Đạo diễn Tạ Tuấn Minh

Cái gì mang lại giá trị sẽ tồn tại

NDO - Nằm trong số những gương mặt 8X được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu NSND trong đợt phong tặng lần thứ 10 (đợt 2 - năm 2023) NSƯT - đạo diễn Tạ Tuấn Minh đã có một bề dày thành tích nổi trội. Không chỉ là bộ sưu tập huy chương danh giá qua các kỳ liên hoan, hội diễn, mà thực tế hơn, Tạ Tuấn Minh đang là đạo diễn hứa hẹn mang tới những tín hiệu lạc quan cho một sân khấu đang dần dần hấp dẫn khán giả trở lại:
0:00 / 0:00
0:00
Cái gì mang lại giá trị sẽ tồn tại

Chúc mừng anh có tên trong danh sách các nghệ sỹ vừa được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ nhân dân. Thật thú vị khi đạo diễn Tạ Tuấn Minh lại được phong tặng danh hiệu NSND cả ở địa hạt diễn viên?

Tôi xuất thân là một diễn viên và từng tham gia trong nhiều vở diễn được đầu tư nghiêm túc của Nhà hát kịch Việt Nam. Tôi cũng may mắn được giao đảm nhiệm nhiều vai diễn mà các thầy, các đồng nghiệp và khán giả ghi nhận như Hamlet trong tác phẩm kinh điển Hamlet; Từ Hải trong Thúy Kiều hay Nguyễn Huệ ở Thế sự… Những vở diễn này đều do NSND Anh Tú đạo diễn và tạo sự chú ý của dư luận ngay khi công diễn… Ngoài ra, tôi còn vào vai Thái sư Trần Thủ Độ trong vở Thiên mệnh của đạo diễn - NSƯT Đỗ Kỷ cũng được ghi nhận nhiều.

Cái gì mang lại giá trị sẽ tồn tại ảnh 1

Tạ Tuấn Minh trong vai Thái sư Trần Thủ Độ

Nói gì thì nói, điều khó khăn bấy lâu nay của sân khấu vẫn là, kéo khán giả tới nhà hát? Đó như là một việc quá đỗi khó khăn trong bối cảnh công chúng đã được đáp ứng quá nhiều nhu cầu giải trí từ internet ngay ở trong ngôi nhà của mình?

Tôi không quá bi quan, lo lắng về điều này đơn giản bởi: Cái gì mang lại giá trị thì nó sẽ tồn tại. Ăn khách, hấp dẫn khán giả cũng có nhiều kiểu ăn khách, hấp dẫn. Ăn khách để giải trí thuộc vấn đề của sô bít. Nghệ thuật và giải trí là hai vấn đề. Sinh ra sô bít để giải trí. Sinh ra sân khấu để làm nghệ thuật. Nhưng nghệ thuật lại không có đúng có sai. Cũng khó đưa ra tiêu chí đánh giá, phân định thế nào là hay là dở, thế nào là thích hay không thích. Nó phụ thuộc vào cảm giác, vào cái “gu” của mỗi người. Làm gì cũng phải đem đến được sự hấp dẫn. Kể cả hấp dẫn ở chỗ buộc khán giả phải nghĩ, phải theo dõi. Muốn thế vở diễn phải cuốn, cuốn từ câu chuyện, tình tiết, mạch. Ngày trước chúng ta hay có kiểu, muốn nói điều gì, gửi gắm thông điệp gì thì cứ nhồi vào mồm nhân vật, để nhân vật nói ra. Khán giả không thích thế, họ không thích bị dạy dỗ, họ hiểu hết, không cần giải thích. Chúng tôi vẫn nói vui: Giải thích để làm gì, vì giải xong là hết thích. Đến nhà hát phải là một sự thưởng thức. Tôi chỉ muốn đưa vấn đề, đưa ra câu chuyện và tìm cách để khán giả nhìn thấy rồi tự rút ra bài học.

Cái gì mang lại giá trị sẽ tồn tại ảnh 2

Cảnh trong vở diễn Người tốt nhà số 5

Quan niệm thế nên một vở diễn tưởng đã cũ, rất cũ và khó để hấp dẫn trong bối cảnh xã hội bây giở như Người tốt nhà số 5 của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ mà anh dàn dựng lại, vẫn ăn khách theo nghĩa, bán vé tốt?

Người tốt nhà số 5 chúng tôi diễn mấy năm liền, diễn liên tục. Và bây giờ vẫn diễn. Tôi luôn hướng tới mục tiêu, các vở diễn kết hợp được cả hai: vừa đáp ứng giá trị nghệ thuật vừa có tính giải trí. Như thế người xem sẽ thích hơn. Người tốt nhà số 5 đặt vấn đề rất đương đại: Người tốt trong xã hội này cô đơn lắm. Có bi kịch không, đau không khi chung quanh chúng ta người tốt lại cô đơn? Nếu điều này vẫn diễn ra, thì xã hội này sẽ thế nào: Nguy hiểm và đáng báo động: đấy chính là tính dự báo của vở diễn? Câu chuyện thời bao cấp nhưng chúng tôi kể bằng ngôn ngữ hiện đại. Hiện đại ngay từ trang trí sân khấu, trên đó không có bục bệ mà mỗi ngôi nhà như cái tổ kén, bó kín bằng những sợi dây chằng chịt.

Và anh đã tiếp tục làm mới chính mình khi dàn dựng Bóng rối, vở diễn đang được công chúng hưởng ứng nhiệt tình ngay từ lúc vừa công diễn?

Đấy, môt vở kịch diễn ra trong hơn hai giờ không chuyển cảnh, không tắt đèn mà khán giả vẫn theo dõi từ đầu đến cuối. Thực ra câu chuyện này cũng không mới, kể thì không có gì để kể. Chuyện đồng tính thôi mà, hay những con người không tìm thấy hạnh phúc trong cuộc sống gia đình, có gì mới đâu. Nhưng cách viết của nhà văn Vũ Hoàng Hoa thì mới. Người xem xưa giờ quen kịch là phải có mở đầu, trung tâm, cao trào, mở nút thắt nút, rồi giải quyết xung đột. Bóng rối cũng có hết nhưng chúng tôi đảo lộn tất cả. Cao trào ở bên trong, giống tảng băng trôi, người ta chỉ nhìn thấy phần nổi, còn 8 phần chìm dưới nước. Tôi thích dòng kịch thiên về tư duy, ý niệm. Nghệ thuật sân khấu vốn là ẩn dụ, ước lệ tuy nhiên lại đưa đến hiệu quả cảm xúc thật, tạo nên những ảo giác thật, khiến người xem cảm nhận cuộc sống thật như nó đang xẩy ra. Với tôi sân khấu có chức năng thanh lọc tẩy rửa tâm hồn, khiến người xem tự rút ra chiêm nghiệm, chân lý của mình. Dù vậy cũng không được khiến khán giả mệt. Rất khó, khó cũng phải làm cho được. Bóng rối không làm cho người ta mệt. Nhiều người khó chịu với đoạn đầu của chúng tôi, cho rằng nó dài quá… Khó chịu đấy mà không đứng dậy, không bỏ về rồi vỡ òa ở phần sau. Tôi mơ ước khán giả sẽ tạo được một thói quen, cuối tuần đi xem kịch. Điều đấy sẽ giúp các nghệ sỹ có them động lực để yêu nghề, làm nghề và sống được bằng nghề chứ ngay cả các bạn trẻ về Nhà hát bây giờ, không lương không bảo hiểm không một chế độ ưu đãi gì mà vẫn lăn xả vào, vẫn yêu nghề, yêu nghệ thuật.

Cái gì mang lại giá trị sẽ tồn tại ảnh 3

Tạ Tuấn Minh cùng người bạn đời - bạn đồng nghiệp - nghệ sỹ Thanh Hường.

Tại sao các nghệ sỹ trẻ vẫn duy trì được tình yêu sân khấu ngay cả khi bị “ngược đãi” như thế?

Kịch giúp nuôi dưỡng tâm hồn con người, giúp con người nhân văn hơn, yêu đời hơn, có niềm tin hơn vào cuộc sống. Chúng tôi cũng lỡ yêu sân khấu, yêu nghệ thuật rồi, và yêu thì không dứt ra nổi dù trong hoàn cảnh nào.

Diễn viên Nhà hát kịch Việt Nam từng có thời gian không dùng micro không dây (microphone sans fil) khi diễn trên sân khấu?

Chúng tôi có một nhà hát mà tôi gọi, xinh xắn nhỏ nhắn nhất Hà Nội. Đúng là đặc trưng của diễn viên Nhà hát kịch Việt Nam là diễn mà không dùng micro không dây. Chúng tôi từng diễn ở Cung văn hóa Việt Xô, không dùng micro không dây, mà người ngồi hàng ghế cuối vẫn nghe được. Duy trì được nếp ấy, sẽ buộc diễn viên phải tập luyện hằng ngày, không giữ gìn không thể diễn được.

Có được tên tuổi từ diễn xuất, rồi đi học và chuyển sang vai trò đạo diễn. Đây chính là lựa chọn của không ít diễn viên sân khấu khi đã thành công trong địa hạt diễn xuất mà anh cũng không phải ngoại lệ?

Tính tôi không ngồi yên được, tôi luôn luôn phải vận động, phải làm một cái gì đó. Tôi rất sợ sức ỳ. Như bây giờ có thời gian tôi lại dạy, tiếp xúc với các bạn trẻ, để bản thân mình luôn có ý thức làm mới chính mình, không lặp lại. Trước đây NSND Anh Tú có lớp dạy đạo diễn, tôi hay lon ton đến chơi, vừa chơi vừa học lỏm. Những gì tôi có được ngày hôm nay cũng một phần nhờ NSND Anh Tú - như người anh lớn của tôi, đã định hướng cho tôi các bước đi trong nghề và ảnh hưởng tới tư duy làm nghề của tôi. Vai diễn của tôi cũng do anh dàn dựng. Ngày tôi làm Người tốt nhà số 5 có nhờ anh làm thày hướng dẫn, nhưng không kịp, lúc đó anh đã lâm bệnh. Lúc chuẩn bị tốt nghiệp lớp đạo diễn, tôi vào viện thăm, nói: Em làm xong rồi, mọi người thích lắm. Lúc đấy anh đã nằm viện, nước mắt ứa ra, nhịp tim ở trên máy hỗ trợ cảm giác đang đập nhanh hơn...

Cái gì mang lại giá trị sẽ tồn tại ảnh 4

Đạo diễn - diễn viên Tạ Tuấn Minh

Xong Người tốt Nhà số 5, Bóng rối…, anh đã có dự định cho vở diễn mới của mình?

Tôi ấp ủ chuyển thể Cánh đồng bất tận của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư lên sân khấu kịch. Tôi định làm tốt nghiệp lớp đạo diễn vở này nhưng NSND Anh Tú không thích, vì khắc nghiệt quá. Anh Tú vốn nhân văn, nhìn gì cũng đẹp. Tôi lại gai góc hơn. Tôi tiếp thu tinh thần của NSND Anh Tú nhưng muốn đi đến tận cùng, đẩy đến tận cùng cái khắc nghiệt rồi mới thấy được cái đẹp. Đọc Cánh đồng bất tận, chi tiết cuối cùng, cô gái bị làm nhục, người cha bị bắt đứng nhìn. Từ đấy người cha mới ngộ ra. Câu đầu tiên cô gái hỏi người cha: “Không biết con bị có con không, hả cha”. Rồi cô nghĩ, nếu có con sẽ không đặt tên nó là Thù, là Hận, mà đặt là Thương là Nhớ, là Dịu, Xuyến, Hường… Mới nghĩ đến đó, tôi đã gai hết cả người và vô cùng phấn khích đây…

Trân trọng cảm ơn đạo diễn Tạ Tuấn Minh