Khoảng trống trên nền trời

Sau cơn bão số 3 (bão Yagi), đi trên những tuyến đường phố dù ở Thủ đô Hà Nội, các đô thị ở Hải Phòng, Quảng Ninh, hay các tỉnh, thành phố khác chịu thiệt hại nặng nề do bão trực tiếp quét qua, không ít người thấy xót xa, hẫng hụt. Cảm giác ấy thật sự hiện hữu khi cuồng phong đã biến hầu hết các tuyến đường thành không gian hoang tàn, ngổn ngang cây xanh ngã đổ.
0:00 / 0:00
0:00
Tranh: Họa sĩ X.Lan
Tranh: Họa sĩ X.Lan

Trên những tuyến đường như Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu, Thanh Niên, Lý Thái Tổ (Hà Nội),… nhiều cây xanh bung trốc gốc, trong đó không ít là cổ thụ có tuổi đời cả trăm năm như cây đa, si, xà cừ… Họp trực tuyến với Thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội báo cáo sơ bộ có khoảng 17.000 cây gãy đổ trên địa bàn (thời điểm ngày 8/9). Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh cho biết, bão làm gãy đổ khoảng 70% số cây xanh ở các đô thị lớn thuộc tỉnh. Nhiều tỉnh, thành phố khác ở miền bắc cũng trong tình trạng tương tự…

Cây xanh được coi như lá phổi của đô thị. Ở các đô thị Việt Nam, cây xanh được trồng cạnh di tích như đình, đền, chùa, miếu mạo, nơi dân chúng tham gia hoạt động tâm linh, tín ngưỡng, hay trồng trên hè phố, nơi cư dân sinh hoạt hằng ngày… Cây xanh không chỉ tạo ra kiến trúc cảnh quan hài hòa, giúp con người Việt Nam phát triển bền vững cùng thiên nhiên, mà còn hình thành không gian đô thị đậm bản sắc văn hóa-lịch sử. Trong quan niệm dân gian, cây cối, đặc biệt cổ thụ, còn là biểu tượng thiêng, có hồn, có vía, có thần.

Cũng bởi vậy, nhiều người thảng thốt khi nhận thông tin ban đầu là cây đa cạnh mặt trước đền Bà Kiệu (Hà Nội) bị đổ (sau được xác nhận là không chuẩn xác). Người dân cả nước nhói lòng khi nghe tin ở Hà Nội, cổ thụ trăm năm tuổi trước Nhà thờ Lớn bị quật đổ; cây nằm bên khuôn viên Vườn hoa Lý Thái Tổ gãy; cây đa cạnh Văn Miếu-Quốc Tử Giám có tuổi đời hàng trăm năm bật gốc; cây sưa tại vòng xuyến giao cắt giữa đường Điện Biên Phủ và phố Chùa Một Cột gục ngã trước cuồng phong…

Không thể phủ nhận cơn bão vào nước ta là siêu bão, nguyên nhân trực tiếp khiến cây xanh ở nhiều đô thị gãy đổ hàng loạt. Nhưng phải sớm nhận thức rõ nguyên nhân sâu xa, cũng là điều mà các chuyên gia có trách nhiệm từng cảnh báo. Đó là công tác quy hoạch không đồng bộ, đô thị phát triển quá nhanh dẫn tới hệ thống cây xanh bị đe dọa nghiêm trọng.

Với cây có tuổi đời cao, việc thi công đường sá, nhà cửa, công trình ngầm, cáp ngầm xâm hại hệ rễ cây, các rễ mới mọc không thể bám đất. Với những cây trồng sau này, nhiều cây chưa bảo đảm tiêu chuẩn trồng trong đô thị như: chưa phù hợp đặc trưng sinh học của từng tuyến phố, con đường đô thị; chưa phù hợp độ ẩm, đất đai, diện tích, không gian cảnh quan. Ấy là chưa kể việc trồng cây chưa được quan tâm đúng tầm mức, có nơi thực hiện qua loa, thiếu trách nhiệm, thậm chí còn có biểu hiện trục lợi, ý thức của cư dân trong việc trồng, chăm sóc, bảo vệ cây chưa cao...

Bão qua đi, hoàn lưu bão gây lũ lụt tiếp tục làm thiệt hại nghiêm trọng về người và của ở các tỉnh phía bắc. Song song hoạt động cứu trợ, công tác khắc phục hậu quả bão lụt, trong đó có việc phục hồi mảng xanh, được chính quyền khẩn trương thực hiện. Cùng với việc trồng mới thay thế cho cây đổ, thiết nghĩ cơ quan chức năng cần kiểm tra, rà soát, đánh giá, lựa chọn những cây có khả năng trồng lại, nhất là cổ thụ, để hồi sinh thay vì vội vã cưa bỏ; tìm giải pháp kỹ thuật chăm sóc, cứu sống cây sau bão. Về lâu dài, chính quyền các đô thị cần xây dựng quy hoạch tổng thể về cây xanh, duy trì bảo tồn cây lâu năm và xây dựng tiêu chuẩn đối với những cây trồng mới...

Thiên tai có thể ngày càng khắc nghiệt. Nhưng sau 5 năm, 10 năm tới, và lâu hơn, hy vọng rằng thế hệ hiện nay và các thế hệ tương lai, mỗi khi ngước lên, có thể yên tâm bắt gặp vòm lá xanh trên nền trời thay vì khoảng trống hoang hoải như cơn bão số 3 năm 2024 vừa để lại.