Biến những phi lý thành hợp lý

Với mức cát-xê "khổng lồ" lên tới 100 triệu won (khoảng 1,9 tỷ đồng) cho mỗi tập bản thảo, Kim Eun Sook (ảnh bên) được mệnh danh là "biên kịch vàng" đắt giá nhất của ngành công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc đương đại. Bà là "bảo chứng" uy tín cho những kỷ lục về lượt người xem. Thậm chí, nhiều diễn viên, "idol" hạng A của xứ sở Kim Chi cũng không ngần ngại bày tỏ mong ước được xuất hiện một lần trong phim của biên kịch nổi tiếng nhất Hàn Quốc này.
0:00 / 0:00
0:00
Biến những phi lý thành hợp lý

Đó là bởi, mọi thứ qua tay của Kim đều trở nên hấp dẫn và "gây nghiện" một cách kỳ lạ!

Cuốn hút và ám ảnh

Đầu năm 2023, phim truyền hình The Glory (tên tiếng Việt: Vinh quang trong thù hận) "gây bão" tất cả các bảng xếp hạng về lượt người xem của Netflix trên toàn cầu. Bộ phim gần như động chạm đến những vấn đề "nóng" nhất của xã hội Hàn Quốc đương đại: Bạo lực học đường, bạo lực gia đình, sự phân cấp giàu nghèo, ma túy… và cả mê tín dị đoan. Lồng ghép trong đó là những câu chuyện tình yêu, tình người, những ân oán thù hận, đủ để dẫn dắt người xem khát khao mong chờ các diễn biến tiếp nối, cũng như đoạn "mở nút" chung cục.

Ở tuổi 51, Kim Eun Sook vẫn luôn biết cách tạo ra những rung cảm đặc biệt. Không đi vào những ngách nhỏ của mỗi cá nhân riêng lẻ, bà luôn chọn các vấn đề mang tính đại chúng, những câu chuyện mà ta có thể bắt gặp ở bất cứ đâu, nhưng lại mang một "diện mạo" mới, nửa quen nửa lạ, khơi gợi sự tò mò và cuốn hút đầy ám ảnh.

Sinh năm 1973, Kim Eun Sook bắt đầu ghi dấu ấn từ đầu những năm 2000, trong một xã hội Hàn Quốc đang phát triển vũ bão (và từ đó cũng tạo ra những khoảng cách vô cùng lớn giữa các giai tầng xã hội). Mang theo mơ ước về kết nối và bình đẳng, Kim Eun Sook đã vẽ nên những câu chuyện cổ tích về những tình yêu lý tưởng xé bỏ mọi rào cản về địa vị xã hội, điều mà thực tế xã hội khi đó gần như không hiện hữu. Những bộ phim ấn tượng ở giai đoạn này của biên kịch Kim có thể kể đến là Chuyện tình Paris, Chuyện tình Praha, Người thừa kế, Nữ thị trưởng…

Có thể nói, đó cũng là phác thảo cho cái gọi là "công thức thành công" của biên kịch Kim, ở hàng loạt những "bom tấn" truyền hình sau này. Những câu chuyện tình ngọt ngào, những cảnh quay lãng mạn, những kịch tính vừa đủ làm người xem tò mò nhưng không mệt mỏi, đủ để níu giữ khán giả ngồi lại trước màn hình vô tuyến mỗi ngày. Và lần lượt, Khu vườn bí mật, Yêu tinh, Hậu duệ mặt trời, Người thừa kế, hay mới đây nhất là The Glory… đều tạo nên tiếng vang vượt xa khỏi lãnh thổ Hàn Quốc, "gây sốt" trên toàn châu Á và cả thế giới.

Viết về những tình yêu cổ tích, hay những câu chuyện kỳ ảo nhuốm màu huyền bí, nhưng bản thân biên kịch Kim lại vô cùng thực tế cho "chiến lược" bà mang vào mỗi bộ phim của mình. Ở mỗi tác phẩm, bà sẽ "nêm nếm" từng thứ gia vị cho vừa đủ với gu của khán giả, tạo nên những trải nghiệm vừa quen, vừa lạ.

Giống như câu thoại trong bộ phim Yêu tinh - một kiểu cách ngôn tự sự của người nữ biên kịch ấy: "Hành động bất ngờ nào của cô cũng đều thu hút tôi như một bộ phim truyền hình vậy. Không thể đoán trước được chúng, càng phải vận dụng hết trí tưởng tượng của mình".

Biến những phi lý thành hợp lý ảnh 1
Poster phim The Glory, bộ phim gây bão trên Netflix đầu năm 2023.

"Phim truyền hình là để phục vụ khán giả"

Khuôn mặt phúc hậu, nụ cười tươi tắn dễ mến, biên kịch Kim Eun Sook mang dáng dấp đặc trưng của một phụ nữ Hàn Quốc nửa mơ mộng rụt rè, nửa kiên cường bản lĩnh. Cũng như hai mảng màu đối lập trong phim của Kim, hiện thực xã hội khốc liệt và trần trụi vẫn lồng ghép cùng các sắc màu lãng mạn, đôi khi là huyền bí kỳ ảo để thoát khỏi thực tại ngột ngạt.

Sinh ra trong một gia đình nghèo khó, cha của Kim Eun Sook mất sớm, bà phải bươn chải vất vả chật vật để kiếm tiền theo học tại Học viện Nghệ thuật Seoul, sau 5 năm vào muộn so bạn bè cùng trang lứa. Hơn ai hết, biên kịch Kim hiểu rõ những góc khuất của tầng lớp lao động nghèo, bị bắt nạt, dễ tổn thương trong xã hội, và chuyển tải vào phim một cách dễ chịu. Phim của bà luôn có kết thúc tốt đẹp, hướng tới bình đẳng xã hội, nữ quyền, và tình yêu Tổ quốc cao quý.

Trong hàng loạt những tác phẩm có tiếng suốt sự nghiệp, dù mang những đề tài lớn lao hay khốc liệt (như đề tài về lính đặc chủng bảo vệ hòa bình trong Hậu duệ mặt trời, hay về những gián điệp thời kỳ Chosun trong Quý ngài ánh dương), Kim Eun Sook vẫn giữ được phong cách kể chuyện dung dị và nữ tính. Bà không muốn tạo ra những "siêu phẩm" cho giới hàn lâm hay đóng mác chất lượng nghệ thuật cho một bộ phận nhỏ giới phê bình tinh hoa. Điều bà muốn chỉ là hướng đến đại chúng, là cất lên tiếng nói của xã hội đương đại.

Để làm được điều đó, nữ biên kịch nổi tiếng không ngần ngại bỏ đi cái "tôi", và thay vào đó là những câu chuyện mà số đông khán giả thấy đồng cảm. Như bà từng trả lời trong một cuộc phỏng vấn: "Phim truyền hình là để phục vụ khán giả. Nếu tôi chỉ viết để phục vụ bản thân thì đó chỉ là nhật ký đời tôi".

Sự đơn giản, dễ chịu, chiều chuộng nhu cầu khán giả và hướng tới số đông ấy đã làm nên "thương hiệu vàng" cho nữ biên kịch. Nhưng đôi khi, nó cũng khiến bà phải nhận những lời nhận xét như: "sến", hay "sáo rỗng", "thừa thãi vô lý", thậm chí nhiều người nói bà "tham lam và thực dụng", cố tình tạo ra những "drama không tưởng" để thu hút người xem.

Nhưng có hề gì. Sự chăm chỉ lao động sáng tạo, thái độ biết lắng nghe của một người viết cầu thị đã tạo nên một Kim Eun Sook chưa bao giờ ngừng thay đổi, để tạo ra những câu chuyện mới mẻ và đầy thấu cảm. Và cứ thế, một "thương hiệu Kim Eun Sook", được tạo nên bởi từng tác phẩm mang hơi thở thời đại, vẫn không ngừng lan tỏa trong lòng công chúng

Kim Eun Sook dành phần nhiều tài sản cho những hoạt động từ thiện. Bà ủng hộ hàng trăm triệu won cho những nạn nhân gặp thiên tai, lũ lụt, cháy rừng, hay các nạn nhân chiến tranh.

Năm 2012, Kim Eun Sook nhận giải Thành tựu trọn đời tại SBS Drama Awards. Bà nhiều lần được Thủ tướng và Nhà nước Hàn Quốc khen tặng vì những đóng góp lan tỏa văn hóa Hàn Quốc đến bạn bè quốc tế. Bà luôn kín đáo về đời tư, hầu như không sử dụng mạng xã hội và hạn chế xuất hiện trên truyền hình.