượng, đúng thời điểm, đúng nhu cầu.
Đơn cử, khi những thông tin đầu tiên rằng Thái Nguyên chìm trong biển nước, nhiều đội thiện nguyện hướng về nơi ấy. Hành trang họ gấp rút chuẩn bị và mang theo là những vật phẩm quý giá vào thời điểm đó: Lương thực, thực phẩm và nước sạch. Song, khi hàng loạt chuyến xe còn dồn ứ, chưa kịp chuyển hết hàng cứu trợ cho Thái Nguyên (dẫn đến tình trạng một số lượng không nhỏ thức ăn bị hỏng, gây lãng phí), thì bão và hoàn lưu bão đã tàn phá Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn…
Chu trình rượt đuổi hệ lụy của bão lũ chạy vòng quanh cả 26 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng. Đến những ngày cuối, trên mạng xã hội vẫn vọng lên lời kêu gọi: “Quân dân Nam Định hộ đê, mỗi ngày cần khoảng 1.000 suất ăn, xin được giúp đỡ!”. Mà khi ấy, ở rất nhiều địa phương khác, nhu cầu thực tế đã chuyển sang một giai đoạn mới, là những sự hỗ trợ vật phẩm y tế nhằm phòng dịch, hay hỗ trợ vật chất, tài chính để hướng đến ổn định đời sống, tái thiết xã hội.
Trong cả quá trình này, cũng còn những khu vực bị cô lập, không điện, không sóng điện thoại, không internet, không cách nào kêu cứu, vào thời điểm đó chưa đoàn thiện nguyện nào đủ khả năng tiếp cận.
Vẫn biết, khi đất nước gian lao, lòng ai cũng như lửa đốt. Song, bình tĩnh lại, để thu thập thêm thông tin, phân tích tình hình và xác định lại lộ trình, chắc chắn hoạt động thiện nguyện sẽ còn phát huy hiệu quả gấp bội.
Và trên tất cả, niềm tin đặt vào Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, chính quyền các địa phương cũng như tinh thần vì nước, vì dân của các lực lượng vũ trang nhân dân là vô cùng quan trọng. Những nơi các đoàn xe thiện nguyện không thể đến, thì đã có sự xả thân của các chiến sĩ công an và bộ đội. “Miếng cơm ngụm nước” khi này, trao vào tay họ, mới lại càng đáng quý biết bao nhiêu…