Hành trình đoạn tuyệt tà đạo, tìm đến ánh sáng niềm tin(★)

Bài 4: Cạm bẫy từ những "giáo đường online" bất hợp pháp

Thực tiễn cho thấy những hoạt động tôn giáo bất hợp pháp, lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để trục lợi khiến hoạt động tâm linh trở nên xô bồ, nảy sinh những diễn biến phức tạp. Đáng chú ý thời gian gần đây, lợi dụng ưu thế của mạng xã hội, các hoạt động tuyên truyền mê tín dị đoan, lôi kéo người tham gia tà đạo ngày càng gia tăng.
0:00 / 0:00
0:00
Một nạn nhân trình báo với cơ quan Công an và đề nghị xử lý nghiêm các đối tượng Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ.
Một nạn nhân trình báo với cơ quan Công an và đề nghị xử lý nghiêm các đối tượng Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ.

Những diễn biến phức tạp nói trên đang đặt ra các yêu cầu mới đối với công tác quản lý nhằm phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các vi phạm nấp bóng tín ngưỡng, tôn giáo, giữ vững trật tự an ninh xã hội, bảo đảm môi trường xã hội văn minh, an toàn, góp phần xây dựng niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo.

Cẩn trọng trước những "sinh hoạt tôn giáo online"

Theo số liệu thống kê vừa được công bố tại Hội nghị Sơ kết công tác thông tin và truyền thông sáu tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ sáu tháng cuối năm 2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông, tỷ lệ người sử dụng internet đạt 78,59%, vượt mục tiêu kế hoạch năm 2023 (kế hoạch năm 2023 là 76%)… Còn theo kết quả khảo sát mới đây của Công ty nghiên cứu thị trường DataReportal (Singapore), trong số 10 quốc gia có lượng người dùng Facebook, TikTok và YouTube nhiều nhất thế giới, Việt Nam lần lượt xếp vị trí thứ 6, 7 và 9.

Không thể phủ nhận internet và mạng xã hội mang lại những lợi ích to lớn cho cộng đồng trong việc trao đổi thông tin, mở rộng sự hiểu biết, đáp ứng nhu cầu giải trí, tăng cường cơ hội giao tiếp, tạo cơ hội để phát triển nghề nghiệp,… Trước xu thế này, hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề đã mở rộng hoạt động trên không gian mạng để thích ứng kịp thời với yêu cầu phát triển và đòi hỏi của xã hội. Riêng trong lĩnh vực tôn giáo, dù có những đặc điểm tương đối chuyên biệt, mang tính đặc thù, song việc sử dụng những tiện ích của mạng xã hội trong triển khai các hoạt động cụ thể đã từng bước được áp dụng và thu lại những kết quả tích cực. Đại đức, TS Thích Nhuận Huệ - Trưởng Ban Hoằng pháp Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Định nhận định: "Cần tận dụng tối đa các kênh truyền thông để đưa Phật pháp đến cư dân mạng. Mạng xã hội cũng là một cách để người tín hữu tuyên xưng, chia sẻ những điều tốt đẹp, đức tin đến với mọi người".

Tuy nhiên, cùng với đó, những mặt trái của mạng xã hội cũng đang đặt ra nhiều nguy cơ, kể cả trong lĩnh vực tôn giáo. Cụ thể các hội nhóm, tổ chức đội lốt tôn giáo đã lợi dụng những ưu thế của mạng xã hội như khả năng lan tỏa nhanh, cách thức truyền tải đa dạng, không bị hạn chế về thời gian, địa điểm cũng như số người tham gia từ đó thường xuyên tổ chức các "sinh hoạt tôn giáo online" dưới hình thức diễn đàn, hội thảo, nhóm kín… để truyền đạo và chiêu mộ thành viên bất hợp pháp. Một số hội nhóm nấp bóng tôn giáo, hoạt động trái pháp luật, sau khi bị cơ quan chức năng phát hiện, yêu cầu giải tán các tụ điểm "truyền đạo" phi pháp thì lập tức dời địa điểm lên không gian mạng.

Lang thang lên mạng, người sử dụng chỉ cần cho thấy xu hướng tìm kiếm của mình về lĩnh vực tôn giáo thì lập tức các nền tảng mạng xã hội sẽ đưa ra gợi ý những fanpage, đường link có nội dung liên quan. Điều đáng nói là trong những gợi ý đưa ra cho người dùng xuất hiện rất nhiều trang tuyên truyền tà đạo có tài trợ (các đối tượng đóng tiền quảng cáo cho nhà cung cấp nền tảng xuyên biên giới, nhờ đó các nội dung đăng tải sẽ được phổ biến, lan tỏa nhiều hơn, bất kể nội dung gì). Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ thông tin, tỉnh táo để nhận diện đâu là chính đạo, đâu là tà đạo. Đồng thời, các ứng dụng tin nhắn phổ biến hiện nay cũng bị các đối tượng triệt để khai thác.

Những chiêu thức tinh vi

Qua hoạt động của tà đạo biến tướng trên không gian mạng có thể thấy điểm chung là các đối tượng thường hướng đến nhóm những người cao tuổi, có nhiều thời gian rảnh rỗi; người mắc bệnh nan y đang hoang mang cần tìm nguồn động viên, chỗ dựa tinh thần; và những người trẻ có bản tính tò mò, muốn thử sức với những điều mới lạ. Tùy theo từng nhóm người, các đối tượng sẽ có những cách thức "chăn dắt" tinh vi hòng lôi kéo, dụ dỗ "con mồi" tin, nghe theo. Cách thức phổ biến của chúng là tìm cách động viên, chia sẻ với các "con mồi" về các vấn đề vướng mắc trong cuộc sống; thuyết giảng những nội dung có vẻ dựa trên căn cứ khoa học về những vấn đề được nhiều người quan tâm như: chữa lành, sống lạc quan, chủ động, thiền để đánh thức các năng lượng từ trong cơ thể, hình thành mối tương quan giữa con người - vũ trụ, chữa bệnh bằng năng lượng vũ trụ… Đồng thời, những người đứng đầu các hội nhóm được thổi phồng lên như đấng siêu nhiên, là "Phật sống", "Thánh sống" có thể "thông công" với các đấng thần linh, các vong linh người đã mất; có khả năng chữa bệnh bằng năng lượng, bằng phù chú…

Bên cạnh những tà đạo vỗ ngực tự xưng là "có số có má" vì số người theo dõi lớn, không ngừng phô trương thanh thế, ra sức tuyển mộ con nhang đệ tử khắp trong nam ngoài bắc, thời gian qua xuất hiện nhiều hội nhóm tôn giáo tự xưng với những tên gọi hoa mỹ kiểu như "Phật giáo vũ trụ", "Thiên sứ thượng đẳng", "Đạo Trời"… mọc lên nhan nhản trên các diễn đàn mạng. Như một nhóm đạo lạ được khởi tạo trên mạng từ tháng 7/2022 với người điều hành có danh xưng "Thiên Đạo", "Giáo Chủ" thường xuyên livestream tuyên truyền những nội dung nhảm nhí, không có cơ sở khoa học, thậm chí cãi vã nhau như ngoài chợ. Đến nay kênh YouTube của nhóm này có tới 758 nghìn người đăng ký.

Phương thức hoạt động của nhiều tà đạo mang dáng dấp của mô hình kinh doanh đa cấp: đó là người tham gia càng dụ dỗ, rủ rê được đông người quen, bạn bè gia nhập hội thì càng có nhiều quyền lợi. Điều này bộc lộ bản chất thật sự của nhiều tổ chức tôn giáo bất hợp pháp nhằm kinh doanh, kiếm tiền. Các đối tượng sau khi đã dẫn dụ, mê hoặc được các "con mồi" trở thành "tín đồ" thì bắt đầu khai thác họ triệt để thông qua các hoạt động tưởng chừng rất lành mạnh như đóng góp từ thiện, mua sách, tài liệu, thực phẩm dưỡng sinh... Nhưng tiền của "tín đồ" cuối cùng đều rơi vào túi những đối tượng cầm đầu, mọi "lời hay ý đẹp" mà chúng rao giảng chỉ là "bánh vẽ". Đến khi "con mồi" tỉnh ngộ thì tiền mất, tật mang, những người nhận tiền giờ không cánh mà bay, những hứa hẹn hão huyền cũng bay luôn theo gió.

Tìm giải pháp để ngăn chặn

Năm 2021, Ban Tôn giáo thành phố Hà Nội đã ra khuyến cáo người dân cảnh giác với sự nở rộ các hình thức biến tướng của "tà đạo" trên mạng xã hội. Hiện nay, dù cơ quan chức năng đã thực hiện nhiều giải pháp để ngăn chặn, song sự hoành hành của tà đạo trên không gian mạng vẫn vô cùng phức tạp.

Cần khẳng định trong tiến trình cách mạng của dân tộc, Đảng và Nhà nước ta luôn thực hiện chính sách nhất quán và không ngừng nỗ lực bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân; bảo đảm các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật song cũng kiên quyết xử lý những đối tượng có hành vi xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật. Từ những diễn biến phức tạp của các hoạt động phi pháp núp bóng tín ngưỡng, tôn giáo đòi hỏi cần phải được cơ quan chức năng nhận diện, đánh giá kịp thời để có biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa, nếu không, hậu quả gây ra cho xã hội là vô cùng nguy hiểm. Với những "giáo đường online" có dấu hiệu biến tướng, phi pháp, yêu cầu đặt ra là cần giám sát, quản lý chặt chẽ nội dung phát trên không gian mạng, phát hiện và ngăn chặn các thông tin xấu độc, truy tìm và xử lý tận gốc các hội nhóm tà đạo. Mục tiêu đặt ra là tăng cường sự quản lý của Nhà nước đối với hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trên không gian mạng để góp phần bảo đảm quyền tự do, tín ngưỡng của người dân, giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp, củng cố niềm tin của người dân với Đảng, Nhà nước, kiên quyết ngăn chặn âm mưu lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo chống phá chế độ.

Bên cạnh đó, hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức trong cộng đồng về quyền tự do tôn giáo, định hướng người dân thực hành quyền tín ngưỡng tôn giáo đúng pháp luật, không tạo cơ hội cho kẻ xấu dụ dỗ mua chuộc… cần được tăng cường. Việc thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng công tác xử lý của cơ quan chức năng đối với các hoạt động tôn giáo bất hợp pháp cũng là khâu quan trọng để người dân chủ động nắm bắt và nâng cao cảnh giác, từng bước hình thành tính tự giác trong công tác phòng ngừa, tham gia đấu tranh ngăn ngừa các hoạt động vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tôn giáo. Đó là những việc làm thiết thực để bảo vệ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo chính đáng, lành mạnh của nhân dân.

(★) Xem Báo Nhân Dân cuối tuần số 33, ra ngày 13/8/2023 hoặc truy cập link:

Bài 1: Ngăn chặn "gió độc" ở miền trung

Bài 2: Thoát khỏi "động quỷ"

Bài 3: Những "vòi bạch tuộc" tại đô thị