Hoạt hình Việt Nam có thật sự yếu?
- Nhiều ý kiến cho rằng, phim hoạt hình Việt Nam rất yếu kém so với thế giới. Quan điểm của ông thế nào về vấn đề này?
- Ấy thế nhưng khi tôi hỏi lại, cái yếu kém cụ thể là thế nào, bộ phim gì, tác giả là ai, thời kỳ nào... thì họ không trả lời được hoặc giải thích là do họ hay xem trên truyền hình! Như thế, họ nhầm một điều, một số phim hoạt hình chiếu trên truyền hình là của hãng phim tư nhân; phim được làm không chuyên nghiệp, nhiều công đoạn bị bớt xén, khiến cho phim không còn ra chất hoạt hình nữa. Do đó, phần nào khiến cách hiểu của khán giả về phim hoạt hình trong nước sản xuất bị méo mó đi. Những bộ phim đích thực, được đầu tư nghiêm chỉnh của Hãng phim Hoạt hình Việt Nam (nay là Công ty cổ phần Hãng phim Hoạt hình Việt Nam-PV) và những người chuyên nghiệp làm, lại rất ít khi được phát hành qua kênh truyền hình.
Tại Giải thưởng của Hội Điện ảnh Việt Nam năm 2021, tôi là Trưởng ban Giám khảo chấm phim hoạt hình. Tôi đánh giá rất cao về cả nội dung và hình thức của nhiều bộ phim dự thi là sản phẩm của các nhà làm phim trẻ. Tôi nhìn thấy sự nỗ lực rất lớn của họ. Có thể thấy, phim Việt Nam không yếu đâu, hiện nay, chúng ta có những nhóm trẻ làm rất tốt.
- Vậy phải chăng, do vấn đề phát hành, quảng bá dòng phim này có những khó khăn, vướng mắc nhất định nên phim hay chưa thể đến được với đông đảo khán giả?
- Như tôi được biết, lâu nay, phim được đầu tư bài bản thì rất ít khi được chiếu hay quảng bá rộng rãi trên truyền hình do vướng mắc bởi luật bản quyền, quan hệ giữa các bên: tác giả, đài truyền hình. Phim hoạt hình sản xuất trong nước chủ yếu được chiếu tại các liên hoan phim trong một, hai tuần. Phim làm ra nhiều khi phải cất kho, không phát hành ra hệ thống rạp chiếu toàn quốc được. Có thể nói, hiện nay công tác phát hành phim hoạt hình còn nhiều bất cập. Phim truyền hình, điện ảnh thường được nhà sản xuất lăng-xê quảng cáo nhưng với phim hoạt hình, không có ai đầu tư cho những chuyện như thế.
Chuyên nghiệp hóa lĩnh vực phim hoạt hình
- Như vậy có thể nói, tồn tại rất nhiều vấn đề trong việc thúc đẩy sự phát triển của hoạt hình Việt Nam. Một khía cạnh có lẽ nên được đề cập là đặc trưng của phim hoạt hình nước ta sau khoảng 60 năm kể từ khi ra đời bộ phim đầu tiên cho đến nay.
- Bản thân tôi vẫn đề cao tính dân tộc: tính dân tộc trong diễn xuất, tính dân tộc trong màu sắc, những câu chuyện dân gian, cây tre làng, tiếng sáo trúc, tiếng đàn bầu,… đến điệu hát chầu văn, quan họ. Điều ấy cực kỳ quan trọng để thế giới nhìn vào là biết Việt Nam. Đi từ dân tộc thì mới có sự độc đáo của riêng mình. Tuy nhiên, rất tiếc ở ta, chưa có một nhân vật đặc trưng cho hoạt hình Việt Nam.
- Theo ông là vì sao? Vì ta thiếu công nghệ tiên tiến phục vụ cho quy trình làm phim hay vì yếu tố con người?
- Hoạt hình Việt Nam vốn được sinh ra trong khó khăn của chiến tranh, song thời đó, ta vẫn có nhiều bộ phim xuất sắc, có các thế hệ đạo diễn, họa sĩ tuyệt vời như Ngô Mạnh Lân, Mai Long, Trương Qua... Phim hoạt hình là một bộ môn nghệ thuật đòi hỏi sự hội tụ của nhiều lĩnh vực, với nhiều dạng thức. Làm hoạt hình cần sự kiên nhẫn, bộ phim tuy ngắn nhưng phải làm rất tốn công sức, thời gian, tiền bạc, sao cho màu sắc, âm nhạc phải ấn tượng mạnh, nói ít hiểu nhiều. Chính vì vậy hoạt hình phải cô đọng về diễn xuất, tính khoa trương, ước lệ được áp dụng làm sao cho ấn tượng, để truyền tải nội dung một cách mạnh mẽ nhất, sâu sắc nhất.
Ở ta hiện nay, tiền và kỹ thuật không thiếu, nhưng đào tạo con người lại chưa có định hướng. Về căn bản, chúng ta chưa có những con người biết tổ chức và hoạch định cho lĩnh vực này theo hướng phát triển đồng bộ và chuyên nghiệp. Tôi thí dụ, ai đó cứ kêu không tiền không làm được phim hay. Tuy nhiên, có tiền cũng chưa chắc đã làm hay được: gần đây, có một số doanh nghiệp cũng đầu tư vào phim hoạt hình mà không hiệu quả do sự nhiệt tình không đi đôi với sự hiểu biết.
- Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn quan điểm của ông về tương quan quan hệ giữa con người và công nghệ trong việc thúc đẩy sự phát triển theo hướng chuyên nghiệp của nghệ thuật làm phim hoạt hình?
- Chắc chắn công nghệ càng cao thì càng thuận lợi cho việc làm phim hoạt hình; hình ảnh trong phim càng đẹp thì càng khiến cho khán giả thích thú hơn. Tuy nhiên công nghệ chỉ là phương tiện, còn định hướng, ý tưởng sáng tạo, theo tôi phải nhờ vào nền tảng văn học và nghệ thuật, như hội họa, âm nhạc, diễn xuất…, Vì thế, tôi vẫn muốn nhấn mạnh rằng, để đào tạo được một người làm hoạt hình rất khó.
- Trở lại với vấn đề phát hành và quảng bá dòng phim này, theo ông, có thể gỡ rối từ khâu nào?
- Chúng ta có thể tạo điều kiện để số hóa những phim hoạt hình được sản xuất từ nhiều năm trước mà có chất lượng nghệ thuật cao, tạo cơ chế phát hành, quảng bá phim một cách rộng rãi và tạo ra một sân chơi cho phim hoạt hình chuyên nghiệp. Làm sao để những tác phẩm tốt được tiếp cận với khán giả, trước tiên, thậm chí là chiếu miễn phí. Thực tế cho thấy, một trong những kênh truyền thông hiệu quả nhất cho dòng phim này là truyền hình cũng gặp nhiều khó khăn, do tác động của cơ chế thị trường với các tiêu chí về lượng rating, giờ vàng... Mặc dù có thể phim hoạt hình Việt Nam chưa tốt nhưng có nhiều phim xem được, và rõ ràng có tính giáo dục rất cao, gần gũi với trẻ em Việt Nam. Vậy chúng ta phải làm sao để phim hoạt hình tiếp cận với khán giả nhiều nhất!
- Chân thành cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
NSND Hà Bắc là đạo diễn bộ phim hoạt hình 3D đầu tiên của Việt Nam: Giấc mơ của ếch xanh (năm 2005). Ông từng là thành viên Ban giám khảo tại ba Liên hoan phim hoạt hình lớn ở Annecy (Pháp, năm 1995), Bruxelles (Bỉ, năm 1996) và Mumbai (Ấn Độ, năm 2000). Từ năm 2010 đến nay, ông giữ vai trò thành viên rồi Trưởng Ban giám khảo tại cả Liên hoan phim Việt Nam (giải Bông sen, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức) và giải thưởng hằng năm của Hội Điện ảnh Việt Nam (giải Cánh diều).