Bảo vệ "Đất tổ tiên"

"Không điều gì có thể ngăn thổ dân da đỏ đấu tranh bảo vệ môi trường. Chúng tôi là một phần của mảnh đất thiêng, và các bạn cũng vậy. Mọi thứ chúng ta tác động lên Trái đất đều tác động ngược trở lại chúng ta", đó là lời cảnh báo của Sonia Guajajara (trong ảnh), nhà hoạt động xã hội 48 tuổi người Brazil.
0:00 / 0:00
0:00
Bảo vệ "Đất tổ tiên"

Con đường khác

"Tôi sinh ra ở Arariboia, một lãnh địa của người da đỏ ở bang Maranhao, Brazil. Nơi đây chỉ có một trường tiểu học", Sonia hồi tưởng. "Hầu hết thanh niên tại vùng đất này đều nghỉ học sớm, kết hôn sớm để lao động nông nghiệp. Tôi lẽ ra cũng đi theo con đường giống họ nếu không nỗ lực thay đổi bản thân".

Cha mẹ Sonia Guajajara không biết đọc, biết viết. Bà lớn lên trong cảnh bần hàn, phải tự mưu sinh từ nhỏ để có tiền đi học. Lớn lên với "cái Tôi khác biệt", Sonia biết bà không muốn phải sống hết cuộc đời mình trên những cánh đồng ở Arariboia. Bà muốn khám phá thế giới bên ngoài. Mỗi đêm, cô gái trẻ Sonia luôn nằm mơ thấy cảnh mình rời xa quê hương, cắp sách đến trường và chiêm ngưỡng thế giới rộng lớn. Đến năm 15 tuổi, bà đã làm đúng như những gì từng nghĩ. Sonia nhập học một trường nội trú dành cho nữ, nơi chuyên đào tạo sinh viên dự bị ngành sư phạm. Bà tốt nghiệp không chỉ một, mà hai trường đại học.

Trước khi trở thành một nhà hoạt động xã hội, Sonia từng làm nhiều công việc khác nhau để kiếm sống. Khi bà làm giáo viên, lúc lại trở thành một y tá. Càng đi xa quê hương, Sonia càng nhận thấy mình đã lựa chọn đúng. Bà không chỉ cứu rỗi mình, mà còn nắm trên tay cơ hội thay đổi cuộc sống của hàng triệu người khác.

Trong thời gian Sonia rời xa quê hương, những người bà con ở Arariboia dần mất đất canh tác. Người da đỏ phải lên đường tha hương đến những vùng đất mới, nơi họ vừa thu xếp định cư thì lại có nguy cơ bị tước đoạt bởi những điền chủ.

Sức mạnh không giới hạn

Nhiều tài liệu cho thấy phụ nữ ở các bộ lạc da đỏ không được đối xử bình đẳng. Họ không được nêu ý kiến, không được ra quyết định... và chẳng bao giờ có một tù trưởng là nữ giới. Sonia không đồng tình với điều đó. "Điều này không xảy ra ở các bộ lạc cổ đại. Nó chỉ hình thành thời gian gần đây", bà khẳng định.

Trải qua nhiều thế kỷ, ngay cả những bộ lạc da đỏ nguyên thủy nhất cũng dần thay đổi sau khi tiếp xúc với người da trắng, từ lối sống đến suy nghĩ, cách ăn mặc... Bản thân Sonia thừa nhận bà chỉ mặc trang phục truyền thống vào những dịp lễ hội. Giới thanh niên da đỏ hiện đại cũng thích mặc quần jeans, áo phông và các y phục thời trang.

"Người da đỏ chúng tôi phải học suy nghĩ, ngôn ngữ, và cả hệ thống pháp luật của người da trắng", Sonia tâm sự. Với một số người, họ có thể tiếp thu thói hư tật xấu một cách dễ dàng, nhưng Sonia thì không. Bà nhận ra có một "vũ khí tối thượng" để giúp người da đỏ đấu tranh, bảo vệ những vùng đất cha ông để lại: Ngôn từ.

Với những kiến thức học được từ trường lớp chính quy, Sonia và các cộng sự đã xây dựng nền tảng để chính quyền Brazil ban hành những bộ luật bảo vệ người da đỏ. Theo đó, những cuộc xâm lấn chiếm đất của thổ dân không còn diễn ra công khai như trước. Ở một góc độ nào đó, người da đỏ Brazil giờ đây được làm chủ trên mảnh đất tổ tiên.

"Lối canh tác đồn điền ở Brazil đang phá hủy môi trường một cách tàn bạo. Để có thêm đất trồng trọt, các điền chủ sẵn sàng chặt cây, đốt rừng trên quy mô lớn", Sonia nói. "Đó là điều không bao giờ xảy ra nếu như người da đỏ được canh tác trên những mảnh đất ấy. Chúng tôi tôn trọng, sùng bái Đất Mẹ thiêng liêng, bởi đây là nơi nuôi dưỡng con người lớn lên".

Quyền lợi luôn song hành cùng trách nhiệm. Người da đỏ được quyền canh tác, bù lại họ cũng có nghĩa vụ bảo vệ cây cối, nguồn nước và khoảnh rừng trên những mảnh đất ấy, bởi đây là ngôi nhà của muôn loài. "Chúng tôi đã đấu tranh trong một khoảng thời gian dài để giành lấy quyền tồn tại, và giờ là lúc người da trắng phải hiểu họ cũng cần chung tay bảo vệ môi trường vì tương lai chung của thế giới", Sonia khẳng định.

Những nỗ lực của Sonia, vốn chỉ được biết đến ở Brazil, dần lan tỏa ra toàn thế giới. Hiện thực bà phơi bày như một hồi chuông cảnh báo về tình trạng suy thoái môi trường nghiêm trọng trên toàn cầu, nhưng cũng mang đến một niềm hy vọng lớn lao; và đòi hỏi mọi người dân, mọi cơ quan đoàn thể chung tay góp sức.

Bảo vệ "Đất tổ tiên" ảnh 1

Sứ mệnh trọn đời

Sonia đã kết nối trực tiếp với hơn 300 bộ lạc ven rừng Amazon. Bà tiếp nhận thông tin, đấu tranh, đòi quyền lợi và bảo vệ họ trước những cuộc xâm lấn của giới điền chủ. Điều làm Sonia đau đầu hằng ngày là trong khi các bộ luật bảo vệ thổ dân được ban ra, vẫn có những kẻ sẵn sàng phá ngang và sẵn sàng sử dụng bạo lực.

Tháng 5/2017, Brazil rúng động trước thông tin 13 thổ dân ở bang Maranhao, quê hương của Sonia, bị thương nặng. Họ phải nhập viện cấp cứu vì bị tấn công trong khi giữ đất. Một nhân chứng cho biết đám thủ phạm xâm lấn được vũ trang kín đến tận răng, và chúng hành động bài bản như những lính đánh thuê chuyên nghiệp.

Một thủ đoạn chiếm đất khác của giới điền chủ là họ thường xua gia súc đến những khoảnh ruộng và vùng đất canh tác của những thổ dân da đỏ ngay trong đêm. Bàn chân của hàng nghìn con thú nhanh chóng chà đạp thành quả lao động trong nhiều tháng liền. Khi cảnh sát địa phương đến được thì tất cả chỉ còn là đống hoang tàn.

Cũng vào tháng 3/2017, bang Maranhao chứng kiến vụ ám sát nhà hoạt động xã hội Waldomiro Costa Pereira. Trong lúc ông đang thụ án tù, một nhóm năm người có vũ trang đã đột nhập trại giam Para và giết hại ông. Waldomiro chỉ là một trong hàng chục người đấu tranh quyền lợi cho người da đỏ bị sát hại mỗi năm ở Brazil.

Bản thân Sonia cũng hiểu: Khi dấn thân vào con đường bảo vệ những thổ dân da đỏ, cuộc sống của bà không khi nào bình lặng. Nhưng trước những lời cám dỗ và cả đe dọa, người phụ nữ 48 tuổi luôn giữ một tâm thế bình thản. Bà vẫn đi theo con đường mình đã chọn, bởi bà tâm niệm đó là điều đúng đắn, là một sứ mệnh thiêng liêng.