Khoa học, nhân văn trong xây dựng chính sách văn hóa

THỜI gian qua, nhiều văn bản pháp luật quản lý, quy định các lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật được sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới. Luật Điện ảnh được sửa đổi, bổ sung, bàn luận qua nhiều kỳ cuộc, thu hút quan tâm của giới nghề và nhiều địa phương.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), ngày 14/8.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), ngày 14/8.

Luật Di sản văn hóa được sửa đổi, bàn thảo, nhận phản biện, gợi mở của nhiều chuyên gia. Dự thảo Nghị định về văn học đang được nhiều bộ, ngành, đoàn thể góp ý. Nhiều người mong muốn Nghị định về nghệ thuật biểu diễn sửa đổi phù hợp tình hình thực tế. Nghị định về phong tặng danh hiệu nghệ sĩ cũng đã điều chỉnh với những nét mới đáng ghi nhận…

Ở cấp độ dưới luật, dưới nghị định, còn có quy định về quy tắc ứng xử, văn hóa ứng xử của nghệ sĩ, của công chức, viên chức trong đời sống xã hội, không gian công cộng… với mục đích xây dựng, lan tỏa lối sống văn hóa, văn minh.

Điều này phản ánh mối quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp ngành và xã hội đối với lĩnh vực văn hóa, văn nghệ; cùng những định hướng, triển khai thiết thực trong việc xây dựng, củng cố cơ sở pháp lý cho sự phát triển văn hóa văn nghệ nước nhà. Đây là thuận lợi khi văn hóa gồm cả văn nghệ được coi trọng hơn, nhìn nhận vừa như mục tiêu phát triển, vừa như động lực, tiềm lực cho chính sự phát triển đó, cũng là cơ hội tốt để giới nghiên cứu, sáng tác, quản lý, hoạt động văn hóa, văn nghệ đóng góp cho việc đổi mới, phát huy các chính sách văn hóa, văn nghệ.

Đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ từ định hướng, đường lối, từ mong mỏi của giới nghề và xã hội là trách nhiệm lớn của ngành văn hóa, các đơn vị quản lý nhà nước về các lĩnh vực văn hóa, văn nghệ trong xây dựng chính sách, các nhà quản lý và chuyên gia trong việc tham gia biên soạn các văn bản pháp luật. Ở đây, đòi hỏi tầm nhìn xa, tri thức sâu về các lĩnh vực và sự sâu sát với đời sống văn hóa văn nghệ để xây dựng kế hoạch, soạn thảo văn bản pháp luật trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt.

Việc xây dựng một văn bản mất nhiều công sức, thời gian, cần tránh việc khi hoàn thành thì văn bản lạc hậu so thực tiễn. Ngoài tính chặt chẽ, khoa học của văn bản pháp luật, thì sự sâu sắc, nhân văn trong các điều khoản quản lý, quy định đối với các lĩnh vực văn hóa, văn nghệ cũng là đòi hỏi rất cao đối với nhà soạn thảo. Các văn bản luật pháp này hướng đến đối tượng chịu sự quản lý, điều chỉnh, quy định là giới chuyên môn, văn nghệ sĩ, cùng đối tượng thụ hưởng văn hóa văn nghệ là đông đảo bạn đọc, khán, thính giả, nên cần sự đóng góp chung của giới nghề, xã hội để văn bản càng được hoàn thiện, phục vụ tốt cho quyền lợi chính đáng của người làm nghề và công chúng...

Có những kỳ vọng trên là bởi cùng việc quan tâm, xúc tiến hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ, thì không ít trường hợp còn chậm trễ, còn thiếu bao quát và sâu sát khi nắm bắt những diễn biến mới của thực tế đời sống văn hóa, văn nghệ, tiếp nhận ý kiến chưa đồng thuận từ giới nghề. Những bất cập đã có trong văn bản, cộng với những phát sinh từ chính việc bổ sung, điều chỉnh, xây dựng mới chưa được kín kẽ, chặt chẽ, sâu sắc, sẽ ảnh hưởng đến việc triển khai chính sách, phát huy tiềm năng văn hóa văn nghệ, khích lệ giới chuyên môn, văn nghệ sĩ sáng tạo, cống hiến.

Xây dựng, phát huy chính sách về văn hóa, văn học nghệ thuật là chủ trương tiến bộ, hành động nhân văn. Làm cho sự tiến bộ, nhân văn trong nội dung các văn bản pháp luật, quy định trở thành nguồn năng lượng mới cho việc tôn vinh, phát huy sức mạnh văn hóa, chính là hướng đến một xã hội văn hóa, văn minh.