Gs, Ts Từ Thị Loan:

Cân bằng đức trị và pháp trị để phát triển văn hóa

Kể từ khi Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 được tổ chức, một năm qua, đã có rất nhiều vấn đề lớn của đời sống văn hóa đất nước được đưa ra bàn thảo, hướng đến mục tiêu để văn hóa luôn thật sự là nguồn lực, động lực nội sinh cho sự phát triển bền vững của đất nước. Chung quanh chủ đề những cách tiếp cận mới trong xây dựng và vận hành cơ chế vĩ mô thúc đẩy phát triển nguồn lực văn hóa, Nhân Dân cuối tuần có cuộc trò chuyện với Giáo sư, Tiến sĩ Từ Thị Loan.
0:00 / 0:00
0:00
Cảnh trong vở Ngược sóng của Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh.
Cảnh trong vở Ngược sóng của Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh.

Hoàn thiện hệ thống pháp luật phải là nhiệm vụ cấp bách

- Thưa bà, từ nhiều năm nay, trên nhiều diễn đàn, các chính sách liên quan lĩnh vực văn hóa ở Việt Nam được cho là còn nhiều bất cập, chưa theo kịp, đáp ứng những tính chất đặc thù của lĩnh vực này. Theo quan điểm của bà, thực tế đó cần được nhìn nhận như thế nào?

- Có thể nói là ngổn ngang nhiều vấn đề. Nhưng tựu trung lại, tôi muốn nhấn mạnh ba vấn đề thiết yếu như sau.

Thứ nhất là sự chậm trễ trong việc xây dựng và ban hành luật để quản lý một số lĩnh vực văn hóa-nghệ thuật. Các lĩnh vực như nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm vẫn phải quản lý bằng nghị định, trong khi đây là những ngành đã được xếp là ngành quan trọng của phát triển công nghiệp văn hóa, đồng thời có nhiều khó khăn, phức tạp trong công tác quản lý. Theo mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 (ban hành năm 2009), đến năm 2015 chúng ta phải ban hành Pháp lệnh Nghệ thuật biểu diễn, Pháp lệnh Mỹ thuật-Nhiếp ảnh và đến năm 2020 ban hành Luật Nghệ thuật biểu diễn, Luật Mỹ thuật-Nhiếp ảnh, nhưng cho đến nay, vẫn chỉ mới có nghị định để quản lý (Nghị định số 144/2020/NĐ-CP quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn, Nghị định 113/2013/NĐ-CP về hoạt động mỹ thuật, Nghị định số 72/2016/NĐ-CP về hoạt động nhiếp ảnh).

Thứ hai, một số luật trong lĩnh vực văn hóa của chúng ta có độ trễ quá lớn so thực tiễn. Một thí dụ: Luật Quảng cáo được ban hành từ năm 2012 mới chỉ quan tâm đến các hình thức quảng cáo truyền thống (quảng cáo trên báo chí, phát thanh, truyền hình, ngoài trời, phương tiện giao thông...), mà chưa theo kịp sự phát triển của công nghệ số, quảng cáo trên internet, mạng xã hội, trong khi đây là phương thức quảng cáo chính từ nhiều năm nay; chính vì vậy, phần lớn số tiền thu được từ quảng cáo lại rơi vào tay chủ sở hữu là các nhà mạng nước ngoài. Chúng ta sử dụng "sân chơi" là hạ tầng công nghệ của nước ngoài và khó đề ra các "luật chơi" để quản lý. Tương tự là một loạt luật khác cũng cần sửa đổi, bổ sung để khắc phục tình trạng thể chế quản lý xa rời thực tiễn.

Thứ ba, vẫn còn tồn tại tình trạng luật chờ nghị định, nghị định chờ các văn bản hướng dẫn. Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2016, nhưng phải đến năm 2018, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mới ban hành được Kế hoạch thực hiện Chiến lược này (Quyết định số 3605/QĐ-BVHTTDL ngày 27/9/2018) và việc thực hiện các đầu việc của Kế hoạch cũng còn chậm.

Cân bằng đức trị và pháp trị để phát triển văn hóa ảnh 1
Gs, Ts Từ Thị Loan (ảnh trên) nguyên là Quyền Viện trưởng Văn

hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) giai đoạn

2014 -2017. Hiện nay, bà là Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo của Viện này.

Bà còn là Viện trưởng Nghiên cứu Văn hóa Thăng Long thuộc Liên hiệp các Hội Khoa

học và Kỹ thuật Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp

Việt Nam.

- Có nghĩa là các cơ quan chức năng cần phải sớm khắc phục triệt để tình trạng này, nhưng theo bà, họ nên hoặc cần phải bắt đầu từ khâu nào?

- Không có gì mới dưới ánh mặt trời này, bạn ạ: tất cả đều được bắt đầu từ con người. Cần phải xem xét kiện toàn bộ máy các cơ quan tham mưu, giúp việc, tư vấn xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực văn hóa. Cá nhân tôi cho rằng, việc hoạch định chính sách yếu kém chủ yếu do nguồn nhân lực yếu kém và không làm việc đúng theo chuyên môn, ngành nghề.

Cân bằng đức trị và pháp trị để phát triển văn hóa ảnh 2
Các trung tâm nghệ thuật do tư nhân đầu tư toàn

bộ đang xuất hiện ngày càng nhiều ở Việt Nam. Ảnh: VCCA Hà Nội

Chủ động hơn nữa trong hội nhập văn hóa

- Thưa bà, tình trạng nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa như vậy phải chăng có nguyên do từ việc nhiều năm qua, trong bối cảnh giao lưu, hội nhập văn hóa ngày càng sâu rộng nhưng chúng ta chưa chủ động trang bị kiến thức và xây dựng cách thức tiếp cận mới về quản lý văn hóa phù hợp với sự thay đổi của xã hội?

- Bạn nói đúng. Trong chừng mực nào đó, cơ chế quan liêu, bao cấp vẫn chưa được khắc phục triệt để. Các nguyên tắc của thị trường thường bị vi phạm, việc vận hành hệ thống thị trường chưa đồng bộ. Các chính sách về văn hóa nghệ thuật chậm đổi mới. Nhiều chính sách đối với văn nghệ sĩ đã lạc hậu nhưng không được sửa đổi.

- Một khía cạnh khác quan trọng không kém là nguồn lực tài chính cho văn hóa. Nhận xét của bà về các chính sách đầu tư cho văn hóa của nhà nước ta lâu nay: bao gồm từ nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực, khuyến khích sáng tác, sáng tạo?

- Nhà nước quy định kinh phí hằng năm chi cho hoạt động văn hóa chiếm 1,8% tổng chi ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, trên thực tế, theo Báo cáo số 16/BC-BVHTTDL ngày 22/1/2020 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2020, tổng hợp báo cáo của 55/63 tỉnh, thành phố cho thấy, tỷ lệ chi cho các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch chỉ đạt 1,72% tổng chi ngân sách nhà nước cấp về các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, có những địa phương mà tỷ lệ này chưa đến 0,5%, số địa phương (từ cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đến cấp huyện, thị xã) có con số chi vượt chỉ tiêu 1,8% không nhiều. Kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, nguồn ngân sách Trung ương (bao gồm cả vốn trong nước và vốn nước ngoài) cho lĩnh vực văn hóa-thông tin chỉ chiếm 0,95% tổng kế hoạch vốn đầu tư công của cả nước. Đó là những con số rất đáng để suy ngẫm.

Trong nghiên cứu văn hóa nói chung, kinh phí hạn hẹp so các lĩnh vực khoa học tự nhiên, công nghệ kỹ thuật nhưng khi bố trí được kinh phí thì việc xác định đề tài và mục tiêu nghiên cứu, giá trị sử dụng chưa thiết thực, mà chúng tôi hay nói với nhau là "nghiên cứu để bỏ vào tủ", gây lãng phí.

Trong đào tạo nguồn nhân lực, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt năm đề án, từ xây dựng đội ngũ trí thức ngành, tầm nhìn tới năm 2030, đến đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giảng viên trình độ cao trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, rồi đào tạo tài năng, bồi dưỡng nhân lực văn hóa nghệ thuật đến năm 2030, bao gồm cả gửi sinh viên xuất sắc ra nước ngoài tiếp tục học nâng cao. Tuy nhiên, phần lớn đề án lại chỉ có kinh phí nhỏ giọt hoặc không có kinh phí thực hiện.

Sự dàn trải, cào bằng về ngân sách nhà nước cho việc tài trợ, hỗ trợ sáng tác văn học-nghệ thuật thông qua mô hình nhà sáng tác, trại sáng tác, chuyến đi thực tế sáng tác thông qua các tổ chức hội văn học nghệ thuật địa phương dẫn đến tình trạng chia nhỏ nguồn lực tài chính vốn đã ít ỏi này, khiến cho sự hỗ trợ đôi khi chỉ mang ý nghĩa tinh thần, không đủ cho ngay cả những chi phí thiết yếu…

- Là một lãnh đạo của Hiệp hội phát triển văn hóa doanh nghiệp, có điều kiện tiếp xúc nhiều với các doanh nghiệp trong nước, bà nhận thấy quan điểm chung của họ khi đề cập vấn đề tài trợ, hỗ trợ văn hóa-nghệ thuật trong nước như thế nào?

- Họ mong muốn được luật hóa việc này thông qua mô hình luật về tài trợ và hiến tặng cho phát triển văn hóa nghệ thuật.

Đầu tư cho văn hóa nghệ thuật là đầu tư mạo hiểm, nhiều rủi ro, thu hồi vốn chậm, lợi nhuận thấp nên các doanh nghiệp không mấy mặn mà. Thực tế cho thấy, hầu hết các không gian sáng tạo ở nước ta đều không trụ lại được lâu dài, các mô hình khởi nghiệp trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật chủ yếu dựa vào đam mê và nguồn tài chính từ gia đình… Chính vì thế, để cân bằng được lợi ích của các doanh nghiệp có mong muốn đầu tư, tài trợ cho hoạt động văn hóa nghệ thuật, bảo tồn di sản văn hóa, chúng ta cần sớm thiết lập các cơ chế, chính sách để khuyến khích họ: từ chính sách thuế đối với phần kinh phí hỗ trợ, tài trợ, tài sản hiến tặng (khấu trừ thuế, miễn thuế tài sản, miễn thuế thu nhập...) đến cơ chế cho vay vốn trung và dài hạn với các hình thức ưu đãi, lãi suất thấp; hỗ trợ tài chính đối với các loại hình nghệ thuật truyền thống; cho thuê đất/mặt bằng giá ưu đãi. Ở các nước trong khu vực và trên thế giới, đây là cách làm phổ biến; thậm chí các tác phẩm nghệ thuật nếu có đầy đủ bằng chứng sở hữu còn được chấp thuận bảo lãnh khoản vay, thế chấp ngân hàng.

Ở một khía cạnh khác, tôi muốn đề cập tới Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được ban hành năm 2017: Luật này đã đưa ra nhiều chính sách ưu tiên cho doanh nghiệp khu vực tư nhân trong đổi mới sáng tạo như: hỗ trợ tiếp cận tín dụng, bảo lãnh tín dụng, thuế, kế toán, mặt bằng sản xuất, mở rộng thị trường, xúc tiến thương mại, kết nối mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo, thu hút đầu tư từ các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo... Tuy nhiên, Luật chỉ dành cho doanh nghiệp trong các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; công nghiệp và xây dựng; thương mại và dịch vụ… chứ không có lĩnh vực công nghiệp văn hóa, trong khi, Chiến lược phát triển ngành này đến năm 2030 đã được Chính phủ phê duyệt từ năm 2016 và đây là ngành công nghiệp có tính đổi mới sáng tạo rất cao.

- Từ kinh nghiệm và trải nghiệm của một nhà nghiên cứu, một chuyên gia có nhiều năm làm việc trong lĩnh vực văn hóa, bà có thể đưa ra ít nhất là một khuyến nghị về giải pháp mang tính mấu chốt để gỡ được những điểm nghẽn trong phát triển nguồn lực văn hóa ở nước ta hiện nay?

- Tôi cho rằng cần phải nhanh chóng hoàn thiện hệ thống văn bản luật pháp liên quan đồng thời thực thi những quy định luật pháp đã có một cách nghiêm minh, thực chất. Song hành với pháp trị là việc cần chú trọng đến đức trị: những con người trực tiếp làm việc trong lĩnh vực được coi là giữ hồn cốt của dân tộc, là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội thì càng cần phải có tinh thần nêu gương, chủ động tiến bộ trong nhận thức, góp phần thúc đẩy hoạt động của ngành, nghề mà mình đang làm việc theo hướng tiến bộ, tiệm cận các tiêu chuẩn và thông lệ chung của quốc tế.

- Trân trọng cảm ơn bà!