"Báo động đỏ" cho Nhà trắng

Ngày 1/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo rằng ông sẽ triệu tập bốn nhà lãnh đạo hàng đầu của Quốc hội Mỹ, bao gồm: Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy, lãnh đạo đảng Dân chủ tại Hạ viện Hakeem Jeffries, lãnh đạo phe đa số ở Thượng viện Chuck Schumer cùng lãnh đạo đảng Cộng hòa Mitch McConnell. Nếu họ không thỏa thuận được với nhau, Chính phủ Mỹ sẽ có nguy cơ vỡ nợ.
0:00 / 0:00
0:00

Đó là viễn cảnh u ám vừa được Bộ trưởng Tài chính Mỹ - bà Janet Yellen đề cập một cách tương đối rõ ràng vào ngày 1/5.

Một cách ngắn gọn, Chính phủ Mỹ đang chi nhiều hơn thu. Bộ Tài chính Mỹ ước tính rằng họ sẽ không thể tiếp tục đáp ứng tất cả nghĩa vụ tài chính của chính phủ vào đầu tháng 6 tới, sớm nhất là vào ngày 1/6, nếu Quốc hội không nâng hoặc đình chỉ giới hạn nợ trước thời điểm này.

Từ tháng 1/2023, nền kinh tế số 1 thế giới đã chạm ngưỡng giới hạn vay nợ 31.400 tỷ USD. Kể từ đó, Bộ Tài chính Mỹ đã phải áp dụng các biện pháp đặc biệt, để có thể tiếp tục trang trải cho các hoạt động của chính phủ.

Và đến ngày 25/4, bà Janet Yellen cũng đã cảnh báo: Việc Quốc hội bế tắc trong nâng trần nợ công sẽ gây ra "thảm họa kinh tế", đồng thời có thể khiến lãi suất tăng cao trong nhiều năm tới.

Nếu trần nợ công không được nâng lên, các doanh nghiệp Mỹ sẽ phải đối mặt với thị trường tín dụng xấu đi, trong khi chính phủ có thể sẽ ngừng cấp khoản thanh toán cho các gia đình quân nhân và người cao tuổi sống dựa vào an sinh xã hội. Hơn thế, nếu trở thành hiện thực, tình trạng vỡ nợ có thể đe dọa những tiến bộ về kinh tế mà Mỹ đạt được từ sau đại dịch Covid-19.

Ngày 16/4, Hạ viện Mỹ (với đảng Cộng hòa chiếm đa số) đã thông qua đề xuất tăng giới hạn nợ quốc gia, với tỷ lệ sít sao 217 phiếu thuận và 215 phiếu chống. Đề xuất chấp nhận tăng giới hạn nợ công thêm 1.500 tỷ USD hoặc cho đến ngày 31/3 năm sau. Đổi lại là khoản cắt giảm chi tiêu trị giá 4.500 tỷ USD trong 10 năm.

Song, cắt giảm chi tiêu lại là điều đảng Dân chủ cũng như Tổng thống Mỹ Joe Biden phản đối dữ dội. Nhà trắng tuyên bố đề xuất trên của Hạ viện "không có khả năng trở thành luật", còn ông chủ Nhà trắng thì đòi hỏi trần nợ phải được nâng lên "vô điều kiện".

Cơ sở lập luận của các chính trị gia đảng Dân chủ là: Các khoản cắt giảm sẽ ảnh hưởng tới phí chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, cũng như các biện pháp ưu đãi thuế đối với năng lượng mặt trời và các nguồn năng lượng thân thiện với khí hậu khác. Bộ Giao thông vận tải Mỹ cũng cảnh báo việc cắt giảm ngân sách có thể buộc họ đóng cửa hàng trăm tháp kiểm soát không lưu trên toàn quốc.

Ngay sau đó, phe đa số thuộc đảng Dân chủ ở Thượng viện Mỹ đã bắt đầu xúc tiến một cuộc bỏ phiếu dự luật đình chỉ trần nợ công 31.400 tỷ USD trong hai năm mà không cần điều kiện. Tất nhiên, đáp lại, các nghị sĩ đảng Cộng hòa khẳng định rằng họ sẽ không chấp nhận điều này.

Điều hiện hữu là một trạng thái bế tắc, mà vì nó, ông chủ Nhà trắng buộc phải quyết định triệu tập thủ lĩnh các phe ở hai viện Quốc hội Mỹ.

Thực tế, trong lịch sử chính trường Mỹ, những "vách đá tài chính" hay khả năng chính phủ phải "đóng cửa" tạm thời do thiếu kinh phí đã luôn là công cụ hữu hiệu của mọi phe đối lập, đặc biệt là ở các giai đoạn nửa sau nhiệm kỳ tổng thống, nhằm gia tăng sức ép và ngáng trở các quyết sách của phe cầm quyền, trước kỳ bầu cử tổng thống kế tiếp.

Tuy nhiên, có lẽ chưa bao giờ nguy cơ "vỡ nợ" của một chính phủ Mỹ lại rõ ràng và có thể tạo nên những hệ lụy trầm trọng như hiện tại - thời điểm mọi nền kinh tế đều còn phải vật vã với các chấn động sau đại dịch, cộng hưởng cùng tình hình xung đột và giá năng lượng cũng như chi phí sinh hoạt tăng cao, trên toàn thế giới. Bối cảnh này khiến kể từ đầu nhiệm kỳ, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phải ký thông qua rất nhiều khoản chi khổng lồ, để khiến mức độ thâm hụt cũng gia tăng theo tỷ lệ thuận.

Giới hạn nợ công đã xuất hiện, như một "lằn ranh đỏ". Và nó cũng chính là cơ hội "phản kích" mạnh mẽ trên chính trường dành cho đảng Cộng hòa…