Đó là tâm lý sợ sai, sợ làm hỏng, né việc, đùn đẩy trách nhiệm; hoặc nể nang, không dám phản biện, đấu tranh, không đóng góp cho công việc chung. Đó cũng là hiện tượng nhóm lợi ích, nhóm thân hữu, cất nhắc người không đủ phẩm chất đạo đức và năng lực; không tạo điều kiện, không khích lệ được người tài phát huy năng lực.
Rộng hơn là những hạn chế trong chính sách trọng dụng nhân tài; cơ chế lương, thưởng; mức đầu tư cho việc đãi ngộ, khuyến khích đổi mới sáng tạo. Cả những bất cập trong việc thúc đẩy những cách làm mới, làm khác, thử nghiệm để rút ra những phương thức tốt hơn cho công việc.
Tâm lý e ngại, tránh né, sự trì trệ, ùn ứ trong công tác, không phát huy năng lực người tài chính là lãng phí nguồn lực, không đáp ứng được kỳ vọng của tập thể, của xã hội. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước từng nêu vấn đề chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, đảng viên, nghiên cứu cải tiến chính sách, cơ chế để khuyến khích người tài, phát huy nguồn nhân lực chất lượng cao, khơi gợi nhiều ý tưởng và sáng tạo tích cực, nhân lên tâm huyết cống hiến cho công việc, cho xã hội.
Nhằm chuẩn bị tốt các văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV với nhiều nội dung lớn, trong đó có vấn đề nhân sự; nhằm cải thiện tình hình sử dụng nhân lực, nâng cao hiệu quả công tác của một bộ phận cán bộ, đảng viên, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đưa ra định hướng, chỉ đạo quan trọng. Tại Hội nghị triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương 10, khóa XIII diễn ra sáng 20/10, trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị sao cho tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Một trọng tâm trong đó chính là tinh gọn bộ máy, tổ chức các cơ quan của đảng, để đây thật sự là hạt nhân trí tuệ, là “bộ tổng tham mưu”, đội tiên phong lãnh đạo cơ quan nhà nước. Đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu các cấp được yêu cầu phải có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ trong điều kiện mới.
Đồng chí Tổng Bí thư cũng yêu cầu: Tập trung chuẩn bị tốt nhất nhân sự cho đại hội đảng các cấp. Theo đó, cần phải chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, thử thách đối với các đồng chí là nhân sự được quy hoạch tham gia cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy các cấp, bảo đảm lựa chọn ra được cấp ủy, nhất là người đứng đầu có năng lực lãnh đạo, có sức chiến đấu cao, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo vì sự nghiệp chung, có năng lực lãnh đạo thực hiện thắng lợi các chủ trương của Đảng, đưa nghị quyết của Đảng vào thực tiễn cuộc sống trên từng lĩnh vực, địa bàn.
Rất đáng quan tâm là những vấn đề trên được định hướng thực hiện ngay, một cách rốt ráo chứ không chờ đợi, không đùn đẩy. Như vậy, giải pháp cấp thiết hiện nay chính là làm sao để thúc đẩy các mặt công tác nhân sự, công tác quản lý, lãnh đạo, điều hành nói chung, tiến triển nhanh chóng, hiệu quả. Việc này đòi hỏi sự phối hợp tích cực giữa các bộ ngành, cơ quan, đơn vị, các cấp và các địa phương nhằm tháo gỡ vướng mắc, không để hoạt động lao động, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ bị trì trệ, ứ đọng. Cùng với đó, đẩy mạnh rà soát, kiểm tra nhằm giải quyết những bất cập, xử lý những hành vi né tránh và gây cản trở công việc chung.
Những giải pháp dài hơi cần thúc đẩy vẫn là cải thiện chính sách, cơ chế đãi ngộ. Cần áp dụng rộng rãi cơ chế công khai, minh bạch về tiến độ, hiệu quả công tác, áp dụng chế tài xử lý nghiêm những biểu hiện, hành vi sai trái trong công việc. Làm tốt ở cả hai khía cạnh quyền lợi và nghĩa vụ của cán bộ, đảng viên, chính là tạo chỗ dựa cho sự cống hiến một cách có trách nhiệm và có danh dự.