Phát huy trí tuệ tập thể, tạo thống nhất cao trong Đảng

Trên cơ sở kế thừa và phát huy Chỉ thị đại hội đảng bộ các cấp các nhiệm kỳ gần đây, các nghị quyết, kết luận của Trung ương, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội XIII, Chỉ thị số 35-CT/TW (Chỉ thị) về Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng đã chính thức được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành ngày 14/6/2024.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh điểm cầu Hội trường Diên Hồng, sáng 9/7, trong Hội nghị toàn quốc quán triệt Quy định số 144-QĐ/TW và Chỉ thị số 35-CT/TW.
Quang cảnh điểm cầu Hội trường Diên Hồng, sáng 9/7, trong Hội nghị toàn quốc quán triệt Quy định số 144-QĐ/TW và Chỉ thị số 35-CT/TW.

Đây được đánh giá là văn bản quan trọng, định hướng rõ quan điểm, nguyên tắc, mục tiêu, yêu cầu, tiêu chuẩn và những nội dung cơ bản chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp để các cấp ủy, tổ chức đảng quán triệt, lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện ở cấp mình, bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong toàn hệ thống chính trị.

Chỉ thị đặt ra bảy yêu cầu đối với công tác chuẩn bị và tiến hành đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, trong đó, công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp phải được các cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện theo đúng quy định, nguyên tắc của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ; nâng cao năng lực cầm quyền, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng.

Chỉ thị yêu cầu nâng cao chất lượng văn kiện đại hội đảng bộ các cấp, dự báo tình hình, xác định rõ thế mạnh, định hướng trọng tâm phát triển, chỉ rõ ưu điểm, khuyết điểm, nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Chỉ thị nêu rõ chỉ đạo của Bộ Chính trị cần tiếp tục chấn chỉnh, đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, công tác nhân sự, bảo đảm sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, cấp ủy các cấp, bảo đảm tổng thể, liên thông, chặt chẽ, dân chủ, khoa học, khách quan, công tâm, minh bạch…, sàng lọc hiệu quả, không bỏ sót người thật sự có đức, có tài, không để lọt vào cấp ủy những người năng lực, uy tín giảm sút, suy thoái về tư tưởng, đạo đức, chính trị, lối sống…

Cùng bảy yêu cầu, sáu nội dung chính được Chỉ thị đề cập gồm: bốn nội dung đại hội đảng bộ các cấp cần thực hiện; việc chuẩn bị dự thảo văn kiện đại hội; quy trình nhân sự, tiêu chuẩn cấp ủy viên, cơ cấu, số lượng, tỷ lệ, độ tuổi; cơ cấu, số lượng đại biểu và việc bầu đại biểu dự đại hội cấp trên; thời gian tiến hành đại hội đảng bộ các cấp; phân công, bố trí và thực hiện chính sách đối với cán bộ sau đại hội.

Các nguyên tắc, quy định, hướng dẫn về công tác nhân sự, bầu cử, nội dung đại hội và các vấn đề liên quan được nêu cụ thể trong Chỉ thị nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và chặt chẽ trong quá trình tổ chức đại hội từ cấp cơ sở đến cấp trung ương. Điểm thấy rõ từ yêu cầu cũng như nội dung là Chỉ thị số 35 quán triệt cấp ủy các cấp khuyến khích cán bộ, đảng viên tham gia tích cực quá trình chuẩn bị và tổ chức đại hội.

Chỉ thị tạo điều kiện để cán bộ, đảng viên đóng góp ý kiến vào các văn kiện, chương trình hành động của đại hội, quy chế bầu cử. Liên quan nhân sự, vấn đề hết sức hệ trọng của đại hội, Chỉ thị yêu cầu việc giới thiệu, bầu cử cần thực hiện đúng quy trình, dân chủ, công khai, minh bạch, bảo đảm sự tham gia của cán bộ, đảng viên trong việc lựa chọn nhân sự, cơ cấu nhân sự cần tính kế thừa, ổn định và đổi mới, chú trọng quyền lợi của cán bộ, đảng viên trong lựa chọn người lãnh đạo, đại biểu dự đại hội cấp trên…

Việc tăng cường tính dân chủ có ý nghĩa vô cùng quan trọng nhằm phát huy trí tuệ tập thể, tạo sự đồng thuận và thống nhất cao trong Đảng. Qua đó, cấp ủy các cấp nhận thức rõ việc quán triệt và thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị không chỉ hướng tới mục tiêu tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp vào năm tới mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, góp phần định hướng tương lai phát triển đất nước.