Cái gốc của thi đua

Mới đây, tại Đắk Lắk, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương, phát động "500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc". Trong không khí cả nước sôi nổi hướng tới kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, lời kêu gọi thi đua càng thêm phần ý nghĩa.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát động "500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường cao tốc".
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát động "500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường cao tốc".

Kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay, cả nước hoàn thành khoảng 1.000 km đường bộ cao tốc đi qua 15 tỉnh, thành phố, nâng tổng số đường bộ cao tốc lên gần 2.100 km. Hiện còn khoảng 1.000 km phải hoàn thành từ nay đến cuối năm 2025.

Việc phát động thi đua không chỉ nhằm phấn đấu hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phát triển đường cao tốc, mà được cụ thể hóa, lượng hóa qua các thông số về chiều dài, về thời gian, về tiến độ, đặt rõ mục tiêu đối với từng bộ, ngành, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp.

Để tạo nên hệ thống hạ tầng như Nghị quyết Đại hội XIII đặt ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các cấp ủy đảng chỉ đạo sát sao, cả hệ thống chính trị vào cuộc; chính quyền vận động người dân và doanh nghiệp cả nước đồng tình, ủng hộ, phát huy tính chủ động, sáng tạo, linh hoạt, trách nhiệm, tập trung thực hiện tốt; thực hiện có hiệu quả, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, phân công "rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ quy trình, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ hiệu quả"...

Sau lời phát động của Thủ tướng, Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông cũng đã có ngay văn bản đặt ra sáu nhiệm vụ trọng tâm, bốn yêu cầu cụ thể để đẩy nhanh tiến độ hưởng ứng đợt thi đua cao điểm nói trên...

Kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, nước ta triển khai nhiều phong trào thi đua trên hầu hết các lĩnh vực. Hoạt động thi đua, phong trào thi đua tạo nên sức mạnh vật chất và tinh thần to lớn, cổ vũ động viên nhân dân cả nước, khơi dậy lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, huy động hiệu quả sức người, sức của, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, gian khổ, làm nên thắng lợi vẻ vang của cách mạng Việt Nam. Đặc biệt, những năm gần đây, nhiều phong trào thi đua như "Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới", "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, "Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19", "Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025"… đạt hiệu quả cao, gây tiếng vang, đã tạo động lực, truyền cảm hứng, phát huy nội lực xây dựng, phát triển đất nước, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Còn nhớ, trong tháng 7 vừa qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, chỉ hơn sáu tháng thi công, các dự án đường dây 500 kV mạch 3 đã cơ bản về đích, tạo nên kỳ tích của thời kỳ Đổi mới. Thành quả ấy cũng để lại nhiều bài học kinh nghiệm trong việc triển khai các công trình khác, những việc lớn, quan trọng của đất nước theo tinh thần vượt qua khó khăn, thách thức, biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể... Cùng với thời gian, các phong trào thi đua không dừng ở những khẩu hiệu chung chung, hình thức, mà ngày càng sống động hơn, hướng vào những vấn đề thiết thực của đời sống, nhờ thế nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của người dân. Chính việc triển khai một cách dân chủ, khách quan, bám sát thực tiễn, thực chất, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, các phong trào thi đua góp phần quan trọng vào thành tựu chung về kinh tế-xã hội của đất nước, tạo động lực phát triển.

Gốc của thi đua chính là hướng tới nhân dân và vì lợi ích của nhân dân, huy động sức mạnh từ nhân dân theo tinh thần dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng. Thực tế đã chứng minh sức sống mạnh mẽ của phong trào thi đua qua nhiều công trình trọng điểm, nhiều kỳ tích của đất nước hôm nay.