Giáo dục về liêm chính được đề cập thống nhất, xuyên suốt trong nhiều giai đoạn. Điều lệ Đảng quy định đảng viên phải rèn luyện và thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, văn kiện Đại hội Đảng qua các thời kỳ cũng đề rõ mục tiêu, nhiệm vụ về giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng, trong đó có đạo đức liêm chính. Nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận về xây dựng, chỉnh đốn đảng, kiểm soát quyền lực, công tác cán bộ, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đều nhấn mạnh giáo dục liêm chính.
Tuy nhiên, thời gian qua, một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý. Không ít cán bộ, trong đó có cả cán bộ cấp cao, lợi dụng vị trí, chức vụ của mình để trục lợi, hình thành các nhóm lợi ích, gây thất thoát lớn tài sản nhà nước. Điều này cho thấy giáo dục liêm chính tại nhiều cơ quan, đơn vị chưa được coi trọng và nhận thức đúng, việc thể chế hóa chủ trương của Đảng về giáo dục liêm chính chưa kịp thời, giá trị liêm chính chưa được đề cao…
Gần đây, Quy định số 144-QĐ/TW về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới do Bộ Chính trị ban hành, xác định rõ nhóm chuẩn mực quan trọng là: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Trên cơ sở này, Ban Tuyên giáo Trung ương có Hướng dẫn số 159-HD/BTGTW làm rõ nội hàm "liêm chính". Theo đó, "Liêm" gồm: trong sạch, không tham ô, tham nhũng, tiêu cực, không gây phiền hà, sách nhiễu, chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống…; "Chính" gồm: trung thực, thẳng thắn, khách quan, công tâm, tích cực đấu tranh tự phê bình và phê bình, không giấu khuyết điểm, không nói sai sự thật, thấy đúng phải bảo vệ, thấy sai phải đấu tranh…
Việc làm rõ nội hàm nói trên hướng tới mục tiêu, khi liêm chính được lan tỏa, thấm nhuần đến từng cán bộ, đảng viên ở mọi cấp, mọi ngành, lĩnh vực, từ môi trường công vụ cho đến cuộc sống đời thường, chính là giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực "từ sớm, từ xa".
Để thực hiện điều này, cấp ủy các cấp cần tiếp tục đóng vai trò quan trọng đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục ý thức thực hành đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị-xã hội trong tuyên truyền, vận động, giáo dục và thực hành liêm chính; tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong quán triệt, triển khai quy định của Đảng, Nhà nước về thực hiện liêm chính; xây dựng nội dung liêm chính phù hợp từng đối tượng; đa dạng hóa hình thức giáo dục liêm chính…
Liêm chính có được thực thi hiệu quả hay không còn phụ thuộc tinh thần trách nhiệm, sự tự nguyện, tự giác. Bởi vậy, một yêu cầu quan trọng là mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có ý thức tự giáo dục, tự rèn luyện phẩm chất liêm chính, nhận thức liêm chính là thước đo để đánh giá phẩm chất đạo đức lối sống, bản lĩnh chính trị, từ đó có ý chí, nghị lực, giữ danh dự và nhân cách trong sáng, vững vàng trước cám dỗ, thủ đoạn, cạm bẫy tinh vi.
Như vậy, giáo dục liêm chính không chỉ là giải pháp nâng cao hiệu quả phòng chống tham nhũng, tiêu cực, hình thành đội ngũ cán bộ có năng lực, phẩm chất, tư cách đạo đức tốt, mà còn là nền tảng lan tỏa tinh thần liêm chính, văn hóa liêm chính, cách hành xử theo tinh thần liêm chính trong xã hội. Và xã hội liêm chính sẽ tạo ra đồng thuận, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Nhà nước.