Bữa trà chiều của thi nhân

Với tập tản văn và ghi chép “Từ Tây Nguyên” của nhà thơ Văn Công Hùng, người kể chuyện dìu người đọc vượt không gian đi khắp đất Thanh, xứ Huế rồi vượt đèo lên cao nguyên, len lỏi qua những cánh rừng ma còn nguyên dãy nhà mồ âm u dưới hoàng hôn gần tắt nắng, vượt thời gian ngược về triền đê giá lạnh, ở đó có những cô gái nhỏ chân trần đến trường, tay cầm ống bơ đựng hạt nhãn cháy cho đỡ rét, những bà mẹ thảng thốt rang ngô trong bóng tối cận kề lúc đê gần vỡ, cả những đứa trẻ đói lả háo hức bên nồi cháo rau má và các khái niệm ngồ ngộ của một thời đã qua như “phanh nón”, “máy lửa”, “nùn rơm giữ lửa”...

Bữa trà chiều của thi nhân

Phần nhiều những câu chuyện Văn Công Hùng kể về Tây Nguyên, nơi anh đã sống hầu hết đời người. “Từ Tây Nguyên”, thì tất phải đậm đà núi rừng. Ở đó, những trang sách thơm mùi giấy mới ngõ hầu luôn phảng phất hương nhựa xà nu, ầm ào tiếng gió đại ngàn, u u tiếng cồng chiêng và lấp loáng mầu tím thẫm của đỉnh Chư Đăng Ya dưới vằng vặc trăng ngà. Âm hưởng của rừng hiện lên nguyên sơ lộng lẫy như thuở hồng hoang dù không khỏi khắc khoải đau đớn, nỗi đau của một người yêu rừng và hiểu biết mà phải đứng im chứng kiến từng mảnh rừng đang bị rứt dần khỏi vỏ Trái đất, để lại trần trụi những công trình bê-tông, nhựa đường, thủy điện và cây cao-su công nghiệp. Nỗi xót xa ấy cũng không ít lần được cất lên thành câu chữ khi người viết nhìn thấy những con voi lần hồi biến mất khỏi rừng vì người ta nuôi chúng để phục vụ kinh doanh khiến loài vật khổng lồ vài năm mới giao phối một lần không còn sinh đẻ được nữa, và cả không gian văn hóa cồng chiêng, nhà rông, nhà dài đang bị đô thị hóa mỗi ngày. 

“Từ Tây Nguyên” không chỉ mang đến cảm giác u linh, liêu trai của những lễ cúng tế do vua lửa đăng đàn, của những bức tượng mồ nơi cửa rừng sống động dưới chiều nắng quái mà còn khiến người đọc cồn dạ vì những món biết bao giờ mới được thưởng. Tác giả từ bấy bỗng làm tôi tò mò, khi nhắc đi nhắc lại món nộm lá sắn trứ danh với “Nước mắm chanh ớt tỏi đường lạc rang, thêm ít bì heo luộc thái chỉ, phi hành mỡ thật thơm... tất cả cho vào trộn kỹ”. Cả món nai phơi qua nắng, mà phải nhất định là nắng Krông Pa, thứ nắng giòn và tươi… như nắng. “Thịt xẻ ra phơi trên đá, rồi gác gác bếp, khi ăn mang ra nướng lại trên than, xé chấm kiến giã”. Còn khoai Lệ Cần nữa, “ruột vàng như nghệ và ngọt như có mật lặn vào trong”. Ngay cả đến cái thức vốn rất xa lạ với tôi là rượu mà chữ nghĩa của tác giả cũng khiến dậy cơn thèm, bởi rượu cần nó cũng có cả vị như cocktail cơ, mà đã thế còn là một thứ cocktail kỳ bí và ngộ nghĩnh của rừng, bởi “Muốn ngọt thì cho thêm chuối chín, cay thì cho ớt”.

Có thể nói trong “bữa trà chiều”, Văn Công Hùng là một người kể chuyện tuyệt vời. Và nhẽ rằng, khó ai có thể đứng lên mà bỏ cuộc nghe về những câu chuyện như lời rì rầm của rừng già và thảng hoặc đây đó, đô thị rực sáng lại nhẩn nha những chuyện vặt khó dứt trên những vỉa hè dù đã vãn đi muôn phần ấm áp, vì đã bị thay thế bằng những tiệm thời trang, trà sữa và hằng hà dây đèn kết hoa sặc sỡ.